Lặng người trước bức tranh trẻ khiếm thị vẽ tặng Đại tướng

P.Nhi - K.Oanh |

(Soha.vn) - Chưa một lần trong đời được nhìn thấy cụ Võ Nguyên Giáp nhưng trong tưởng tượng của các trẻ em khiếm thị, cụ luôn rất đẹp.

Không may mắn như hàng triệu người Việt Nam khác, có thể gặp trực tiếp, thấy hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ti vi hay các phương tiện thông tin đại chúng khác, trẻ em trường Nguyễn Đình Chiểu thì cả đời không biết khuôn mặt cụ trông như thế nào.

Chúng tôi trở về ngôi trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Lạc Trung, Hà Nội) vào buổi chiều sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời được 2 ngày. Bước chân vào khu kí túc xá của hơn 100 em khiếm thị cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí lạnh lẽo, buồn thương bao trùm khắp chốn.

Tại căn phòng nhỏ của các bạn nam tầng 2, tốp 4 – 5 bạn nam đang ngồi sát cạnh nhau cùng lắng tai nghe chiếc radio phát phóng sự về bậc thầy “thiên tài quân sự” của đất nước.

Vì đôi mắt không nhìn được nên chiếc radio này trở thành vật bất ly thân, là chiếc cầu nối giúp các em có thể gần hơn với cụ Giáp.

Những trẻ em mù lặng ngồi bên nhau nghe đài để tưởng tượng về cụ Võ Nguyên Giáp.

Những trẻ em khiếm thị lặng ngồi bên nhau nghe đài để tưởng tượng về cụ Võ Nguyên Giáp.

Em biết cụ mất khi nghe bản tin trên đài vào lúc 6h tối. Trước đó, khi nghe đài báo mừng sinh nhật cụ Giáp thọ 103 tuổi, em đã rất mừng. Vậy mà giờ cụ đã ra đi… Em rất lấy làm tiếc. Em cảm thấy rất buồn” - hai bàn tay đan vào, run run đầy vẻ bối rối, cậu bé khiếm thị Đỗ Trung Minh (10 tuổi) nghẹn ngào.

Tuy chưa từng một lần được nhìn thấy khuôn mặt cụ, nụ cười, ánh mắt cụ nhưng trong trí tưởng tượng của các em, “em coi như đã được gặp cụ rồi!”.

Minh bảo, có lần Minh nằm mơ thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm ngôi trường của Minh. “Sáng ngủ dậy, em đã rất vui. Khi gặp cụ trong giấc mơ, điều đầu tiên em đã làm là mỉm cười chào cụ và chia sẻ cảm xúc của mình cho cụ biết, rằng cụ là một tấm gương sáng cho bọn em noi theo”.

Trong suy nghĩ và trong tâm tưởng của các trẻ em khiếm thị, vị tướng huyền thoại được cả thế giới kính phục ấy có “gương mặt gầy, dài, tóc bạc trắng”. Nếu như ai đó được trực tiếp nghe các em tả về hình dáng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi tin chắc rằng ai cũng phải mủi lòng. Cũng giống như chúng tôi khi đó đã chết lặng khi được biết một Võ Nguyên Giáp rất khác trong trí tưởng tượng của các em trường khiếm thị.

Chưa một lần trong đời được nhìn thấy cụ Võ Nguyên Giáp nhưng trong tưởng tượng của các trẻ em, cụ luôn rất đẹp.

Nói chuyện với chúng tôi, ban quản lý kí túc xá cho biết, 2 ngày hôm nay, cả kí túc xá đều xôn xao về thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Thậm chí, có em sau khi nghe thông báo trên đài vẫn không tin là sự thật, đã dò dẫm từng bước chân xuống nơi ở của bảo vệ ở tầng 1, chờ cả tiếng đồng hồ trước tivi, lắng tai nghe thời sự 19h với hi vọng nỗi đau kia là không có thật!

Có em lại lấy giấy, bút ra, ngồi vào bàn và vẽ. Những nét bút màu nguệch ngoạc nhưng thấm đẫm tình cảm yêu thương. Bức tranh vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp của cậu bé khiếm thị Đức Chung khiến nhiều người xúc động.

Bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trí tưởng tượng của trẻ em mù!

Bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trí tưởng tượng của cậu bé khiếm thị.

Cậu vẽ một cách say sưa, tưởng như cụ Giáp đang đứng ngay trước mắt vậy. Dù hai mắt em không nhìn được rõ nhưng em nhìn bằng trái tim, bằng tâm hồn rất sáng của mình. Em lần mò từng viên màu để tô, cứ loay hoay khi tô màu áo cho cụ.

cậu bé khiếm thị Đỗ Trung Minh (10 tuổi) bảo đã từng mơ thấy Đại tướng về thăm trường Nguyễn Đình Chiểu.

Các em kể cho nhau giấc mơ gặp Đại tướng về thăm trường Nguyễn Đình Chiểu.

“Bác cả đời lo việc nước nên em nghĩ bác sẽ đeo kính. Ngoài ra, em cũng vẽ bác cười vì trong lòng em, bác lúc nào cũng gần gũi và thân thiện với mọi người” – vừa chỉ tay vào bức tranh đã hoàn tất, Đức Chung giải thích.

Khi bước lên tầng 3 của khu kí túc xá, chúng tôi thấy cậu bé Đào Xuân Trung, 15 tuổi, cứ ngồi bần thần hồi lâu bên chiếc giường sắt của mình.

Khi được hỏi, Trung nói: “Cảm xúc của em khó diễn tả thành lời, người em cứ lặng dần đi khi nghe tin bác mất”.

Dù đôi mắt mù lòa, không thể đọc được những cuốn sách hay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không thể xem những thước phim kinh điển về người nhưng Đào Xuân Trung vẫn thường xuyên nghe người lớn kể về các câu chuyện liên quan tới Đại tướng.

Chưa một lần trong đời được nhìn thấy cụ Võ Nguyên Giáp nhưng trong tưởng tượng của các trẻ em mù, cụ luôn rất đẹp.

Chưa một lần trong đời được nhìn thấy cụ Võ Nguyên Giáp nhưng trong tưởng tượng của các trẻ em, cụ luôn rất đẹp.

“Để nói về tính giản dị của người thì em nhớ có một chi tiết là: Khi bác đi đánh trận Điện Biên Phủ, bác đi đôi dép cao su được làm từ lốp ô tô. Em cũng học hỏi được ở con người bác rất nhiều, như tính trách nhiệm qua trận Điện Biên Phủ khi người quyết tâm giữ vững quan điểm của mình từ chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” – Đào Trung nhấn mạnh.

Có thể nói, với tất cả những cảm xúc, tình cảm chân thành của những trẻ em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp , ở nơi suối vàng, nếu có nghe thấy, chắc Đại tướng sẽ mỉm cười hạnh phúc!

-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng ngày từng giờ dõi theo mọi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung sau đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:

(Danh sách này liên tục được cập nhật khi có thông tin mới)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại