Bí ẩn lực lượng Hải quân ngầm của Trung Quốc

Không giống như hầu hết các nước ven biển khác, Trung Quốc không tin vào việc duy trì một lực lượng bảo vệ bờ biển. Thay vào đó, nước này phát triển một lực lượng hải quân ngầm dưới vỏ bọc một cơ quan dân sự.

Tàu hải giám Trung Quốc được trang bị vũ khí.

Tuy không có một lực lượng bảo vệ bờ biển nhưng trong những năm gần đây, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc trên thực tế đã trở thành cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ biển của nước này.

Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc hoạt động như một lực lượng hải quân thứ hai của Trung Quốc với nhiệm vụ cố tình thách thức sự phân chia ranh giới trên biển đang tồn tại hiện nay và đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực biển xung quanh họ, xâm lấn tới vùng biển của các nước láng giềng.

Trước năm 2000, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc không hề có bất kỳ chiếc tàu tuần tra nào đủ mạnh để khiến các nước khác phải chú ý. Trước đó, vào năm 1998, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc – một cơ quan mà hầu như chẳng ai biết đến, đã thành lập một đơn vị mới gọi là Lực lượng Hải giám Trung Quốc. Vào thời điểm này, đơn vị mới nói trên chỉ có một số lượng ít ỏi những chiếc tàu có trọng tải trăm tấn.

Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, Lực lượng Hải giám của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã nổi lên là một lực lượng hàng hải mạnh với đội tàu lớn và trực thăng đầy ấn tượng, trong đó có nhiều tàu được vũ trang. Đơn vị này được nhiều người tin là Lực lượng Hải quân thứ hai của Trung Quốc.

Vào năm 2000, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc bắt đầu tiên hành đóng một loạt tàu hải giám có trọng tải hơn 1.000 tấn trở lên. Hiện tại, cơ quan này đã triển khai đến 13 chiếc tàu hải giám loại trên, trong đó có nhiều tàu có trọng tải lên tới 4.000 tấn. Trong mấy năm tới, Trung Quốc dự định sẽ “tung” ra 36 tàu hải giám lớn hiện đại hơn và tối tân hơn.

Ngoài hạm đội tàu hải giám hùng hậu nói trên, Trung Quốc còn chuyển 11 tàu chiến của Hải quân nước này thành tàu hải giám và giao lại cho Cục Hải dương Nhà nước, trong đó có hai tàu khu trục tên lửa - Nanjing (DDG 131) và Nanning (DDG 162),  mỗi chiếc tàu này có trọng tải khoảng 4.000 tấn.

Chưa hết, Hải quân Trung Quốc cũng đã chuyển giao cho Lực lượng Hải giám một tàu phá băng có trọng tải 4.300 tấn, một tàu thăm dò, một tàu vận tải và một vài tàu kéo hải quân.

Tính toàn bộ lực lượng thì hiện tại, đơn vị hải giám của Cục Hải dương Nhà nước đang có trong tay khoảng 400 con tàu có thể hoạt động và 10 chiếc máy bay, trong đó có trực thăng Mi-8 của Nga và máy bay vận tải Y-12. Với con số này, đơn vị hải giám của Cục Hải dương Nhà nước có sức mạnh tương đương với toàn bộ lực lượng hải quân của một quốc gia bình thường.

Lực lượng Hải giám Trung Quốc – “một tổ chức quấy nhiễu”

Trung Quốc có một loạt nước láng giềng trên biển nhưng chưa có thỏa thuận chung về đường biên giới biển với bất kỳ nước nào trong số này.

Với sự phát triển và tăng cường nhanh chóng về sức mạnh, hạm đội hải giám của Trung Quốc đang ngày càng trở nên hiếu chiến và hung hăng khi đối đầu với các nước láng giềng ở dọc khu vực đường bờ biển kéo dài từ Sông Yalu ở phía bắc Trung Quốc đến đảo Hải Nam ở Biển Đông và những khu vực lãnh hải rộng lớn đang nằm trong tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc với các nước như Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam.

Một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ gần đây đã gọi đội tàu hải giám Trung Quốc là một “tổ chức quấy nhiễu”.

Những chiếc tàu thuộc Lực lượng Hải giám Trung Quốc không có nhiệm vụ gì khác ngoài việc quấy rối, quấy nhiễu các nước khác nhằm giúp Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết các khu vực biển”, Tướng James Fanell – Phó Tham mưu trưởng chuyên phụ trách các chiến dịch thông tin và tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho biết.

Lực lượng Hải giám Trung Quốc thực chất là một tổ chức quấy rối chủ quyền hàng hải”, ông Fanell khẳng định. Theo quan điểm của vị tướng lão luyện của Mỹ, nhiệm vụ của Lực lượng Hải giám Trung Quốc có thể được hiểu rõ hơn và sâu hơn trong bối cảnh địa chính trị lớn nơn.

Trung Quốc cố ý và chủ tâm gia tăng các hoạt động cũng như chiến dịch nhằm chiếm đoạt các quyền hàng hải của các nước láng giềng dựa vào lá bài lịch sử hàng hải. Lịch sử này không chỉ gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế mà phần lớn còn bị bịa đặt, dựng lên bởi các cơ quan truyền thông của chính phủ Trung Quốc với mục đích tuyên truyền, giáo dục cho người dân của nước này về lịch sử hàng hải giàu có của Trung Quốc. Đây rõ ràng được xem là công cụ để chính phủ Trung Quốc duy trì quyền lực”, Tướng Fanell đã nhận định như vậy.

Nhận định của Tướng Fanell về việc Lực lượng Hải giám Trung Quốc là lực lượng hải quân thứ hai của nước này dường như là đúng bởi tàu hải giám của Trung Quốc thực chất là những tàu được trang bị vũ khí và được huấn luyện bởi hải quân Trung Quốc.

Gần hai thập niên trở lại đây, để thực hiện tham vọng bành trướng và độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển đội tàu hải giám nhưng thực chất là phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự. Nhiệm vụ của những con tàu này là quấy nhiễu và xâm phạm vào vùng biển của các nước khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại