Vị thái tử đa tài
Hán Vũ Đế có tổng cộng 6 người con trai. Lưu Cứ là trưởng tử và là người được vua lập làm thái tử khi mới lên 7 tuổi. Thuở đầu, hoàng đế rất trọng vọng và luôn dốc lòng tìm người tài giỏi về giảng dạy cho con trai. Thái tử Lưu Cứ thông minh tài trí luôn có chính kiến riêng của mình, chính vì điều đó khiến hai cha con thường nảy sinh mâu thuẫn vì suy nghĩ trái ngược.
Vua sùng bái học thuyết "Công Dương" đề cao tính Đế vương và chủ trương bình định thiên hạ nên đặc biệt căn dặn thầy giáo chú trọng giảng dạy "Công Dương truyện" và lý luận của học thuyết này. Khác với vua cha, thái tử Lưu Cứ lại hướng tới tri thức uyên sâu, ông vô cùng yêu thích "Cốc Lương truyện" nên thường xuyên lén lút thỉnh giáo học sĩ nổi tiếng Hà Khâu Giang Công. Điều này luôn khiến hoàng đế không hài lòng về thái tử.
Thái tử đa tài phù hợp trị vì đất nước. (Ảnh: Baidu)
Khi trưởng thành, Lưu Cứ càng thể hiện rõ sự ưu tú về mọi mặt của bản thân như:
Thứ nhất, thái tử là người có trái tim nhân hậu. Lưu Cứ luôn đề cao phẩm chất khoan dung độ lượng trong quá trình phụ tá hoàng đế trị vì đất nước. Tính cách ôn hòa, thận trọng khi làm việc của Lưu Cứ hoàn toàn thích hợp trở thành người trị vì sau này.
Thứ hai, thái tử có nhiều kinh nghiệm trong việc trị quốc, luôn biểu hiện phong thái đĩnh đạc khi phụ vua xử lý triều chính. Thái tử Lưu Cứ được Hán Vũ Đế chú trọng bồi dưỡng từ nhỏ, vua không những tự mình chọn sĩ phu tốt nhất để giảng dạy con trai mà mỗi khi có việc xuất cung đều giao phó công việc cho thái tử xử lý. Khả năng làm việc của thái tử cũng vì đó mà được tôi luyện từng ngày.
Vì sao vua ép thái tử tự sát rồi ân hận cả đời?
Lưu Cứ thân là thái tử nên có nhiều cơ hội xử lý triều chính. Thái tử luôn đề cao chính sách nhân đức. Vì quan điểm khác nhau nên thái tử đã đắc tội với không ít đại thần trong triều. Sau khi Đại tướng quân Vệ Thanh (em trai của hoàng hậu Vệ Tử Phu và là cậu của thái tử) qua đời, nhiều quyền thần cho rằng thái tử đã mất đi đôi cánh và muốn tìm mọi cách để hạ bệ. Một trong số những quyền thần đó có Giang Sung (một sủng thần được Hán Vũ Đế trọng dụng).
Hán Vũ Đế khi đã có tuổi thì trở nên mê tín và sợ chết. Vua thường xuyên đắm chìm trong các cuộc tìm kiếm tiên dược trường sinh bất tử và đặc biệt tin vào những lời bịa đặt của Giang Sung. Giang Sung nhân cơ hội lúc vua đang đổ bệnh nặng đã tâu rằng bệnh tình của hoàng thượng không thuyên giảm là vì trong thiên hạ có kẻ đã dùng bùa yểm Vu Cổ. Tin vào lời sủng thần, Hán Vũ Đế giao toàn quyền điều tra và xử lý việc này cho hắn ta.
Theo "Hán thư" ghi chép, Giang Sung cho người lùng sục tất cả mọi nơi. Chỉ trong 1 tháng, số bách tính vì chuyện này mà mất mạng lên tới 10.000 người. Sau đó hắn ta lại tâu lên bệ hạ rằng người yểm bùa đích thị ở trong cung. Không lâu sau, hắn bẩm rằng tìm được hình nhân gỗ trong cung của thái tử Lưu Cứ. Thái tử lúc này vô cùng kinh sợ, không biết phải làm cách nào để giải thích bản thân trong sạch trước vua cha.
Thái tử Lưu Cứ đã tự sát để chứng minh trong sạch trước vua cha. (Ảnh: Baidu)
Trước lời vu khống ngông cuồng của Giang Sung và sự mê tín đến độ không phân biệt đúng sai của hoàng đế, thái tử rơi vào bước đường cùng nên nghĩ quẩn khởi quân giết Giang Sung. Lưu Cứ tự tay chém chết Giang Sung và bị Hán Vũ Đế hiểu nhầm tạo phản nên đã hạ chiếu xử tử. Thái tử chọn tự sát để bảo toàn sự trong sạch.
Mãi sau này, sau khi Hán Vũ Đế tỉnh ngộ, suy nghĩ thấu đáo mới nhận ra thái tử bị oan. Giang Sung đã chết, vua hạ lệnh chém đầu toàn bộ 3 nhà của ông ta. Những năm cuối đời, Hán Vũ Đế vô cùng hối hận và nhớ nhung con trai.
Theo "Hán Thư Chú", vua sửa cung điện của mình thành tên gọi "Tư tử cung" (cung nhớ con) đồng thời cho xây ở huyện Hồ một vong đài có tên "Quy Lai Vọng Tư đài". Người đời khi nghe đến chuyện này đều tiếc thương cho thái tử.