Chỉ thu hồi được dưới 10% số tiền, tài sản bị tham nhũng

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Đó là con số được đưa ra trong báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Sau khi nghe xong Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo của Chính phủ.

Chỉ thu hồi được dưới 10% số tiền, tài sản bị tham nhũng
 

Tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn

Theo đó, Uỷ ban Tư pháp đánh giá: “Một số vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước đã được các cơ quan chuyên trách ở trung ương phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tác động tích cực đến củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang quyết tâm thực hiện…”

“Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kểm toán, điều tra còn thấp; việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỷ lệ cao… đã phản ánh chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”, ông Nguyên Văn Hiện nêu.

Về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, Uỷ ban Tư pháp đánh giá: Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhìn chung còn hạn chế. Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.

Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả chưa cao như cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế, ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là về mặt tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm công vụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật…

Việc kê khai tài sản không phát hiện được "sếp công ích" lĩnh lương "khủng"

Một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng là kê khai tài sản. Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp cũng cho rằng: Chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.

Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc chưa phát huy tác dụng, vì cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Và các trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được đã cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này.

Đáng chú ý, trong công tác phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, “việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra, hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được là rất lớn, nhưng việc phát hiện ra hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít.

Cụ thể, theo báo cáo, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất, nhưng chỉ mới thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng, đạt dưới 10% số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi”, báo cáo thẩm tra nêu rõ...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại