Thảm kịch trên tàu sân bay Mỹ thời chiến tranh Việt Nam

Một quả tên lửa trên boong tàu sân bay USS Forrestal của Mỹ bất ngờ khai hỏa vào năm 1967, gây ra những vụ nổ liên tiếp khiến 134 người thiệt mạng, hàng chục máy bay bị phá hủy.

Ngày 29/7/1967, một sự cố thảm khốc bất ngờ xảy ra trên tàu sân bay USS Forrestal, hoạt động ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam trong cuộc chiến do Mỹ phát động. Khi chuẩn bị không kích miền bắc Việt Nam, một quả tên lửa Mk- 32 “Zuni” trên máy bay F-4 Phantom đã đột ngột khai hỏa, bắn trúng chiếc máy bay A-4 Skyhawk với đầy đủ vũ khí đang chuẩn bị cất cánh từ mặt sàn tàu sân bay.

USS Forrestal bốc cháy dữ dội. Ảnh: Hải quân Mỹ.

USS Forrestal cắm chốt ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam để hỗ trợ các đợt không kích miền Bắc. Tuy nhiên, sự cố ngày 29/7/1967 khiến tàu sân bay của Mỹ phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng. 134 người đã chết trong vụ tai nạn. Tổn thất vật chất lên tới 72 triệu USD tính theo tỉ giá năm 1967 (tương đương gần 500 triệu USD theo giá trị ngày nay).

Tuy nhiên, những thiệt hại trên chưa bao gồm giá trị những chiếc máy bay nổ hoặc hỏng trong vụ tai nạn. Trong khi đó, phi công John McCain, thượng nghị sĩ tương lai của bang Arizona, điều khiển chiếc phi cơ A-4 Skyhawk mà tên lửa lao trúng. Ông McCain đã kịp thoát ra khỏi khoang lái của phi cơ.

Ngọn lửa dữ dội bùng lên trên mặt sàn tàu sân bay USS Forrestal. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Dẫu vậy, nhiên liệu trên chiếc A-4 Skyhawk chuẩn bị xuất kích tràn ra khắp sàn tàu sân bay USS Forrestal, thiêu hủy nhiều máy bay xung quanh đó. Đám cháy từ chiếc máy bay làm một quả bom 450 kg nổ, giết chết nhiều nhân viên cứu hỏa khi họ đang nỗ lực ngăn chặn ngọn lửa lan rộng ra các khu vực khác của sàn tàu.

Hàng loạt vụ nổ sau đó nhấn chìm một phần mặt sàn tàu sân bay USS Forrestal trong biển lửa. Nhiều phi công chuẩn bị xuất kích không thể thoát khỏi khoang lái của máy bay do đám cháy quá dữ dội. Một ngày sau, vụ hỏa hoạn kinh hoàng trên USS Forrestal mới biến mất hoàn toàn.

Trên thực tế, cơ chế an toàn ngăn tên lửa Mk- 32 “Zuni” không phát nổ khi hiện tượng “cướp cò” xảy ra. Tuy nhiên, nó lao trúng thùng chứa nhiên liệu của chiếc máy bay A- 4E Skyhawk, gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Chỉ vài giây sau đó, các thùng chứa nhiên liệu phụ khác cũng bắt lửa, khiến lượng lớn xăng tràn ra mặt sàn tàu sân bay.

Người ta phải mất một ngày để dập tắt đám cháy trên tàu USS Forrestal. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Quả tên lửa Mk- 32 “Zuni” cũng khiến 2 quả bom 450 kg rơi khỏi các giá treo và nằm lăn lóc giữa biển lửa. Dù đội phản ứng nhanh trên tàu sân bay hành động ngay lập tức nhưng nỗ lực tức thời của họ không thể ngăn đám cháy. Nó chỉ đủ kéo dài thời gian để một số phi công kịp thoát khỏi khoang lái máy bay.

Trên thực tế, các nhân viên cứu hộ tin rằng, họ có tối đa 10 phút để khống chế ngọn lửa trước khi quả bom rơi phát nổ. Cơ chế an toàn của những quả bom cho phép nó chịu đựng 10 phút nhưng một trong số đó không đủ tiêu chuẩn. Chỉ 1 phút 36 giây sau khi lửa cháy, quả bom ấy đã nổ, cướp mạng sống của các phi công chưa kịp thoát thân và lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực khống chế hỏa hoạn.

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng cướp đi mạng sống của 134 người, làm bị thương 161 người và khiến 21 máy bay bốc cháy. Ngoài ra, nhiều máy bay và vũ khí cũng bị ném xuống biển để tránh khả năng làm mồi cho vụ hỏa hoạn kinh hoàng trên mặt sàn USS Forrestal.

Thi thể những người thiệt mạng. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Từ sau vụ hỏa hoạn trên tàu sân bay USS Forrestal, Hải quân Mỹ quyết định trang bị loại xe nâng hạng nặng cho các hàng không mẫu hạm khác để chúng có thể vứt các máy bay và vũ khí trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra. Vụ hỏa hoạn trên USS Forrestal gây nên thiệt hại nghiêm trọng nhất của Hải quân Mỹ kể từ sau Thế chiến II.

Sau vụ tai nạn, USS Forrestal tới Philippines để sửa chữa tạm thời trước khi quay trở lại thành phố Norfolk, bang Virginia, Mỹ để đại tu. Con tàu quay trở lại biên chế Hải quân Mỹ trong tháng 4/1968 nhưng không bao giờ trở lại Vịnh Bắc Bộ nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại