Từ trận đánh đẹp như trong "sách giáo khoa" đêm 14/4...
Lấy lý do Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công vào dân thường, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã tiến hành một đòn tập kích chớp nhoáng bằng các loại tên lửa hành trình mà TT Trump tuyên bố là "mới, đẹp và thông minh" tấn công các cơ sở bị cho là nghiên cứu chế tạo và tàng trữ những loại vũ khí giết người hàng loạt của Syria.
Tuy nhiên, phòng không Syria đã chủ động đón đánh, tiêu diệt phần lớn "sứ giả chiến tranh" Tomahawk và các loại tên lửa đời mới mà liên quân Mỹ-Anh-Pháp sử dụng.
Kết quả sơ bộ mà BQP Nga công bố ngay sau khi trận chiến kết thúc là Phòng không Syria đã bắn tổng cộng 112 đạn tên lửa đất đối không, bắn hạ 71 trên 103 quả tên lửa hành trình của đối phương. Con số đã được chính BQP Nga điều chỉnh xuống còn 46 quả, sau khi tổng hợp tất cả các tham số, diễn biến trận đánh.
Mỹ và liên quân tất nhiên là sẽ không thừa nhận con số này và vì thế, mặc dù cuộc tranh cãi về sác xuất diệt mục tiêu của phòng không Syria còn lâu mới có hồi kết, nhưng nếu tạm coi con số 46 tên lửa.
Đây là một hiệu suất chiến đấu khá cao, đạt mức tiêu diệt gần 45% (theo công bố điều chỉnh), là con số lý tưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ cũng không có được.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Syria.
Trong đó, các tổ hợp phòng không đời mới mà phòng không Syria sở hữu như Pantsir-S1 và Buk-M2E có hiệu suất chiến đấu cao nhất; tiếp đến là các tổ hợp phòng không tầm thấp Osa và Strela; các tổ hợp SA-6 Kub mệnh danh "3 ngón tay thần chết" cũng góp mặt trong TOP có xác suất diệt mục tiêu cao.
Việc các tổ hợp phòng không tầm trung - xa như Pechora và S-200 của phòng không Syria bắn trượt nhiều thì không có gì là vì chúng đã quá cũ, không còn hiệu quả trong tác chiến hiện đại, nhất là khi đánh các mục tiêu cỡ nhở, bay thấp bám địa hình như tên lửa hành trình.
Có một số tổ hợp Pechora đã qua nâng cấp, hiện đại hóa, nhưng dường như hiệu suất chiến đấu không cải thiện nhiều lắm.
Theo một số chuyên gia quân sự, dù có thế nào đi chăng nữa thì lực lượng phòng không Syria đã có một trận đánh đẹp như trong mơ (theo những gì mà họ đã công bố), xứng đáng được đưa vào "sách giáo khoa" về tác chiến chống tập kích đường không bằng tên lửa đất đối không.
Xe bệ phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2M nâng cấp của Syria.
... tới nguy cơ hiện hữu: Mất sức chiến đấu
Những động thái gần đây của Mỹ-Anh-Pháp cho thấy dường như họ đang chuẩn bị cho một đợt tập kích mới tấn công Syria. Có thể lần này mục tiêu sẽ không chỉ là đánh vào các "cái gọi là" cơ sở nghiên cứu, chế tạo hay cất trữ VKHH nữa mà sẽ đánh thẳng vào các vị trí đóng quân của Quân đội Syria trung thành với TT Assad.
Rõ ràng, một khi đánh lớn cả về quy mô lẫn dải mục tiêu rộng như vậy, số lượng tên lửa hành trình mà Mỹ và liên quân sử dụng sẽ lớn hơn nhiều so với 103 quả hôm 14/04 vừa qua. Lần trước, liên quân chuẩn bị tới khoảng hơn 500 quả tên lửa các loại nhưng mới chỉ dùng chưa tới 1/4, lần này có thể sẽ khác.
Để đạt được con số 46 quả tên lửa của liên quân bị tiêu diệt, lực lượng phòng không Syria cũng đã phải tiêu hao một lượng đạn khá lớn (khoảng 112 quả) và sau nhiều trận đối đấu rải rác (với Không quân Israel) từ hôm 14/04 đến nay, phòng không Syria đã tiêp tục bị tiêu hao khá nhiều tên lửa các loại.
Trong khi đó, lượng đạn dự trữ có hạn, và đặc biệt, nguồn cung đối với các loại tên lửa đời cũ như S-200, S-125 lại hầu như không có, vì chẳng còn nơi nào sản xuất chúng nữa và các tổ hợp Kub, Osa, Strela cũng ở trong tình trạng tương tự.
Nếu bị tấn công ồ ạt, phòng không Syria sẽ bị quá tải, nhiều tổ hợp phòng không có thể trắng bệ do thiếu đạn, hết đạn. Lúc này, gánh nặng dồn cả lên vai các tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới gồm 36 tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-S1 (một số nguồn cho rằng có thể lên tới 48 tổ hợp) và khoảng 6 tổ hợp tên lửa Buk-M2E.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.
Người Nga, mà cụ thể là các đơn vị tên lửa phòng không sẽ chẳng tham chiến khi các mục tiêu họ bảo vệ không bị tấn công.
Tuy nhiên, nhiều khả năng họ sẽ vẫn cung cấp tham số mục tiêu, cảnh báo sớm cho phòng không Syria nhờ các tổ hợp radar hiện đại vốn đang trực sẵn sàng chiến đấu ở mức cao.
Và ngay từ lúc này, Nga sẽ phải vét kho để viện trợ cho Syria tất cả những gì có thể, đặc biệt là đạn tên lửa phòng không.
Rõ ràng, phòng không Syria đang đứng trước một thử thách rất lớn, rất nghiệt ngã, họ sẽ phải tự lực cánh sinh trong trận chiến không cân sức với Mỹ và liên quân.
Liệu họ có đủ sức chống đỡ và bẻ gãy đòn tấn công như hôm 14/04/2018 hay sụp đổ chóng vánh? Ván bài "tất tay" giữa cả hai bên này xem ra rất khó đoán!
Phòng không Syria khoe hàng nóng.