Tháng này, Hãng Thông tấn Tasnim của Iran đưa tin, Tehran đã chế tạo được vũ khí siêu thanh có khả năng thoát khỏi và tấn công vào hệ thống phòng không của đối phương.
Theo Tướng Amir Ali Hajizadeh thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, các vũ khí siêu thanh của Tehran đã cho thấy bước nhảy vọt trong chương trình tên lửa của nước này. Ông cũng khẳng định vũ khí mới có thể thâm nhập vào tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa và đối phương không thể phát triển các biện pháp ứng phó trong một vài thập kỷ.
Phương Tây đứng ngồi không yên lo Nga giúp Iran phát triển vũ khí tiêu thanh. Ảnh: Asia Times
Tuy nhiên, Reuters đưa tin, hiện chưa có báo cáo nào ghi nhận việc Iran thử vũ khí siêu thanh và mặc dù có ngành công nghiệp vũ khí trong nước phát triển rộng nhưng nước Cộng hòa Hồi giáo này dường như đang "nói quá" về khả năng tên lửa của mình. Một trường hợp trong số đó là tiêm kích tàng hình Qaher-313 của Iran - loại phương tiện mà các nhà quan sát phương Tây cho là giả mạo.
Nhận định trên The Aviationist, nhà phân tích David Cenciotti cho rằng mặc dù Iran đã công bố đoạn video cho thấy Qaher-313 đang bay nhưng đó dường như là một sa bàn điều khiển từ xa và nếu tiêm kích này thực sự tồn tại, Iran sẽ công bố đoạn video quay cảnh nó cất cánh và hạ cánh.
Tiêm kích Qaher-313 của Iran làm dấy lên nhiều tranh cãi. Ảnh: Asia Times
Các nhà quan sát vì thế đã đặt nghi vấn về nhận định của Iran trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Dù vậy, thực tế là Iran vẫn tiếp tục mở rộng kho tên lửa không lồ của mình và việc phát triển vũ khí siêu thanh có lẽ nằm trong ưu tiên và khả năng của nước này.
Trong một bài báo vào tháng 4/2017, nhà quan sát J Matthew McInnis cho rằng các lực lượng tên lửa đạn đạo của Iran là hạt nhân trong chiến lược răn đe của nước này. Ông cũng cho rằng Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đang hỗ trợ Iran phát triển chương trình tên lửa và có thể đang nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, ông cho rằng Iran vẫn gặp khó khăn trong việc chế tạo các tên lửa đủ chính xác để thực hiện các cuộc tấn công bởi nước này vẫn chưa thể phát triển thiết bị dẫn đường và giữ ổn định phù hợp cho các tên lửa. Iran có thể đã yêu cầu Nga hỗ trợ phát triển vũ khí siêu thanh và đổi lại nước này sẽ hỗ trợ Moscow các thiết bị quân sự.
Các tên lửa Zolfaghar (trên) và Dezful của Iran. Ảnh: Asia Times
Tháng 7/2022, Asia Times đã đưa tin về kế hoạch của Nga nhằm tiếp nhận UAV từ Iran. Sự phát triển của Iran về công nghệ UAV và nỗ lực thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các bộ phận của vũ khí được cho là lý do khiến Moscow có kế hoạch này.
Trong một cuốn sách của mình, nhà quan sát Robert Galluci cho rằng sự hỗ trợ của Nga đóng vai trò quan trọng để rút ngắn thời gian Iran phát triển, sản xuất và triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung với những cải thiện về chất lượng.
Ông Galluci cũng cho rằng sự hỗ trợ của Nga có thể giúp Iran đạt tiến triển trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung. Trong khi đó, nhà quan sát Robbie Sahel nhận định, Iran cần công nghệ động cơ tên lửa Nga để chế tạo tên lửa tầm xa và các công ty Nga đã hỗ trợ Iran trong dự án phát triển tên lửa với những dấu hiệu cho thấy đây có thể là dự án phát triển vũ khí siêu thanh.
Về chương trình hạt nhân của Iran, tháng này, CNN đưa tin tình báo Mỹ tin rằng Iran đã yêu cầu Nga hỗ trợ nhiên liệu hạt nhân để vận hành các lò phản ứng và rút ngắn thời gian chế tạo vũ khí hạt nhân. Dù vậy hiện chưa rõ Nga có quyết định hỗ trợ Iran hay không bởi ít nhất Nga vẫn có lập trường công khai phản đối Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.