Lính đánh thuê và những hợp đồng "khủng" với CIA, Lầu Năm Góc

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ cũng bỏ ra 20 triệu USD thuê 6 công ty lính đánh thuê để đào tạo kỹ năng phòng vệ cho các đặc vụ của mình.

Đặc nhiệm Mỹ cũng phải dựa vào lính đánh thuê

Trong thời kì đỉnh cao, vào năm 2009 có gần 15.300 nhân viên an ninh tư nhân tại Iraq. Sau một số vụ scandal, những công ty an ninh tư nhân ngày càng bị báo chí đang vào tầm ngắm, và chính phủ Iraq cũng không thể tiếp tục làm ngơ trước thực tế này. Các công ty này không còn được quyền miễn trừ nữa, và phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Do đó con số con số này đã dần giảm xuống còn khoảng trên dưới 3.000 người.

Bản thân Blackwater, biểu tượng khét tiếng của các công ty an ninh tư nhân một thời, phải sang tên đổi chủ nhiều lần để tránh các tai tiếng trong quá khứ, từ Blackwater thành Xe, rồi Academi.

Tuy không còn ở thời hoàng kim nữa nhưng thị trường cho các công ty an ninh tư nhân vẫn rất lớn. Khách hàng của những công ty này rất đa dạng, gồm cá nhân, công ty, tổ chức quốc tế, các chính phủ. Và thậm chí, ngay chính quân đội Mỹ cũng là một khách hàng lớn của các công ty an ninh tư nhân này.

Quân đội Mỹ là một khách hàng lớn của các công ty lính đánh thuê
Quân đội Mỹ là một khách hàng lớn của các công ty lính đánh thuê

Tại Iraq cũng như tại Afghanistan, nhiều lính đánh thuê của các công ty an ninh tư nhân được thuê để bảo vệ căn cứ hoặc tiền đồn của quân đội Mỹ. Những người này có thể gồm cựu quân nhân Mỹ, nhưng đa số là người nước khác, thậm chí là người địa phương. Họ sẽ ăn ở ngay bên trong căn cứ như lính Mỹ, nhưng vũ khí, đồng phục, phương tiện vận chuyển do công ty cung cấp.

Ngay cả các lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng sử dụng lính đánh thuê người địa phương để bảo vệ các vị trí của mình tại Afghanistan.

Thông thường, các tiền đồn của lính đặc nhiệm Mỹ đóng ở những nơi hẻo lánh, và có quy mô rất nhỏ, khoảng trên dưới 10 người. Những đơn vị đặc nhiệm này có nhiệm vụ trinh sát, thu thập tin tình báo, hoặc huấn luyện các đơn vị vũ trang địa phương.

Lính đánh thuê được sử dụng để canh gác tiền đồn khi đặc nhiệm đang nghỉ ngơi, hoặc ra ngoài làm nhiệm vụ. Tại Afghanistan, việc sử dụng người địa phương làm lính gác phổ biến hơn so với tại Iraq do đất nước này gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Một tiền đồn nằm trong khu vực người Pashtun có thể dùng lính canh là người Tajik hoặc Uzbek, để đảm bảo các nhóm phiến quân địa phương không cấu kết với lính gác.

CIA cũng không phải ngoại lệ

Một cơ quan thuộc Lầu Năm Góc là ‘Cục chống ma tuý-khủng bố’ đã chi tổng cộng gần 3 tỷ USD cho các công ty an ninh tư nhân trong các hoạt động chống ma tuý khắp nơi trên thế giới, từ Mexico, Trung Á, Afghanistan, đến vùng Hạ Sahara.

Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ cũng bỏ ra 20 triệu USD thuê 6 công ty an ninh để đào tạo kỹ năng phòng vệ cho các đặc vụ của mình, trước khi gửi những người này thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực nguy hiểm như Trung Đông. Một ví dụ khác là Paravant, một công ty con của Blackwater, được thuê để đào tạo lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan.

Lính đánh thuê Mỹ đào tạo cảnh sát Afghanistan
Lính đánh thuê Mỹ đào tạo cảnh sát Afghanistan

Gần đây nhất, Lầu Năm Góc dự định chi 50 triệu USD cho một hợp đồng với các công ty an ninh tư nhân để hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố tại Châu Phi. Châu lục đen hiện nay đang là một điểm nóng không kém Trung Đông đối với các hoạt động khủng bố, tiêu biểu là cuộc tấn công vào trung tâm thương mại tại Kenya gần đây.

Mục tiêu của các chiến dịch này gồm các nhóm khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda tại phía bắc, thủ lĩnh phiến quân khét tiếng Joseph Kony ở phía đông, các tổ chức buôn bán ma tuý…Hoạt động chính mà các công ty an ninh tư nhân đảm trách là vận chuyển bằng đường không nhân lực và trang thiết bị từ một sân bay bí mật ở Bukina Faso đến hơn 20 quốc gia châu Phi khác nhau. Ngoài ra còn có việc thực hiện các nhiệm vụ tải thương đường không trong các tình huống giao tranh.

Khác với Lầu Năm Góc, CIA có riêng một cơ quan, được gọi là Đội phản ứng toàn cầu (GRS), chuyên tìm lính đánh thuê để bảo vệ đặc vụ của mình ở nước ngoài. Trong số 14 nhân viên CIA thiệt mạng từ năm 2009 đến 2012, 5 trong số đó là thuộc GRS.

Nhân viên của GRS thường là cựu lính đặc nhiệm hoặc SWAT, một nửa số đó làm việc dưới dạng hợp đồng, chứ không phải là một nhân viên của chính phủ. Họ được trả một mức lương rất cao từ 140.000 USD hoặc hơn một năm, và chỉ làm việc từ 90 đến 120 ngày bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên vì là nhân viên hợp đồng nên mức lương này không đi kèm các phúc lợi hay bảo hiểm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại