Pitcairn: Thế giới 'ruồi chúa' đời thực

Thy An |

Ngày 15/1/1790, nhóm thủy thủ nổi loạn tàu HMS Bounty (Hải quân Anh) trốn thành công tới đảo xa Pitcairn. Cứ tưởng cánh cửa thiên đường đã mở ra, ai ngờ lại là cổng địa ngục.

Pitcairn: Thế giới ruồi chúa đời thực - Ảnh 1.

Ảnh chụp toàn bộ cư dân đảo Pitcairn năm 1916.

Ruồi chúa (Lord of the Flies) là tác phẩm đầu tay của văn hào William Golding (Anh). Nó giả tưởng một nhóm bé trai bị cô lập trên đảo hoang, phải nỗ lực sinh tồn, khốn đốn vì xung đột và tham vọng thống trị lẫn nhau. Câu chuyện của nhóm thuỷ thủ tàu HMS Bounty rất giống với tác phẩm của William Golding.

Làm phản

Pitcairn thuộc quần đảo cùng tên, nằm trong vùng biển Thái Bình Dương. Chiều dài của hòn đảo này khoảng 3,6km, cách các lục địa khoảng 4.800km.

HMS Bounty là thương thuyền của Hải quân Hoàng gia Anh. Năm 1788, Anh cử Trung úy William Bligh (1754 - 1817) làm thuyền trưởng, giao nhiệm vụ thu thập cây sake (artocarpus altilis) ở Tahiti (Nam Thái Bình Dương) vận chuyển đến Tây Ấn (bồn địa Caribe và Bắc Đại Tây Dương).

Tính cả Bligh, đoàn thủy thủ Bounty gồm 46 người, trong đó có 2 nhà thực vật học. Các thủy thủ đều trực thuộc Hải quân Hoàng gia Anh, phần lớn đều chưa đến 30 tuổi. Ngày 26/10/1788, Bounty thả neo ở Vịnh Matavai, Tahiti.

Thời gian này, Tahiti đang dưới sự trị vì của Vua Pōmare I (1753 - 1803). Pōmare I có hảo cảm với Vương quốc Anh, nên Bligh không gặp khó khăn gì. Ông cùng các thủy thủ lên bờ, tìm kiếm và mở tạm trang trại, tập trung thu gom cây sake.

Lối sống của người Tahiti rất cởi mở, phụ nữ không bị bó buộc bởi trinh tiết, đức hạnh. Rất nhanh, thủy thủ đoàn chỉ toàn trai trẻ của Bligh bị mê hoặc và ngày càng buông thả. Chỉ trong 5 tháng, 18 thành viên mắc bệnh hoa liễu. Bligh vừa thất vọng vừa cáu giận, ra tay kỷ luật nặng.

Ngày 5/4/1789, sau khi chất đầy hơn 1 nghìn chậu cây sake, Bounty nhổ neo. Dù đã rời Tahiti, Bligh vẫn không nguôi thù ghét các thủy thủ đoàn từng có hành vi phóng túng, thường xuyên chì chiết và kiếm cớ kỷ luật, cắt giảm khẩu phần ăn. Sau 3 tuần nhẫn nhịn, Trung úy Fletcher Christian (1764 - 1793), người bị Bligh "hành" lên bờ xuống ruộng rắp tâm làm phản.

Ngày 28/4, khi trời còn chưa sáng, Christian âm thầm bắt trói Bligh, lôi lên trên boong. Y kề lưỡi lê vào cổ thuyền trưởng, đe dọa và kêu gọi sự đồng tình. Khác với mong đợi của Christian, một nửa thuyền viên chọn trung thành với Bligh.

Nội bộ Bounty chia làm đôi, chửi bới và vật lộn nhau đến sáng mới tàn cuộc. Christian thành công chiếm Bounty, ném Bligh và 18 người quyết tâm theo ông đến cùng xuống thuyền nhỏ, "thí" cho ít lương thực và nước uống cầm hơi.

"Ruồi chúa" đời thực

Pitcairn: Thế giới ruồi chúa đời thực - Ảnh 3.

Sau 10 năm đến Pitcairn, đoàn chạy trốn bao gồm 16 đàn ông chỉ còn lại một mình John Adams.

Sau khi vứt hết cây sake xuống biển, Christian bẻ lái Bounty tới đảo Tubuai (Nam Tahiti). Y đụng độ vũ trang với người dân sống trên đảo, sớm phải rời đi. Tháng 9/1789, Christian quay trở lại Tahiti. Tối ngày 22/9, y tổ chức tiệc rượu trên tàu, mời người Tahiti tham gia. Nửa đêm, y âm thầm nhổ neo.

Tổng cộng 18 người Tahiti gồm 6 nam, 11 nữ và 1 trẻ em, bị Christian bắt cóc. Ngoài Christian, trên Bounty còn 9 thủy thủ khác. Ngày 15/1/1790, sau gần 4 tháng lênh đênh trên biển, họ tới Pitcairn. Sau khi lên bờ, Christian phóng hỏa và đánh chìm tàu.

Tuy Pitcairn khá nhỏ nhưng cây cối xanh tốt, cả trên bờ lẫn dưới nước đều giàu có động vật. Thời tiết hòn đảo dễ chịu, nhiệt độ dao động từ 17 - 35oC. Xung quanh Pitcairn còn 3 đảo khác, tất cả đều xinh đẹp như thiên đường. Trên Pitcairn,

Christian còn phát hiện nhiều tàn tích cho thấy từng có người định cư. Trong vai trò lãnh đạo, y chỉ huy mọi người xây dựng cuộc sống mới.

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhóm Christian sinh tồn dễ dàng bằng trồng trọt và đánh bắt cá. Tuy nhiên, sự khác biệt dân tộc và số lượng nam – nữ bất cân bằng đã nảy sinh nguy cơ tàn sát lẫn nhau.

Cậy quyền làm chủ, Christian và 9 thủy thủ áp bức 18 người Tahiti. Bị bạo hành và cướp mất phụ nữ, 6 nam giới Tahiti nổi dậy, giết 5 thủy thủ. Bốn thủy thủ còn lại quyết lấy máu rửa hận, hạ sát nam giới Tahiti.

Nội bộ các thủy thủ còn sống cũng lục đục, nghi ngờ và thanh trừng lẫn nhau. Chỉ 10 năm sau ngày lên đảo Pitcairn, "phe" thủy thủ chỉ còn đúng 1 người là John Adams. "Phe" Tahiti thì không còn nam giới nào.

Địa ngục loạn luân

Pitcairn: Thế giới ruồi chúa đời thực - Ảnh 5.

Tranh minh họa tàn cuộc vụ làm phản trên tàu HMS Bounty.

Tuy không nam giới Tahiti nào sống sót, nhưng vẫn còn 9 phụ nữ và 19 trẻ em. Adams trở thành người đứng đầu Pitcairn, giáo dưỡng đám trẻ khắt khe.

Mãi đến năm 1808, Pitcairn mới bị phát hiện. Năm 1814, Hải quân Anh cho tàu đến Pitcairn, song không bắt giữ Adams mà ân xá. Năm 1829, Adams qua đời. Năm 1838, Pitcairn thành thuộc địa của Anh. Năm 1886, Anh đưa nhà truyền giáo tới, xây dựng đức tin cho người dân sống trên đảo.

Cứ nghĩ cuộc sống ở Pitcairn đã yên bình, nào ngờ vào năm 2004, một phiên tòa xét xử 1/3 nam cư dân trưởng thành của hòn đảo đã mở ra. Họ bao gồm 7 người đang sống ở Pitcairn và 6 người đang sống ở nước ngoài, đều bị tố cáo phạm tội tình dục, nhiều nhất là tội ấu dâm.

Sau phiên xét xử, 6 nam giới, trong đó có thị trưởng Pitcairn là Steve Christian, bị kết án. Trước đó, vào thập niên 1950, Pitcairn đã có 3 trường hợp bị bỏ tù vì tội ấu dâm. Những thập niên tiếp theo, Pitcairn cũng liên tục xuất hiện cáo buộc hãm hiếp, quấy rối tình dục.

Cũng trong năm 2004, Anh phải xây nhà tù trên đảo Pitcairn. Đến năm 2010, cả 6 tội phạm năm 2004 đều lần lượt được trả tự do hoặc hưởng án treo. Tuy nhiên, năm 2016, cựu thị trưởng của Pitcairn - Mike Warren lại bị bỏ tù vì tội tàng trữ ảnh khiêu dâm trẻ em.

Theo thống kê dân số vào tháng 1/2020, Pitcairn chỉ có tổng cộng 47 người thường trú. Đa số họ đều lấy họ Christian, ghi nhớ ông tổ Fletcher Christian. Năm 2019, Pitcairn được xếp vào diện đảo bảo tồn tự nhiên. Kể từ lúc này, du lịch trở thành sinh kế quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại