Ảnh minh họa: Washington Post
Tính tới nay, Mỹ và đồng minh vẫn chưa thể tạo ra lỗ hổng trong doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Xuất khẩu dầu mỏ đóng góp 20 tỷ USD vào doanh thu mỗi tháng của Nga. Mỹ đã ngừng nhập khẩu dầu thô Nga nhưng châu Âu vẫn là khách hàng lớn nhất của dầu mỏ Nga, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đã bù đắp hầu hết lượng doanh thu sụt giảm khi nhu cầu từ châu Âu giảm bớt.
Mỹ và đồng minh đã thông báo một chiến lược mới vào tháng trước nhằm làm gián đoạn doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Các nước này có kế hoạch cấm vận dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển và áp giá trần đối với việc vận chuyển dầu mỏ Nga. Điều này được cho là sẽ làm tăng chi phí vận chuyển của Nga và buộc Moscow phải hạ giá dầu. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ chỉ có hiệu quả nếu phương Tây có thể kiểm soát việc vận chuyển dầu thô Nga. Nếu không, giá dầu sẽ tiếp tục tăng, làm tổn thất các nền kinh tế phương Tây trong khi mang về lợi nhuận doanh thu cho Nga.
Liệu phương Tây có thể đạt được các mục tiêu của mình? Nhà quan sát Jan Stockbruegger nhận định trên Washington Post rằng Mỹ và đồng minh sẽ phải rất chật vật để kiểm soát việc xuất khẩu dầu mỏ Nga.
Cấm vận dầu mỏ Nga
Thách thức chủ yếu của phương Tây là nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào dầu thô Nga. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và việc cấm dầu mỏ Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Với việc lạm phát và giá năng lượng tăng kỷ lục, các nhà lãnh đạo phương Tây có lý do để tin rằng dầu mỏ Nga sẽ tiếp tục chảy ra thị trường thế giới và đóng góp vào tổng doanh thu của Moscow.
Đảm bảo dòng chảy dầu mỏ Nga ra thị trường thế giới nhưng làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Moscow là mục tiêu đằng sau chính sách mới của phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hồi tháng 5 về việc dừng nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển sau ngày 5/12 và các sản phẩm từ dầu mỏ Nga sau ngày 5/2/2023. Nga sẽ phải thay đổi tuyến vận chuyển hơn 1/4 lượng dầu thô xuất khẩu của mình - ước tính khoảng 1,3 triệu thùng/ngày và khoảng 1 triệu thùng các sản phẩm từ dầu mỏ.
Hầu hết dầu mỏ Nga sẽ được vận chuyển tới Trung Quốc và Ấn Độ nhưng việc này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển của Nga. Dầu thô Nga mất trung bình 7 ngày để tới thị trường châu Âu trong khi mất tới 21 ngày để tới các nước châu Á. Nga cũng cần thêm 70 tàu chở dầu cỡ nhỏ Aframax để vận chuyển dầu tại các cảng dầu thô lớn của mình - vốn không thể sử dụng các tàu chở dầu lớn.
Châu Âu cũng tự tìm cách cứu mình khi tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ những khu vực xa xôi hơn như bên kia bờ Đại Tây Dương hay Tây Phi và Vịnh Ba Tư. Việc thay đổi các tuyến vận chuyển dầu mỏ toàn cầu sẽ có tác động mạnh đến thị trường tàu chở dầu và tăng sức ép lên giá dầu cũng như làm có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế thế giới.
Áp giá trần
Việc áp giá trần dầu mỏ Nga, động thái mà các nước G7 và EU thực hiện ngày 2/9 được cho là nhằm làm giảm rủi ro trên. Bắt đầu từ 5/12, Nga sẽ không thể bán dầu mỏ cho các bên thứ ba trên mức giá nhất định. Giá trần sẽ hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga, đồng thời buộc Nga phải giảm giá dầu để bù đắp chi phí vận chuyển tăng cao do lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của EU.
Hiện Nga phụ thuộc vào ngành vận tải hàng hóa để xuất khẩu hầu hết dầu mỏ của mình. Các tàu chở dầu cần có các hợp đồng bảo hiểm trong khi các công ty của các nước EU và G7 chiếm ưu thế trên thị trường bảo hiểm hàng hải. Chẳng hạn, International Group of P&I Clubs có trụ sở tại London bao quát 90% các rủi ro của bên thứ ba như các sự cố tràn dầu, vốn có thể khiến các chủ sở hữu tàu tốn hàng tỷ USD. Theo kế hoạch của G7, các chủ sở hữu tàu sẽ phải thực hiện giá trần để nhận được hợp đồng bảo hiểm cho tàu. Lập luận của ý tưởng này là yêu cầu trên sẽ làm tăng chi phí vận chuyển của điện Kremlin và buộc Nga phải hạ giá dầu, thậm chí cả khi Moscow bán dầu thô sang các nước không tham gia vào sáng kiến trên của phương Tây.
Liệu Nga có thể thoát khỏi trừng phạt?
Nga là một nhà xuất khẩu dầu lớn. Nước này xuất khẩu gần 4 triệu thùng dầu/ngày, lớn hơn nhiều so với con số 1,7 triệu thùng dầu của Iran và Venezuela gộp lại. Do đó, Moscow cần số lượng tàu chở dầu lớn hơn nhiều để có thể hoạt động ngoài phạm vi các lệnh trừng phạt về vận chuyển của phương Tây? Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thể xây dựng được khả năng này hay không?
Theo nhà quan sát Jan Stockbruegger, đáp án có lẽ là có.
Công ty sở hữu nhà nước Sovocomflot của Nga sở hữu hàng chục tàu chở dầu có thể vận chuyển dầu thô Nga. Các nhà cung cấp bảo hiểm trong nước như Ingosstrakh và Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia do chính phủ kiểm soát đã bắt đầu cung cấp các hợp đồng bảo hiểm cho các tàu vận chuyển dầu của Nga. Nga cũng có thể dựa vào các công ty Trung Quốc và Ấn Độ liên quan đến các dịch vụ vận tải quan trọng. Chẳng hạn, công ty Register of Shipping của Ấn Độ sẽ cung cấp giấy chứng nhận an toàn cho các tàu chở dầu Nga trong khi các tàu của Trung Quốc có thể vận chuyển dầu thô Nga.
Lệnh trừng phạt của phương Tây cũng gặp hạn chế và khó khăn trong quá trình thực hiện bởi các công ty không phải của Mỹ có thể giúp Nga tránh lệnh trừng phạt do các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc nhận được thông tin đáng tin cậy từ những quốc gia không sẵn sàng áp giá trần.
Chiến lược của phương Tây dường như cũng có thể phản tác dụng nếu Washington, Brussels và London không thể thực hiện áp giá trần và kiểm soát việc vận chuyển dầu mỏ Nga. Điều đó sẽ dẫn tới giá dầu tăng cao hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và giúp doanh thu của Moscow tiếp tục tăng lên./.