Người Nga "túng làm liều" với MiG-35?

Nga mới đây đã công bố kế hoạch mua 16 chiếc MiG-29SMT bất chấp sự miễn cưỡng của Không quân nước này.

Theo giới chuyên gia, động thái này không xuất phát từ nhu cầu quân sự mà đơn giản là để cứu nguy cho tập đoàn chế tạo máy bay MiG.

Nguy cơ phá sản của tập đoàn MiG là hoàn toàn có thật và lộ rõ từ hồi đầu năm nay khi hợp đồng bán 37 chiếc MiG-35 cho Không quân Nga gặp trục trặc. Báo chí Nga (tờ Kommersant) cho rằng nguyên nhân của việc trì hoãn này là do Bộ Quốc phòng Nga thiếu tiền để ký hợp đồng cả gói với MiG.

Dẫn chứng nhằm thuyết phục là việc Bộ Tài chính Nga yêu cầu Bộ Quốc phòng lùi kế hoạch mua sắm một số trang bị trong giai đoạn 2014-2016 sang sau năm 2016. Theo đó, tờ Kommersant cho rằng trong số này có cả hợp đồng mua chiến đấu cơ MiG-35.

MiG-35D của Nga
MiG-35D (hai chỗ ngồi) của Nga

Tuy nhiên, giới chuyên gia và thạo tin lại cho rằng việc trì hoãn hợp đồng mua MiG-35 có liên quan tới những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển (về mặt kỹ thuật).

Việc hủy bỏ hợp đồng này sẽ đẩy tập đoàn MiG rơi vào khó khăn tài chính và giải pháp tốt nhất để cứu nguy cho MiG chính là mua thêm những mẫu MiG-29 hiện đã được phát triển.

Đây không phải lần đầu tiên Nga mua những chiếc MiG đơn giản vì lý do tài chính mà không phải vì lý do quân sự. Hồi năm 2008, Nga cũng từng chấp nhận mua 28 chiếc MiG-29 để giúp tập đoàn MiG không bị phá sản.

Hợp đồng này để chữa cháy khi Algeria tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mua 28 chiếc MiG-29 của Nga với tổng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD và trả lại những chiếc đã bàn giao. Phía Algeria khi đó đã khẳng định có những vấn đề về chất lượng và một số chiếc được lắp ráp từ đồ cũ.

Tiêm kích MiG-29 của Nga
Tiêm kích MiG-29 của Nga

MiG-29 bắt đầu được đưa vào trang bị từ những năm 1980, tuy nhiên kho dự trữ các chi tiết và bộ phận của loại máy bay này vẫn còn nhiều. Chính vì thế một số lãnh đạo của tập đoàn MiG đã nghĩ đến việc sử dụng các bộ phận này để lắp cho những chiếc MiG-29 bán cho Algeria. Vụ việc sau đó đã được điều tra và phanh phui.

Sau vụ bê bối này, giới lãnh đạo MiG kỳ vọng mẫu máy bay mới là MiG-35 có thể cứu nguy cho tập đoàn. Được mô tả là tương đương với F-35 của Mỹ, MiG-35 nhắm đến các đối tượng khách hàng “thu nhập thấp”.

Chính Tư lệnh Không quân Nga, Tướng Alexander Zelin hồi năm 2011 đã tuyên bố Nga sẽ sử dụng MiG-35 như một đối trọng với F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, so sánh này là khập khiễng khi thực chất MiG-35 chỉ là bản thiết kế lại của MiG-29 (MiG-29K/KUB và MiG-29M/M2).

Tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ
Tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ

MiG-29 được đưa vào biên chế từ năm 1983. Cho tới nay, có khoảng 1.600 chiếc MiG-29 các phiên bản được sản xuất và khoảng 900 chiếc được xuất khẩu. Mẫu máy bay nặng 22 tấn này của Nga có thể so sánh với F-16 của Mỹ. Nga đã chi rất nhiều tiền để nâng cấp MiG-29 song hầu như chỉ chú trọng tới phần “vỏ” và động cơ mà không mấy quan tâm tới các thiết bị điện tử.

MiG-35 được Nga phát triển với 2 phiên bản là MiG-35 (một chỗ ngồi) và MiG-35D (2 chỗ ngồi). MiG-35 nặng 29 tấn được trang bị một pháo 30 mm và chỉ có thể mang được khoảng 5 tấn bom đạn (không phải là 6,5 tấn như nhiều nguồn đưa tin).

Những thông số được quảng cáo rầm rộ nhằm thu hút khách hàng là khả năng tấn công (có tài liệu nói là đánh chặn?) và tác chiến điện tử cũng như các cảm biến dò tìm mục tiêu mặt đất và mặt nước. Một điểm nổi bật nữa của MiG-35 được quảng cáo là loại radar Zhuk A.

MiG-35 được đích thân Tư lệnh Không quân nga Zelin so với F-35
MiG-35 được đích thân Tư lệnh Không quân nga Zelin so với F-35

Trong bình luận mới đây, tờ “Trang Chiến lược” cho rằng tất cả những điều này là rất ấn tượng nhưng chỉ trên giấy. Theo đó, các thiết bị điện tử của MiG-35 sẽ không thể sánh được với F-35 của Mỹ. Ngoài ra, MiG-35 có khả năng tàng hình kém hơn F-35.

Chuyến bay đầu tiên của MiG-35 này được tiến hành vào năm 2007. Cho tới nay, đã có tới 10 nguyên mẫu được sử dụng để thử nghiệm và phát triển. Sau khi được sản xuất, MiG-35 sẽ được bán với giá chỉ bằng một nửa của F-35 (hiện khoảng 120 triệu USD mỗi chiếc).

Máy bay F-35 của Mỹ nặng 27 tấn, được trang bị pháo 25 mm, 4 tên lửa không đối không trong khoang kín (hoặc 2 tên lửa và 2 bom thông minh). Ngoài ra, F-35 còn có thể mang theo 4 bom thông minh và 2 tên lửa bên ngoài. Toàn bộ các thiết bị cảm biến của máy bay đều được giấu kín.

Tổng khối lượng vũ khí mang theo tối đa của máy bay đạt 6,8 tấn. Nếu không mang theo vũ khí bên ngoài, F-35 có khả năng tàng hình gần như hoàn hảo trước các hệ thống radar hiện nay.

Cũng có ý kiến cho rằng F-35 ưu việt hơn vì đây là loại máy bay thế hệ thứ 5, trong khi MiG-35 chỉ là thế hệ 4++. Còn sức mạnh của MiG-35 nằm ở các loại vũ khí mang theo như tên lửa Vympel R-27, Molniya R-60, Vympel R-77, Vympel R-73…cũng như các loại bom KAB-500Kr, KAB-500-OD, KAB-1500Kr…

Tuy nhiên, những khó khăn tài chính của tập đoàn MiG và vụ bê bối “đồ cũ” MiG-29 xuất khẩu cho Algeria là những luận cứ hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về chất lượng thực sự của MiG-35 so với những thông số sức mạnh mang tính quảng cáo của loại tiêm kích này.

Có lẽ, không chỉ đơn giản vì lý do tài chính mà Không quân Nga tạm dừng hợp đồng mua 37 chiếc MiG-35 tới sau năm 2016 (không rõ liệu có nối lại hay không?).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại