Theo National Interest, Trung tá Matt Hayden, một sĩ quan Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Luke, bang Arizona (Mỹ) cho biết: “Sau khi đã trực tiếp lái máy bay F-35, tôi nghĩ rằng mình không muốn ngồi vào một chiếc phi cơ khác ngoài nó. Tôi cảm thấy rất thoải mái và tự tin đưa nó đến bất kỳ vùng chiến sự nào”.
Máy bay F-35 vẫn bị nghi ngờ về khả năng chiến đấu
Ông Hayden cho biết, cho đến nay ông chưa được lái thử phi cơ Sukhoi T-50 PAK FA hay Shenyang J-31, hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm lần lượt do Nga và Trung Quốc sản xuất. Mặc dù không rõ khả năng cũng như các công nghệ của các máy bay này, song ông vẫn bày tỏ sự tự tin của mình đối với F-35.
Dựa trên những thông tin có được, Nga đã chế tạo ít nhất 6 phiên bản mẫu của máy bay T-50 cho Không quân và Hải quân nước này, còn J-31 của Trung Quốc đã cất cánh thử nghiệm lần đầu vào năm 2012.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang bắt tay chế tạo J-20, một phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm khác. Máy bay này cất cánh lần đầu tiên năm 2011 và được cho là sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2018.
“Nga và Trung Quốc đang cố gắng phát triển các phi cơ chiến đấu hiện đại của riêng mình. Nhưng máy bay F-35 không hề thua kém bất kỳ các phi cơ đang có”, ông Hayden nói.
Bên cạnh được trang bị những công nghệ tối tân nhất, khả năng chiến thắng trong một trận không chiến khi dùng F-35 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến thuật cũng như kỹ năng và quyết định của phi công.
“Khi anh đối đầu với máy bay địch, tốc độ của máy bay sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu tôi tận dụng được lợi thế của F-35, tôi có thể khai thác yếu điểm của máy bay địch”, ông nói.
Mặc dù đã có nhiều thông tin đề cập đến những công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga và Trung Quốc, cho đến nay vẫn chưa rõ chúng có thể sánh được với F-35 ở khía cạnh nào. Những thông tin hiện có vẫn cho thấy rằng F-35 vượt trội hơn, nhưng thực tế chỉ khi các máy bay của Nga được đưa vào sử dụng các chuyên gia mới có thể đánh giá chính xác.
Nói về F-35, các thuật toán máy tính trên các thiết bị của máy bay được thiết kế nhằm tạo điều kiện để ứng dụng trí thông minh nhân tạo. Đây là công nghệ cho phép các máy tính có thể thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin một cách chính xác nhằm giúp phi công có thể quyết định nhanh hơn và hiệu quả hơn khi vận hành máy bay.
“Nếu như có hiểm họa nào đó, tôi sẽ không cần phải nhìn vào một loạt những cảnh báo ở nhiều vị trí trước mặt mình, khiến tôi bị mất tập trung”, ông Hayden nói thêm. “Hệ thống của F-35 tiếp nhận tín hiệu từ nhiều thiết bị cảm biến và kết hợp chúng một cách rõ ràng và thuận tiện, không cản trở hoạt động của phi công”.
Ông Hayden nói thêm rằng các phi cơ F-35 hiện đang được huấn luyện cùng nhau để thử nghiệm khả năng xoay trở trên không. Ông nói rằng nhiều phi công F-35 trước đây đã từng lái các máy bay chiến đấu khác như F-16, A-10... “F-35 được thiết kế để tránh bị radar đối phương phát hiện. Đây là thế mạnh mà máy bay khác không có”, ông nói.