Theo tờ Caspian Post, vào năm 2012, đã có hơn 3.500 phụ nữ ở Iran đăng ký theo học các khóa đào tạo để trở thành Kunoichi, họ chăm chỉ luyện tập Nhu thuật (danh từ gọi chung cho nhiều môn phái võ thuật cổ truyền của người Nhật) với một thái độ vô cùng nghiêm túc.
Năm 2017, con số này đã tăng lên 4.000 người và cho tới nay, số phụ nữ tham gia các khóa đào tạo Kunoichi tại Iran vẫn đang gia tăng. Nhiều người trong số họ là sinh viên hoặc các bà nội trợ.
Hàng nghìn phụ nữ Iran đăng ký theo học để trở thành Kunoichi (Daily Mail)
Caspian Post cho hay, những phụ nữ này đã sử dụng võ thuật để thể hiện bản thân, rèn luyện sự kiên nhẫn và cân bằng cơ thể. Hình ảnh về họ từng gây sốt trên nhiều tờ báo phương Tây, bởi nó cho thấy phụ nữ Iran ít bị gò bó hơn nhiều so với phương Tây tưởng tượng.
Theo tờ Daily Mail (Anh) mô tả hình ảnh luyện tập của các Kunoichi Iran trên sa mạc ấn tượng như khung cảnh trong "Ngọa hổ tàng long" với những chiêu thức mạnh mẽ và sắc bén.
Tờ báo Anh cho biết, câu lạc bộ đào tạo Kunoichi ở Iran được thành lập vào năm 1989, có trụ sở tại Jughin, cách thủ đô Tehran 25 dặm. Tại đây, các học viên được đào tạo cách vượt tường, ẩn nấp trong núi và hạ gục đối thủ mà "không gây ra tiếng động nào".
Các học viên Kunoichi ở Iran được đào tạo những kỹ năng ấn tượng (Ảnh: Daily Mail)
Trả lời Daily Mail, võ sư Nhu thuật Fatima Muamer cho biết, môn võ này ngày càng hấp dẫn phụ nữ Iran bởi nó giúp duy trì sự cân bằng giữa cơ thể và tinh thần.
"Bài học quan trọng nhất trong Nhu thuật là sự tôn trọng và khiêm tốn" - Võ sư Muamer nói - "Họ học cách tôn trọng bản thân, trước tiên là tôn trọng sự tồn tại của mình, sau đó là môn võ thuật mà họ đang làm chủ".
Để trở thành Kunoichi, các học viên còn được dạy cách sử dụng một số loại vũ khí như cung, kiếm, côn nhị khúc và phi tiêu.
"Trong Nhu thuật, chúng tôi gọi nam giới là Ninja, còn nữ giới gọi là Kunoichi" - Võ sư Muamer cho hay - "Trở thành một Ninja đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng khoan dung và lòng dũng cảm".
"Nhu thuật, hay võ thuật nói chung, có thể được mô tả như một loại thuốc, giống như nọc độc của rắn - thứ trên thực tế có thể rất nguy hiểm nhưng cũng có thể là một phương thuốc giải độc tốt" - Võ sư Muamer lý giải.
Các học viên được phỏng vấn cho biết, võ thuật mang lại cho họ ý thức kỷ luật và giá trị bản thân.
"Chúng tôi coi võ thuật Ninja như một triết lý sống, giúp chúng tôi chịu đựng những khó khăn của cuộc sống hàng ngày, tăng tính kiên nhẫn, mạnh mẽ và kỷ luật. Chúng tôi không muốn gây chiến với ai bên ngoài lớp học" - Melika, người theo học khóa đào tạo, cho hay.
"Sức mạnh đáng gờm của môn võ thuật này là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tôi phải đảm bảo chắc chắn rằng các học viên của tôi sẽ không sử dụng kỹ thuật của Nhu thuật để làm tổn thương bất cứ ai" - Võ sư Akbar Faraji tại câu lạc bộ, đồng thời là người đầu tiên giới thiệu Nhu thuật tới Iran, nhấn mạnh.
Một số hình ảnh ấn tượng về các nữ Ninja Iran (Nguồn: Daily Mail):