Tàu SIGMA Việt Nam có thể trang bị tên lửa từng đánh chìm chiến hạm Anh

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Nhiều khả năng những tàu SIGMA đầu tiên của Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa Exocet. Đây là loại tên lửa hiện đại không kém Kh-35, Harpoon… mà đặc biệt còn có kinh nghiệm trận mạc gấp nhiều lần.

Mặc dù loại tên lửa chống hạm trang bị trên các tàu SIGMA của Việt Nam đặt mua từ Hà Lan chưa được làm rõ là Kh-35 hay Exocet, nhưng có thể thấy rằng việc Nga đồng ý để Hà Lan - một nước thuộc NATO - lắp đặt tổ hợp Kh-35 bao gồm cả hệ thống trinh sát, điều khiển hỏa lực là rất khó xảy ra. Vì vậy, khả năng lớn nhất là những tàu SIGMA đầu tiên của Việt Nam sẽ được trang bị Exocet. Nếu sự thật là như vậy thì đây là một bước đột phá của Hải quân Việt Nam.

	Tên lửa Exocet MM40 Block 2 phóng từ tàu mặt nước

Tên lửa Exocet MM40 Block 2 phóng từ tàu mặt nước

Hiện đại không thua kém Kh-35

Xét theo tiêu chí hiện đại và phổ biến, các loại tên lửa chống hạm sử dụng trên các tàu mặt nước hiện nay có 5 dòng cơ bản như sau: Yakhont và Kh-35 của Nga, Harpoon của Mỹ, RBS 15 của Thụy Điển và Exocet của Pháp. Trong số đó, Yakhont là dòng tên lửa hành trình siêu âm nên được đánh giá cao nhưng do khó khăn về việc tích hợp lên các lớp tàu cơ bản nên mức độ phổ biến của Yakhont hoặc biến thể BrahMos không cao.

Ngược lại, các tên lửa Kh-35, Harpoon, RBS15, Exocet được coi là những loại tên lửa chống hạm chủ lực của các tàu mặt nước. Hải quân Việt Nam được trang bị các tàu Gerpard 3.9, tàu Molnyia đều được trang bị Kh-35E. Với các tàu lớp SIGMA mà Việt Nam đang đặt hàng với Hà Lan, chúng ta sẽ có cơ hội sở hữu thêm Exocet.

	Một số loại tên lửa hành trình chống hạm

Một số loại tên lửa hành trình chống hạm

	Tên lửa Exocet được bố trí trên tàu

Tên lửa Exocet được bố trí trên tàu

Tên lửa Exocet do công ty MBDA chế tạo. Loại phóng từ tàu bắt đầu được phát triển từ năm 1967, còn loại phóng từ trên không được phát triển từ năm 1974; 5 năm sau thì bắt đầu được trang bị cho Hải quân Pháp. Hiện nay, Exocet có mặt trong trang bị của Hải quân 26 nước.

Exocet là loại tên lửa nhỏ chuyên để chống tàu nhỏ và vừa (như tàu tên lửa, tàu khu trục, tàu hộ tống..). Trong thực tế, nó còn được sử dụng và chứng tỏ hiệu quả chống tàu lớn như tàu sân bay khi phóng với số lượng lớn.

Tên lửa có khối lượng 670 kg, dài 4,7 m, đường kính 35 mm, khối lượng đầu chiến đấu 165 kg, vận tốc hành trình cận âm 315 m/s. Sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính trong giai đoạn hành trình và radar chủ động trong giai đoạn cuối. Để vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương, ở giai đoạn cuối, tên lửa hạ xuống độ cao cực thấp ở 1-2 m so với mặt biển. Do ảnh hưởng của đường chân trời radar, tên lửa chỉ có thể được phát hiện với khoảng cách nhỏ hơn 6.000 m. Điều này khiến cho đối phương có rất ít thời gian để kích hoạt hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS).

Các phiên bản Exocet đã được sản xuất bao gồm:

MM38 - phóng từ mặt đất hoặc tàu chiến tầm bắn khoảng 42 km. Không còn được sản xuất từ năm 1970.

AM38 phóng từ máy bay trực thăng, phiên bản này mới chỉ được thử nghiệm.

AM39 B2 Mod 2 phóng từ trên không được trang bị cho máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra trên biển, máy bay trực thăng với 14 loại máy bay khác nhau. Tầm bắn hiệu quả từ 50 đến 70 km, phụ thuộc vào độ cao và tốc độ của máy bay khi phóng.

SM39 B2 Mod 2 phóng từ tàu ngầm. Các tên lửa được phóng qua ống phóng ngư lôi. Ngay khi rời khỏi nước, động cơ của tên lửa được đốt cháy, sau đó nó hoạt động như MM40.

MM40 phóng từ mặt đất hoặc tàu mặt nước bao gồm - Block1, Block2 và Block3. Tầm bắn 72 km cho Block2, 180 km cho Block3.

	Các biến thể của Exocet

Các biến thể của Exocet

Theo một số nguồn tin, các tàu SIGMA Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa MM40 Block 2, tuy nhiên, rất có thể chúng sẽ được trang bị MM40 Block3. Block 3 bắt đầu được sản xuất vào năm 2008, tàu chiến đầu tiên trang bị Block 3 được đưa vào biên chế Hải quân Pháp năm 2010. Hiện nay, Block3 đã nhận được đơn đặt hàng của các nước Hy Lạp, UAE, Peru, Qatar, Oman, Indonesia và Ma-rốc.

Như vậy, có thể thấy Exocet MM40 mà Việt Nam sắp sở hữu so với Kh-35E hiện đang được trang bị phổ biến trong Hải quân Việt Nam thì chưa thực sự biết ai vượt trội hơn ai.

Các thông số cơ bản của Kh-35E: dài 4,40m, đường kính 0,42m, trọng lượng phóng 630kg, phần chiến đấu nặng 145 kg, tầm bắn 130 km. Trong hành trình bay, Kh-35 bay ở độ cao 10-15 m, được dẫn đường bằng hệ định vị quán tính ở pha giữa và dùng radar chủ động ARGS-35E (kích hoạt khi cách mục tiêu 20km) ở pha cuối. Ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, quả đạn hạ độ cao xuống còn 3-5m so với mặt nước biển.

Giàu kinh nghiệm trận mạc hơn nhiều

Về tính năng kỹ thuật, theo những thông số đã công bố, chưa thể biết giữa Kh-35E và Exocet, cái nào vượt trội hơn. Nhưng trong khi Kh-35 chưa tham gia chiến trận lần nào thì Exocet đã là một chiến binh đầy kinh nghiệm trận mạc. Điều đó có nghĩa rằng Exocet không cần những lời quảng cáo chào hàng nữa mà chiến tích của nó là lời giới thiệu thuyết phục nhất.

Năm 1982, trong cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát quần đảo Falklands giữa Argentina và Anh,  Exocet đã nổi tiếng trên toàn thế giới khi Hải quân Argentina sử dụng tên lửa Exocet AM39 phóng từ máy bay đánh chìm tàu ​​khu trục Hải quân Hoàng gia HMS Sheffield vào ngày 04 tháng 5 năm 1982.

Tên lửa Exocet đã tấn công vào bên mạn phải HMS Sheffield ở sàn tầng 2, cách mặt nước 2,4 m đâm xuyên vào phòng động cơ, tạo ra một lổ hổng trong thân tàu.

Tiếp theo đó, 2 quả Exocet đã đánh chìm tàu vận tải Atlantic Conveyor có lượng giãn nước 15,000 tấn vào ngày 25/5/1982. Tàu vận tải này trước là một tàu chở container, sau đó được chuyển thành một tàu chở máy bay, trực thăng, cũng như cung cấp hậu cần cho tàu sân bay của Anh.

Ngày 12/6/1982, hai quả tên lửa MM38 đã vô hiệu hóa tàu HMS Glamorgan của Hải quân Hoàng gia Anh. Hai tên lửa đã đâm vào khoang chứa máy bay và phát nổ.

Lo ngại uy lực của Exocet, Anh đã tìm cách ngăn chặn việc mua bổ sung Exocet của Argentina. Trong vụ việc này, Pháp đã hủy bỏ hợp đồng bán tên lửa 3M39 cho Peru do lo ngại số tên lửa này sẽ được chuyển giao cho Argentina.

Không chỉ có vậy, Hải quân Anh còn được Pháp cung cấp code của hệ thống radar điều khiển và radar đầu tự dẫn nên Anh đã nhanh chóng vô hiệu tên lửa Exocet của Argentina.

	Một tàu Hải quân Hoàng gia Anh bị chìm trong cuộc chiến tranh 1982

Một tàu Hải quân Hoàng gia Anh bị chìm trong cuộc chiến tranh 1982

Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, ngày 17 tháng 5 năm 1987, một máy bay phản lực Iraq bắn tên lửa Exocet vào tàu khu trục Mỹ USS Stark. Kết quả là 37 nhân viên Hải quân Hoa Kỳ đã thiệt mạng và 21 người khác bị thương. Tàu USS Stark không bị chìm nhưng đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Có thể nói, so với Kh-35E thì Exocet là một vị tướng có kinh nghiệm trận mạc. Hi vọng với tính hiệu quả đã được chứng minh trên chiến trường, Exocet khi được trang bị trong Hải quân Việt Nam sẽ trở thành một sức mạnh đáng kể ngăn chặn những hành động leo thang, ngang ngược trên biển Đông.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại