“Thùng thuốc súng” ở Biển Đông sắp nổ?

Tức tối trước việc Philippines lên kế hoạch dồn hải quân, không quân ra Biển Đông, giới quan chức và chuyên gia Trung Quốc đã “tung” ra một loạt lời cảnh báo, trong đó nói rằng khu vực biển đang bị tranh chấp này đang trở thành một “thùng thuốc súng”.

Philippines có kế hoạch dồn hải quân và không quân ra Biển Đông

Trung Quốc tin rằng, Philippines có kế hoạch tái triển khai lực lượng không quân và hải quân đến căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Vịnh Subic trên Biển Đông là nhằm gây áp lực lên họ đồng thời đưa thêm nhiều lực lượng nước ngoài vào khu vực.

Trong bài báo được đăng tải trên tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc, ông Li Guoqiang - một quan chức thuộc Học viện Nghiên cứu Khoa học Trung Quốc, nhận định, Manila đang cũng cố và tăng cường lực lượng quân sự gần Biển Đông để nhằm thẳng vào Trung Quốc.

“Nếu tất cả các bên liên quan đều dùng đến biện pháp quân sự như Manila để tìm kiếm một giải pháp thì khu vực này chắc chắn sẽ trở thành một thùng thuốc súng”, ông Li cảnh báo.

Theo lời ông Li, động thái trên của chính phủ Philippines là một sự vi phạm tinh thần của Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm tăng nguy cơ bùng phát xung đột trong khu vực, bài báo trên China Daily cho hay.

Trong khi đó, theo ông Su Hao – một giáo sư chuyên về Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng, các lực lượng nước ngoài chia sẻ mục tiêu chung với Philippines trong việc kiềm chế Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

“Một số việc Manila thực hiện đáp ứng nhu cầu của Washington và các đồng minh. Manila cũng tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ các nước này”, ông Su cho hay.

Dẫn lời website của tờ Military Times ở Mỹ, tờ China Daily đưa tin, với chiến lược chuyển hướng trọng tâm về Châu Á-Thái Bình Dương, các căn cứ của Philippines sẽ là những địa điểm lý tưởng cho lực lượng Mỹ. Nơi này cách Guam về phía tây khoảng gần 1.600km.

Ông Carl Baker - một chuyên gia quốc phòng sống ở Hawaii và làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, đã nói: “Với sự thừa nhận mối đe dọa bên ngoài từ Trung Quốc, tôi cho rằng người ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực".

Tuy nhiên, theo giáo sư Su, vai trò mà Mỹ có thể đóng ở Châu Á trong tương lai vẫn chưa rõ ràng. “Mỹ muốn nhìn thấy Manila gây ra mối đe dọa cho Trung Quốc hoặc ủng hộ Manila từ phía sau nhưng nước này lại không sẵn sàng tham gia vào các cuộc xung đột công khai với Trung Quốc”, ông Su nói thêm.

Trước đó, một loạt tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm 28/7 cho biết, ngay sau khi có được nguồn tài chính cho hoạt động tái sắp xếp lực lượng, chính phủ Philippines sẽ chuyển các đơn vị không quân, hải quân cùng với những phi đội máy bay và hạm đội tàu chiến của họ đến Vịnh Subic.

Vịnh Subic là một cảng sâu tự nhiên có thể tiếp nhận những chiếc tàu lớn mà Philippines có được từ Mỹ trong thời gian gần đây. Vịnh Subic sẽ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Philippines một vị trí chiến lược, một con đường tiếp cận trực tiếp, ngắn hơn để hỗ trợ các chiến dịch ở Biển Đông.

Ngoài việc đưa quân đến Vịnh Subic để bảo vệ Biển Đông, Philippines còn “mở cửa” mời Mỹ đưa quân và vũ khí đến nơi này.

Thượng viện Mỹ kêu gọi hòa bình ở Biển Đông

Trong khi Trung Quốc chỉ trích sự can dự của Mỹ vào Biển Đông thì Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, hôm nay (31/7) đã lên tiếng kêu gọi hòa bình ở Biển Đông.

Ông Menedez cho biết trong một tuyên bố rằng, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang gây xáo động trong một khu vực sẽ trở thành trung tâm giao dịch và thương mại trong những năm sắp tới.

"Các cuộc tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không phải là về quá khứ mà phần nhiều là về tương lai của khu vực sẽ là trung tâm của sự phát triển kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21”, Thượng nghị sĩ Mỹ phát biểu.

Kêu gọi hòa bình trên biển, ông Menendez nói rằng, Mỹ sẽ can thiệp bằng con đường ngoại giao vào các cuộc tranh chấp chủ yếu liên quan đến Trung Quốc và các nước như Philippines, Việt Nam và Nhật Bản.

"Với lịch sử can dự lâu năm vào khu vực, Mỹ có lợi ích then chốt trong việc nỗ lực cùng các nước để phát triển, thể chế hóa và duy trì trật tự dựa trên luật pháp cho khu vực”, Thượng nghị sĩ Menedez cho hay.

"Điều đó cần phải được bắt đầu bằng cách đưa ra những cơ chế hiệu quả nhằm quản lý các cuộc tranh chấp hàng hải có thể gây bất ổn trong khu vực, đồng thời ủng hộ và khuyến khích giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp trên biển ở Châu Á-Thái Bình Dương", ông Menedez nói thêm.

Ông Menendez ủng hộ cho Nghị quyết 167 của Thượng viện Mỹ trong đó kêu gọi giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp hàng hải ở Thái Bình Dương. Nghị quyết này đã được Quốc hội Mỹ thông qua hôm thứ Hai (29/7). Ngoài ra, Thượng viện Mỹ còn thông qua một nghị quyết lên án việc dùng vũ lực, sự ép buộc và đe dọa ở Biển Đông.

Mỹ cũng hoan nghênh nỗ lực của Philippines trong việc đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại