Chúng tôi đến nhà Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN) từ rất sớm. Bước vào nhà đã thấy ông ngồi trầm ngâm, mắt đăm đăm nhìn bức ảnh mừng sinh nhật đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trên tường, ở ngay trước mặt. Mặc dù tuổi đã 90, 17 lần bị thương và gửi lại một cánh tay trên chiến trường, sức khỏe đã rất yếu nhưng ông vẫn gắng trò chuyện cùng chúng tôi. Vừa nghe nhắc tới tên vị Tổng tư lệnh của mình, người được mệnh danh là “Hổ cụt đường 9 nam Lào” và đã từng bị Mỹ ngụy treo giải thưởng nhiều ngàn đô cho ai lấy được đầu, Trung tướng Lê Hữu Đức đã rân rấn nước mắt.
Ông ngậm ngùi bảo: “Mỗi lần nhắc tới cụ Hồ, nhắc tới ông Võ Nguyên Giáp là tôi không cầm được nước mắt. Hôm qua, có một người quen nằm ở viện 108 gọi điện cho cô giúp việc nhắn với tôi là ông Võ mất. Sau đó lại nghe được tin xác nhận từ một chú trung tá, tôi đã rất buồn. Đau xót vô cùng. Vẫn biết sinh ly tử biệt nhưng tôi thấy tiếc một người tốt như vậy, văn võ song toàn, đức độ trọn vẹn, ít có ai được như thế!”.
Trung tướng Lê Hữu Đức - người đã 20 năm ở gần, làm việc và báo cáo thường xuyên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi được anh Văn trực tiếp lãnh đạo. Thẳng thắn mà nói, tôi trưởng thành như ngày hôm nay, từ một anh trung đội phó trở thành một trung tướng như ngày nay, có những kinh nghiệm xử trí đúng là nhờ ông Giáp. Đối với tôi, ông Giáp là người có công lớn trong giáo dục và đào tạo tôi” .
Trung tướng Lê Hữu Đức (góc trái) là 1 trong 3 người thân cận nhất với đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt những năm chiến tranh chống Mỹ.
Vào ngày mùng 1 Tết, dù bận trăm công nghìn việc đi chăng nữa, bao giờ ông Đức cũng quân phục chỉnh tề tới thăm những “người thầy” của mình và người đầu tiên luôn là tướng Giáp. Khi đại tướng Võ Nguyên Giáp in ảnh tặng riêng Trung tướng Lê Hữu Đức, ông không ghi trịnh trọng mà chỉ giản dị viết “tặng cậu Đức", điều đó cho thấy tình cảm thân thiết giữa 2 người khăng khít tới cỡ nào!
Trung tướng Đức kể, năm 1953, ông bắt đầu được làm việc và tiếp xúc với đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó, ông Đức là trung đội phó còn tướng Giáp làm Tổng tư lệnh.
Lúc đầu, chưa từng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đức rất lo: “Nếu vị Tổng tư lệnh mà khó tính, phê phán cả ngày chắc là chết mất thôi!”. Tuy nhiên, khi gặp rồi, cảm nhận của ông Đức về tướng Giáp lại là một lãnh đạo rất thân tình.
“Câu đầu tiên mà ông Giáp hỏi tôi là: Anh ở đâu về? Tay bị thương vì chiến đấu chứ? Có trở ngại gì không? Thấy ông Giáp nhẹ nhàng, tôi mới thở phào”.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Trung tướng Lê Hữu Đức là người thường xuyên, trực tiếp gặp gỡ báo cáo với Tổng tư lệnh. “Có thể gặp vào buổi sáng, có thể buổi trưa, có thể buổi chiều, có thể là 1 – 2h đêm, cứ khi tiếng súng nổ ở chiến trường Điện Biên Phủ tạm lắng xuống thì tôi tới gặp Đại tướng để báo cáo. Lúc đó, anh Văn mệt phờ, tôi tưởng anh sẽ quát mắng nhưng không, bao giờ anh cũng lắng nghe. Nếu cấp dưới đúng thì anh biểu dương, chỗ nào sai thì anh rút kinh nghiệm. Anh còn đọc từng câu, từng dấu chấm phẩy cho tôi đánh điện báo” – Trung tướng Đức kể.
“Tôi thấy xúc động lắm, tôi chưa bao giờ thấy một lãnh đạo nào dân chủ và đứng đắn như vậy, xóa sạch khoảng cách giữa một vị tổng tư lệnh với một anh trung đội phó”.
Không chỉ nhẹ nhàng với người kề cận mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đối xử ân cần với cả các đồng chí tư lệnh ở các chiến trường khác như quân khu 3, quân khu 1, Tây Bắc… “Đồng chí Giáp luôn tìm mọi cách lắng nghe, bao giờ trước khi họ về, ông cũng dặn chúng tôi, các đồng chí phải bố trí thời gian cho họ gặp tôi. Nếu ở hội nghị, tôi nói không hết thì khi gặp riêng, tôi sẽ nói hết. Điều đó đã nối liền khoảng cách giữa người ở xa với người ở gần, tạo nên tiếng nói chung giàu sức mạnh lớn” – Trung tướng Đức tâm sự.
Điều mà trung tướng Đức khâm phục nhất ở “anh Văn” là sự dân chủ hết mực. Các cuộc gặp ở Khu A hay nhà riêng 30 Hoàng Diệu của ông luôn là nơi các tướng chiến trường trút hết tâm sự của mình cũng như nhận sự động viên của vị Tổng tư lệnh để tạo nên tiếng nói chung.
“Cái đó tôi cho là rất quan trọng, nếu chỉ nặng vào ra lệnh không thôi thì không đủ” – Trung tướng Đức nói.
Cũng theo lời của tướng Đức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người quán triệt câu nói của Bác Hồ: “Vì nước ta nhỏ, yếu, nhân dân ta sẽ ít thôi, không nhiều như Trung Quốc cho nên làm thế nào để thắng địch nhiều mà tổn thất ít nhất”. Tướng Giáp luôn nghiên cứu, không bao giờ chủ quan và không bao giờ coi thường ý kiến cấp dưới.
Đại tướng là người ông Đức ngưỡng mộ, biết ơn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
“Suốt 20 năm chống Mỹ ở gần anh Văn, tôi thấy anh có trình độ văn hóa rất cao, ngày xưa người có trình độ giáo sư như Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ tính trên đầu ngón tay chứ không như bây giờ, giáo sư, tiến sĩ nhan nhản. Có kiến thức, cộng thêm chủ nghĩa Mác – Lê Nin giáo dục, anh Văn có cái hay là được giác ngộ cách mạng sớm, lại thêm việc được lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh giáo dục. Do đó, anh Văn có phương pháp luận hết sức biện chứng, hết sức khoa học, không hề phạm một sai lầm nào về duy ý chí” – ông Đức nhận xét.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi, theo trung tướng Đức, Đảng ta mất đi một tài năng vì ông là một danh nhân thế giới, được Hội nghị các nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu Thế giới được tổ chức ở Thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh) đã nhất trí bầu là 1 trong số 10 vị tướng huyền thoại xuất sắc nhất của nhân loại mọi thời đại (Việt Nam có 2 người trong danh sách này, người còn lại là Trần Hưng Đạo).
Trong sự nghiệp trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo được nhiều học trò nhưng học trò xuất sắc nhất là Võ Nguyên Giáp, kể cả Trường Chinh, Lê Duẩn.
Cũng theo chia sẻ của trung tướng Đức, từ trước đó khá lâu, ông đã viết thư kiến nghị khi nào Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất sẽ làm Quốc tang và căn nhà nơi Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu sẽ thành bảo tàng Võ Nguyên Giáp.
“Tôi vẫn nhớ lời một quan chức Chi Lê nói: Nếu lời phát biểu của Đại tướng mà thanh niên Chi Lê được nghe từ trước đó thì cách mạng Chi Lê sẽ phát triển hơn. Còn một tướng Pháp đã từng nói: Còn lâu Việt Nam mới có một tướng như Võ Nguyên Giáp. Tôi nghĩ điều đó rất đúng” – Trung tướng Đức kết luận.
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng ngày từng giờ dõi theo mọi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung sau đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
1) Đêm đầu tiên sau tin dữ Đại tướng từ trần;
2) Đại tướng ra đi thanh thản; Bác sĩ kể về phút cuối đời Đại tướng;
3) Thông báo Quốc tang, Ban tang lễ Đại tướng; Lịch trình tang lễ;
4) Hình ảnh nơi an nghỉ đẹp như cổ tích của Đại tướng ở quê nhà Quảng Bình;
5) Mọi thông tin về nơi an táng Đại tướng;
6) Thế giới nghiêng mình trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp;
7) Chỉ có ở Soha.vn
(Danh sách này liên tục được cập nhật khi có thông tin mới)