Phương Tây băn khoăn vì thấy Nga kiềm chế tấn công Ukraine

Thu Loan |

Chiến sự ở Ukraine đã tàn phá nhiều thành phố, buộc nhiều triệu người phải rời nhà đi. Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia quân sự phương Tây đang băn khoăn vì thấy Nga có vẻ vẫn kiềm chế tấn công.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Tass)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Tass)

Nga có thể tấn công hệ thống đường sắt, cầu đường của Ukraine dữ dội hơn để cản trở hoạt động vận chuyển vũ khí của phương Tây ra tiền tuyến.

Nga có thể đánh bom nhiều hạ tầng ở thủ đô Kiev để các lãnh đạo nước phương Tây khó đến gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ.

Mátxcơva cũng có thể làm nhiều hơn để gây tổn thất cho phương Tây, bằng cách tấn công mạng, phá hoại hoặc dừng cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Một phần lý do có thể là vấn đề năng lực.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ và châu Âu cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên thận trọng hơn trong những tuần gần đây, thể hiện ở tốc độ tấn công khá chậm vào miền đông Ukraine, cho thấy cách tiếp cận kiềm chế có thể nhằm tránh leo thang thành xung đột trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phương Tây đánh giá rằng sự kiềm chế trên thực địa trái ngược với cách đưa tin của truyền hình nhà nước Nga. Vấn đề là khi xung đột kéo dài thêm nữa, liệu Tổng thống Putin có thay đổi chiến thuật và tăng cường tấn công?

Câu hỏi này trở nên cấp bách trước khi Nga kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5, dịp mà ông Putin thường chủ trì một lễ duyệt binh hoành tráng để ca ngợi chiến thắng của Liên Xô trước phát xít Đức và có bài phát biểu quan trọng về quốc phòng.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace dự đoán rằng ông Putin sẽ dùng bài phát biểu sắp tới để chính thức tuyên bố chiến tranh và huy động đông đảo người dân Nga tham gia.

Giới chức Mỹ và châu Âu tin rằng chưa có sự thay đổi nào trên thực địa cho thấy Nga sẽ tăng quân trước hoặc sau thời điểm 9/5. Nhưng họ không phản đối ý kiến cho rằng ông Putin sẽ dùng bài phát biểu sắp tới để tuyên bố một cuộc chiến tranh quy mô rộng hơn và đưa cả nước Nga tham gia sâu hơn.

Ngày 2/5, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng chiến dịch tấn công mới nhất của Nga vào miền đông Ukraine diễn ra “rất thận trọng”. Ở Nga đang có phàn nàn rằng quân đội đang chiến đấu khi một tay bị trói quặt sau lưng, vì dư luận chưa hiểu rõ chiến lược và mục tiêu của chiến dịch quân sự, New York Times viết.

Dmitry Trenin, cựu giám đốc Trung tâm Carnegie Mátxcơva, cho biết ông cũng chưa thể giải thích vì sao Điện Kremlin đang tham chiến với “chưa đến một nửa sức mạnh”.

Vì sao Nga không đánh bom thêm nhiều cầu đường để ngăn việc vận chuyển vũ khí của phương Tây? Vì sao các lãnh đạo phương Tây, như Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi , vẫn có thể đến thăm Kiev một cách an toàn?

“Tôi thấy điều này rất lạ, tôi không thể giải thích được”, ông Trenin nói với New York Times.

Giới chức Mỹ cho rằng một lý do có thể là lực lượng phòng không Ukraine vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với các máy bay Nga, vì thế các máy bay Nga sẽ dễ bị bắn hạ nếu vào sâu trong lãnh thổ Ukraine.

Phương Tây cũng cho rằng một lý do khác có thể là độ chính xác của các tên lửa dẫn đường, trong khi nguồn cung có giới hạn. Việc tấn công vào các tuyến đường sắt và đoàn xe di chuyển trên đường đòi hỏi độ chính xác cao.

Trong khi đó, một số quan chức cho rằng Mátxcơva có thể không muốn tàn phá hạ tầng của Ukraine quá nặng nề, để sau này đỡ tốn chi phí tái thiết nếu có thể giành quyền kiểm soát quốc gia này.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho rằng Tổng thống Putin có thể không muốn phá hủy hệ thống đường ray của Ukraine vì muốn tránh làm giảm khả năng vận chuyển thiết bị và quân lính Nga ở quốc gia này. Nga hiện nay tập trung vào các kho cất trữ vũ khí hơn là hệ thống đường sắt.

Nhẹ tay với phương Tây

Nga cũng có nhiều công cụ để gây tổn thất nghiêm trọng hơn với phương Tây.

Tình trạng thiếu gas sau vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống đường ống dẫn Colonial Pipeline hồi năm ngoái cho thấy tin tặc có thể phá hoại nghiêm trọng hạ tầng của Mỹ như thế nào. Berlin cảnh báo rằng việc Nga dừng cung cấp khí đốt sẽ đẩy nền kinh tế Đức vào suy thoái.

Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới, với ước tính 5.977 đầu đạn.

“Các vị nghĩ có thể phá hủy chúng tôi bằng tay của người khác và chỉ cần đứng nhìn từ xa? Điều đó không có tác dụng đâu, các vị sẽ phải trả giá cho tất cả!”, nghị sĩ Nga Sergei Mironov phát biểu cuối tuần qua.

Ông Mironov nói rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga có thể phá hủy nước Anh chỉ bằng một cuộc tấn công.

Tổng thống Putin cũng cảnh báo sẽ đáp trả phương Tây, nhưng không hẳn rõ ràng. Năm ngoái, nhà lãnh đạo Nga nói rằng những ai vượt qua “vạch đỏ” sẽ đối mặt với sự đáp trả “tương xứng, nhanh và cứng rắn”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây cho rằng không ai thực sự hiểu vạch đỏ của Nga là gì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại