Phục kích "lực sĩ" C-130 bằng súng chống tăng
Theo The Drive, Không quân Mỹ mới đây đã cho đăng tải một đoạn video khá đặc biệt ghi lại cảnh một máy bay vận tải C-130 của lực lượng này bị tấn công bằng súng chống tăng RPG-7 (hay còn được gọi là B-41 ở Việt Nam), toàn bộ quá trình chiếc C-130 bị tấn công được một máy bay không người (UAV) MQ-9 Reaper cũng của Mỹ hoạt động gần đó ghi lại.
Được biết, vụ tấn công trên diễn ra khi chiếc C-130 đang làm nhiệm vụ thả hàng ở độ cao tương đối thấp cho một căn cứ tiền phương của Quân đội Mỹ ở nước ngoài. Chính lý do này khiến chiếc C-130 lọt vào tầm ngắm của phiến quân.
Tuy nhiên, nhóm phiến quân không hề hay biết rằng trên đầu chúng đang có một chiếc UAV vũ trang MQ-9 đang hoạt động, và chiếc UAV này có nhiệm vụ bảo vệ cho chiếc C-130 trong suốt thời gian thả hàng.
"Hầu hết thời gian chúng tôi chỉ theo dõi và thu thập các thông tin về các mối đe dọa nhằm đảm bảo an toàn cho đồng đội trên thực địa, tuy nhiên đôi khi cũng cần phải can thiệt bằng vũ lực. Đây chính là nhiệm vụ chính của chúng tôi", Trung úy Russel, người điều khiển MQ-9 làm nhiệm vụ bảo vệ chiếc C-130 hôm đó cho biết.
Hỗ trợ điều khiển chiếc MQ-9 cùng Trung úy Russel hôm đó còn có Binh nhất Ashley. Cả hai đều thuộc phi đội tấn công số 20, một phần của Không đoàn 432. Họ điều khiển chiếc MQ-9 từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri, cách mục tiêu (nhiều khả năng là ở Trung Đông) tới hàng ngàn km.
Khoảnh khắc quả đạn RPG-7 lao về chiếc C-130 của Mỹ ngay sau khi nó thả hàng. Ảnh: The Drive.
"Thần chết" MQ-9 ra tay
Theo như lời kể của phi hành đoàn MQ-9, từ màn hình của camera hồng ngoại trên chiếc UAV họ có thể thấy rõ khoảnh khắc một đốm sáng lao về chiếc C-130 đang thả hàng, đó chính là quả đạn RPG-7 mà phiến quân bắn ra. Rất may là quả đạn trên không thể đánh trúng máy bay Mỹ.
Camera của MQ-9 còn ghi lại được cảnh nhóm phiến quân rời khỏi tòa nhà mà chúng vừa thực hiện cuộc tấn công.
Ngay lập tức Trung úy Russel thông báo về cuộc tấn công cho trạm điều khiển tấn công liên hợp trên thực địa - JTAC (Joint Terminal Attack Controllers). Sau một hồi trao đổi phía JTAC yêu cầu phi hành đoàn MQ-9 sẵn sàng cho một cuộc tấn công đáp trả nhóm phiến quân.
UAV MQ-9 của Không quân Mỹ trong một nhiệm vụ hỗ trợ trên không, có thể thấy nó mang theo 4 tên lửa chống tăng Hellfire và hai bom dẫn đường laser. Ảnh: Không quân Mỹ.
Dưới sự hỗ trợ của JTAC, chiếc MQ-9 nhanh chóng xác định được mục tiêu và lệnh tấn công đã được đưa ra.
Theo Trung úy Russel, kể từ lúc chiếc C-130 bị tấn công cho tới thời điểm nhóm phiến quân bị MQ-9 tiêu diệt chỉ kéo dài trong khoảng 34 phút. Điều này thấy sự phối hợp hiệu quả giữa UAV và các đơn vị tác chiến dưới mặt đất trong các nhiệm vụ hỗ trợ trên không.
Toàn bộ sự việc trên làm một ví dụ điển hình cho các nhiệm vụ hỗ trợ trên không được các phi đội UAV của Không quân Mỹ thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Và đây cũng là thứ vũ khí tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sau sự kiện 11/9.
Tính tới thời điểm hiện tại, máy bay không người MQ-9 Reaper đã phục vụ trong Không quân Mỹ được 19 năm, và nó luôn có mặt ở bất cứ cuộc chiến nào có sự tham gia của Quân đội Mỹ.
Ở biến thể vũ trang, một chiếc MQ-9 có thể mang theo tối đa 4 tên lửa chống tăng Hellfire và hai bom dẫn đường laser, giờ thời gian hoạt động trên không lên đến 49 giờ.
Trong dự toán ngân sách tài chính năm 2021, Không quân Mỹ đang có ý định ngừng mua MQ-9 hay các biến thể nâng cấp của nó và thay thế chúng bằng các mẫu UAV hiện đại hơn. Tuy nhiên, với nhu cầu về UAV chiến đấu của Lầu Năm Góc hiện tại ý định trên xem ra có thể thực hiện được trong tương lai gần.
Máy bay C-130 của Mỹ bị phiến quân tấn công bằng súng chống tăng RPG-7.