Thủy thủ tàu ngầm Kilo được huấn luyện như thế nào?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Thử thách đáng ngại nhất là kiểm tra khả năng chịu áp lực. Nếu thắng được áp lực 3 atm, thí sinh mới được lựa chọn để trở thành thủy thủ tàu ngầm.

Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận hành tốt nhất 2 chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên là tàu ngầm Hà Nội (đang trên đường về Việt Nam) và tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh mà Nga sắp chuyển giao, Việt Nam đã tiến hành tổ chức các khóa đào tạo và huấn luyện thủy thủ ở cả trong nước và nước ngoài. Công việc này đã được Việt Nam chuẩn bị từ khá lâu để đảm bảo có được một đội ngũ thủy thủ xuất sắc có thể làm chủ được tàu ngầm hiện đại lớp Kilo.

Hiện nay, Việt Nam đang có ít nhất 3 kíp tàu ngầm Kilo được huấn luyện và đào tạo tại Liên bang Nga và Ấn Độ theo chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm của nước bạn. Trước đó, các kíp tàu này đã được giao nhiệm vụ và thực hiện các chương trình huấn luyện cơ bản trong nước để chuẩn bị tốt các điều kiện cho những khóa huấn luyện tiếp theo ở nước ngoài.

Vẫn biết phải trải quá trình huấn luyện vô cùng gian khổ và khắc nghiệt, song rất nhiều chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hăng hái đăng ký xét tuyển thủy thủ tàu ngầm để đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ của Hải quân trong thời kỳ mới.

	Thủ tướng Nguyễn Tấn Dung cùng kíp tàu ngầm huấn luyện tại Nga.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng kíp tàu ngầm huấn luyện tại Nga. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chi tiết chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo không được tiết lộ. Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu những nét chính trong chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm nói chung ở Nga, để qua đó, độc giả có thể hình dung phần nào những khó khăn, thử thách mà thủy thủ tàu ngầm Kilo Việt Nam có thể phải trải qua.

Tuyển chọn

Hiện nay, ở Nga có rất nhiều trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm thuộc các chuyên ngành khác nhau như Học viện Hải quân Baltic, Học viện Hải quân Thái Bình Dương, Viện Kỹ thuật Hải quân, Viện Kỹ thuật Vô tuyến điện Hải quân…Trước khi được huấn luyện tại các trung tâm này, các thủy thủ phải trải qua quá trình sơ tuyển đầu vào. Thành phần đăng ký sơ tuyển có thể là quân nhân từ các đơn vị thuộc lực lượng Hải quân, học viên các học viện nhà trường trong quân đội,…

Các ứng viên thực hiện bài kiểm tra sức khỏe gồm 4 vòng rất khó khăn. Vượt qua tất cả các vòng này, ứng viên sẽ được lựa chọn. Để chuẩn bị các kíp tàu ngầm đi học nước ngoài, Việt Nam cũng đã tiến hành sơ tuyển theo qui trình như vậy.

	Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu ngầm Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu ngầm Hà Nội (Ảnh: TTXVN/Đức Tám)

Vòng thứ nhất là kiểm tra sức khoẻ bên ngoài. Ở vòng này, các ứng viên sẽ được kiểm tra chiều cao, cân nặng, thị lực, sẹo, răng, lợi…Vượt qua vòng thứ nhất nghĩa là các thí sinh có đầy đủ chiều cao cân nặng, thị lực tốt, không có sẹo, không có vấn đề về răng miệng, tai, mũi, họng…

Vòng thứ hai là xét nghiệm máu và xác định các bệnh án ban đầu. Thủy thủ tàu ngầm không được có các tiền sử bệnh như động kinh (đau đầu, chóng mặt, choáng, ngất), đau dây thần kinh, thiếu máu, viêm gan B, giang mai, viêm khớp, viêm xoang…

Vòng thứ ba là tiến hành đo huyết áp, điện não, điện tâm đồ, siêu âm, nội soi (thường là nội soi dạ dày). Đảm bảo tất cả các điều kiện sức khỏe sau ba vòng đầu tiên, thí sinh sẽ tiếp tục vòng thứ tư cũng là vòng cuối cùng trong tuyển sinh tàu ngầm sơ bộ (sau này vẫn phải chọn lọc tiếp). Đây là “vòng đấu” khá khó khăn và không phải thí sinh nào cũng có thể vượt qua được.

Ở vòng thứ tư này, thí sinh phải thực hiện bài kiểm tra tiền đình (khả năng giữ thăng bằng) và khả năng chịu được áp lực lớn. Để kiểm tra tiền đình, thí sinh được đưa lên một vòng xoay hoặc một ghế xoay đã được chuẩn bị trước. Chuyện thí sinh trông khỏe mạnh và lực lưỡng bị nôn thốc tháo trong bài test này là điều hoàn toàn bình thường và tất nhiên anh ta sẽ không có cơ hội để thực hiện bước kiểm tra tiếp theo. Sau khoảng 10 phút quay tròn, thí sinh nào vẫn đủ tỉnh táo và thăng bằng để trở về bàn giám khảo và trả lời chính xác các câu hỏi đưa ra thì thí sinh đó đã vượt qua bài kiểm tra tiền đình.

	Thủy thủ trong chiến tranh thế giới cũng phải trải qua những bài huấn luyện khắc nghiệt.

Thủy thủ trong chiến tranh thế giới thứ 2 cũng phải trải qua những bài huấn luyện khắc nghiệt.

Bài kiểm tra nặng nề hơn đó chính là kiểm tra khả năng chịu áp lực lớn. Như đã biết, mọi vật chìm xuống nước đều chịu áp suất của nước. Áp suất này tỷ lệ thuận với độ sâu tức là khi độ xuống sâu 10m, áp suất sẽ tăng thêm 1 atm (áp-mốt-phe). Nghĩa là mỗi diện tích 1 cm mét vuông sẽ tăng thêm áp lực là 1 kg. Nếu thợ lặn xuống độ sâu 30 m, trên thân người đó sẽ chịu một áp lực lên tới 45.000 kg. Tàu ngầm cũng vậy. Do đó, thủy thủ phải đủ sức khỏe và thể trạng tốt để có thể chịu được áp lực lớn bên trong tàu ngầm khi tàu ngầm lặn ở độ sâu lên tới hàng trăm mét dưới lòng đại dương (tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể lặn sâu tối đa 300 m).

Để tiến hành kiểm tra, thí sinh (khoảng 3 đến 5 người một lượt) sẽ được đưa vào một cái thùng kín như thùng phuy thường được gọi là lò áp suất hay lò ép. Người ngoài có thể nhìn vào trong thùng qua một tấm kính nhỏ. Khí sẽ được đưa vào thùng liên tục tương đương với áp suất ở dưới nước và thí sinh sẽ có cảm giác ngày càng đau rát nhất là ở khu vực lồng ngực.

Không khí trong bình sẽ trở nên quánh đặc nếu như tiếp tục được bơm vào và khi đó các thí sinh thay vì hít thở anh ta phải “uống” từng luồng khí. Nếu quá sức chịu đựng, thí sinh có thể bấm nút xin ra ngoài. Điều kiện để đạt yêu cầu trong bước kiểm tra áp lực đó là thí sinh phải chịu được áp suất tới 3 atm (tương đương áp suất ở độ sâu 30m). Thông thường, khi chịu được áp suất ở độ sâu 12 m (1,2 atm) gọi là “ngưỡng đau” thí sinh sẽ không cảm thấy đau nữa vì anh ta đã làm quen được với cảm giác đó.

Bước ra khỏi lò “bát quái” sau khi thắng được áp lực 3 atm, thí sinh sẽ được lựa chọn và chính thức trở thành lính tàu ngầm. Tất nhiên, việc lựa chọn sẽ tiếp tục được thực hiện sau một thời gian huấn luyện ngắn hạn, và khi đó điều kiện để vượt qua bài kiểm tra cuối cùng không phải là 3 atm mà có thể là 7 atm hoặc thậm chí là lớn hơn thế nữa.

Điều kiện khắc nghiệt bên trong tàu ngầm

Không gian chật hẹp, không được nói chuyện, không được hút thuốc, ức chế thần kinh, nguy hiểm rình rập và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào là những điều mà người ta được biết khi nhắc đến điều kiện sống và làm việc lính tàu ngầm. Bên trong tàu ngầm, không gian sống, trang thiết bị, ánh sáng, nơi nghỉ ngơi, ăn uống, công tác đảm bảo y tế vô cùng hạn chế.

Chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo
 

Chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo

	Không gian làm việc trong tàu ngầm rất chật hẹp.

Không gian làm việc trong tàu ngầm rất chật hẹp.

Không khí trong tàu ngầm phải luôn được làm tươi và bổ sung khí Oxy bằng các máy tách Oxy từ nước tinh khiết. Thông thường sau một đến hai ngày đêm hoạt động dưới lòng biển, tàu sẽ phải nổi lên để trao đổi khí (hút khí vào bên trong) và khí Cacbonic sẽ được bơm xuống biển.

Mỗi tầu ngầm diesel thông thường có số lượng thủy thủ đoàn từ 50 đến 100 người (tàu Kilo là 52 người). Số người đông trong một không gian chật hẹp như vậy sẽ khiến lượng khí Oxy giảm xuống còn khí Cacbonic tăng lên rất nhanh trong quá trình trao đổi khí của con người.

	Làm việc ở những nơi như thế này có thể khiến còn người ức chế thần kinh cao độ.

Làm việc ở những nơi như thế này có thể khiến còn người ức chế thần kinh cao độ.

Trong những năm diễn ra các cuộc chiến tranh thế giới, các tàu ngầm diesel của Nga có khả năng lọc khí rất hạn chế. Nếu như tỷ lệ khí Cacbonic tăng lên 1%/h, thủy thủ sẽ bắt đầu cảm thấy khó thở, choáng váng, chóng mặt, ù tai và khi tăng lên đến 4% sẽ bị nghẹn thở. Khi lượng khí Cacbonic tăng lên đến 6%, người bắt đầu mất khả năng kiểm soát hoạt động của bản thân, có thể choáng ngất.

Các tàu ngầm hiện đại như Kilo của Việt Nam đã được trang bị hệ thống điều hòa không khí để duy trì độ ẩm và nhiệt độ ở mức phù hợp trong các khoang, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác của thủy thủ đoàn. Ngoài ra tàu còn được trang bị hệ thống lọc và tái tạo không khí, cung cấp lượng Oxy đầy đủ, đồng thời hấp thụ lượng khí Cacbonic, các khí độc khác có hại cho cơ thể con người. Tuy nhiên, điều này chỉ giúp cải thiện được một phần nào môi trường làm việc khắc nghiệt bên trong tàu ngầm.

	Bên trong một tàu ngầm trong chiến tranh thế giới.

Bên trong một tàu ngầm trong chiến tranh thế giới thứ 2

Nước sạch trên tàu ngầm rất hạn chế, hầu hết tàu ngầm đều sử dụng các máy chưng cất từ nước biển. Nước biển sẽ được đun nóng tạo ra hơi và sẽ được làm lạnh lại để sử dụng.

Điều kiện sống trên các tàu ngầm diesel khắc nghiệt và khó khăn hơn nhiều so với các tàu ngầm hạt nhân hiện đại. Trong các tầu ngầm nguyên tử, do có kích thước lớn, các khoang cũng rộng rãi hơn so với với tầu ngầm diesel, nên các trang thiết bị tiêu thụ điện năng cho điều kiện sống và làm việc cũng tốt hơn nhiều.

	Nhà tắm quá chật hẹp.

Nhà tắm quá chật hẹp.

Đặc biệt, bên trong các tàu ngầm nguyên tử còn được bố trí các nhà ăn, nơi chiếu phim, sinh hoạt tập trung nâng cao đời sống tinh thần thủy thủ. Không gian ngủ nghỉ cũng rộng rãi hơn và có khu riêng để thủy thủ rèn luyện thể lực. Đối với đội ngũ sỹ quan còn có khoang để sinh hoạt riêng. Trên các tầu ngầm nguyên tử, nhờ có các thiết bị chưng cất nước từ năng lượng hạt nhân mạnh hơn nhiều so với tàu ngầm diesel nên đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho thủy thủ đoàn nếu như không muốn nói là lượng nước ngọt được cung cấp không giới hạn.

Ngoài ra, ở độ sâu 100 mét, tàu năng lượng hạt nhân không phải chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, trên tàu ngầm nguyên tử, vấn đề được đặt ra là cần phải quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho kíp lái trước khả năng nhiễm phóng xạ, đảm bảo cách ly và an toàn của lò phản ứng hạt nhân và phải liên tục kiểm tra độ phóng xạ trong các khoang sinh hoạt và công tác của tầu ngầm.

Chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo
 
Chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo
 
Chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo
 
	Điều kiện bên trong tàu ngầm hạt nhân được cải thiện tốt hơn.

Điều kiện bên trong tàu ngầm hạt nhân được cải thiện tốt hơn.

Dưới đại dương sâu thẳm, tàu ngầm có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Va chạm vào đá ngầm, va chạm các tàu khác, bị kẻ thù tấn công dường như đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều thủy thủ.

Đó là chưa kể, khi gặp trục trặc chẳng hạn như hỏng động cơ, hết nhiên liệu…tàu sẽ không nổi lên mặt nước được và nếu không được cứu hộ kịp thời thì cả ekip chiến đấu cùng tàu ngầm sẽ nằm lại dưới đáy biển.

Trên đây chỉ là một vài trong số vô vàn những khó khăn thử thách khi làm việc bên trong tàu ngầm, đòi hỏi mỗi thủy thủ phải có sức khỏe cũng như tâm lý, bản lĩnh thật vững vàng để có thể vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để được như vậy, mỗi thủy thủ tàu ngầm cần phải có quá trình khổ luyện và không ngừng trau dồi thể lực cũng như những kiến thức chuyên môn về tàu ngầm. Trong phần sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến độc giả chương trình đào tạo huấn luyện thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại