Trang bị mới
Hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Chế tạo khí cụ thống nhất (UIMC) tiết lộ rằng, Nga đã phát triển hệ thống phân biệt địch - ta hoàn toàn mới để trang bị phi đội chiến đấu cơ thế hệ mới của Nga hiện nay.
"UIMC đang hoàn thành việc phát triển hệ thống radar phân biệt địch - ta mới để lắp đặt trên các máy bay hiện đại như Su-35S, PAK FA hay Il-76", đại diện của UIMC cho biết.
Một khi chính thức trang bị hệ thống này, máy bay Nga có thể dễ dàng phát hiện ra các phương tiện bay lạ xâm nhập không phận nước này hoặc nhận ra nhau trên chiến trường hỗn loạn.
Ngoài ra, sản phẩm mới của UIMC còn được thiết kế để phân biệt máy bay dân sự và quân sự, từ đó bảo vệ các máy bay này khỏi va chạm hoặc đạn lạc, đại diện nhà sản xuất cho biết.
Tiêm kích PAK FA
Nói về khả năng đặc biệt của hệ thống mới này, Phó giám đốc UIMC Inna Grigorenko cho biết, điểm đáng chú ý của hệ thống mới đó là việc nó có khả năng tránh bị can thiệp ở tần số cao, đồng thời tăng khả năng tàng hình của tín hiệu điện tử.
Hệ thống mới cũng sẽ cho độ phân giải cao hơn, tự vệ tốt hơn trước những sự can thiệp, trong khi giảm năng lượng tiêu thụ. Để có được sản phẩm ưng ý này là nhờ vào thành quả nghiên cứu đạt được của Viện nghiên cứu trung ương về kinh tế, thông tin số và các hệ thống kiểm soát, có trụ sở tại Nga.
PAK FA thê thảm
Bất chấp Nga tuyên bố PAK FA được phát triển bằng nhưng tinh hoa nhất hiện nay của Nga, tuy nhiên khi quan sát dòng chiến đấu cơ tàng hình này, phương Tây khẳng định đây không phải chiến đấu cơ thế hệ 5, tạp chí IHS Jane’s nhận định.
"Ngành công nghiệp Nga gọi Sukhoi PAK FA là một máy bay thế hệ thứ năm, nhưng khi quan sát kỹ thì chúng chỉ là máy bay thế hệ mới trên danh nghĩa mà thôi", tạp chí này bình luận.
Trong khi đó trang RealClearDefense dẫn nguồn tin từ các hãng thông tấn Ấn Độ cho biết, PAK FA của Nga có nhiều vấn đề về kỹ thuật, bao gồm "công suất động cơ, độ tin cậy của hệ thống radar quét mạng pha chủ động và khả năng hoạt động bí mật kém".
Cụ thể, truyền thông phương Tây nhận định, các hệ thống trên máy bay không hề mới hơn so với các loại máy bay mà Nga và Mỹ đã từng thiết kế chế tạo trước đây. Động cơ của PAK FA giống với loại máy bay Su-35, một phi cơ được coi là thế hệ 4+.
Thêm vào đó, PAK FA và Su-35 có nhiều thiết bị trong buồng lái giống nhau. Ngay cả khi hệ thống của PAK FA sau này được thay thế bằng các thiết bị hiện đại, thông số của nó được cho là không phù hợp với một phi cơ thế hệ thứ năm.
Không chỉ đánh giá thấp về hệ thống trên máy bay, RealClearDefense còn nêu một dẫn chứng so sánh PAK FA với chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.
Từ những năm 2010 - 2011, trang báo này đã đưa ra các so sánh về 2 loại máy bay trên dựa vào chỉ số mặt cắt radar (RCS) của máy bay (đơn vị dùng để đo khả năng phát hiện một vật thể qua radar, giá trị càng lớn thì phi cơ càng dễ bị phát hiện) vào khoảng 0,3 đến 0,5 m2.
Trong khi đó, giá trị mặt cắt radar của máy bay F-22 được cho là vào khoảng 0,0001 m2. So với F-22, F-35 có chỉ số RCS cao hơn là 0,001 m2, song con số này vẫn rất nhỏ so với PAK FA.
Dù đánh giá này được đưa ra thông qua những nguồn tin của RealClearDefense liên quan tới dự án của PAK-FA trước đó và hiện nay T-50 vẫn không tiết lộ chỉ số RCS này song nếu ước tính của tờ báo trên là đúng, T-50 thực sự vẫn kém các phi cơ Mỹ về khả năng tàng hình.