Người dân Ukraine sơ tán khỏi thành phố Irpin, phía Tây Bắc Thủ đô Kiev.
Đó là vấn đề họ sẽ đứng về bên nào trong cuộc chiến để đưa tin? Ông cảnh báo rằng, "mục tiêu của quân đội và báo chí là không thể hòa hợp được với nhau". Binh lính muốn chiến thắng cuộc chiến và che đậy những hậu quả mà họ gây ra. Báo chí muốn thuật lại những cảnh tượng và sự việc kinh hoàng để viết lại một "bản thảo đầu tiên của lịch sử".
Đối với cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, tình thế lưỡng nan nói trên đã giảm nhẹ, ít nhất là đối với các phóng viên chiến trường đưa tin về "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine tới công chúng châu Âu.
Những phóng viên đưa tin cho các cơ quan báo chí và hãng truyền thông ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều nhận thức rõ được rằng họ đang đứng về phía sự thật.
Do sự vắng mặt của binh lính Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên chiến trường này, nên việc chính phủ Ukraine cần sự trợ giúp cùng với khả năng sử dụng công nghệ trong đưa tin đã đem lại lợi thế cho các phóng viên chiến trường trong thế kỷ XXI này so với những thế hệ phóng viên trước.
Cho dù là phóng viên phát thanh, truyền hình, báo mạng hay báo in, các phóng viên của các cơ quan truyền thông phương Tây có mặt ở Ukraine có thể thường xuyên truyền tin bài và hình ảnh của mình thông qua mạng internet kết nối với vệ tinh.
Khi đó, các tư liệu của họ gửi về cơ quan báo chí không bị kiểm duyệt trực tiếp. Chính các phóng viên và các cơ quan báo chí của họ có thể tiếp cận tư liệu hình ảnh và thông tin do chính binh lính và người dân Ukraine cung cấp.
Một số nhà nghiên cứu về báo chí cho rằng những công dân và binh lính Ukraine nói trên có thể được coi là "nhà báo công dân", song một thuật ngữ chính xác hơn để miêu tả họ nên là "nhân chứng".
Lời kể của nhân chứng là nguồn thông tin có giá trị mà giới nhà báo luôn muốn khai thác, nhất là trong thời đại đưa tin bằng điện thoại như hiện nay, những lời kể lại của nhân chứng sẽ luôn được củng cố bằng những bằng chứng tại hiện trường.
Thế hệ phóng viên chiến trường thời kỳ Thế chiến II, Chiến tranh Việt Nam hoặc Chiến tranh vùng Vịnh đã không thể có công nghệ hoặc tự do trong việc đưa tin như những gì mà thế hệ đồng nghiệp hiện nay của họ có thể làm.
Giới nhà báo ngày nay cũng phải đương đầu với "cỗ máy" tuyên truyền của Ukraine. Thế nhưng, công bằng mà nói, những thông tin mà Kiev đưa ra về cuộc chiến cho đến nay vẫn đem lại lợi thế cho Ukraine.
Phóng viên chiến trường rất khôn ngoan khi lưu ý rằng không bên nào có thể xác minh được số liệu thương vong của bên nào một cách độc lập. Một quyền tự do mới tồn tại trong việc đưa tin chiến tranh và điều đó là hiển nhiên đối với tất cả những ai sử dụng báo chí chính thống.
Những thông tin về cuộc xung đột đang khiến các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây chịu áp lực ngày càng lớn. Việc NATO không can thiệp quân sự đã khiến các nền dân chủ tự do có ít khả năng kiểm soát hơn đối với nội dung đưa tin của các nhà báo chiến trường hiện nay so với các thế hệ nhà báo trước đó. Như vậy, những hậu quả của việc không can thiệp là rất rõ ràng.
Tuy nhiên, những loại công nghệ vốn có thể giúp chia sẻ sự thật cũng có thể là "con dao hai lưỡi" khi chúng giúp phát tán sự giả dối. Chắc chắn, điều này đang xảy ra không chỉ ở Nga. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khả năng phát hiện và phanh phui những tin tức giả như vậy. Đã có những phát hiện cho thấy bằng chứng hình ảnh của những cuộc xung đột cũ trước đây đã được "đào lên" và phát tán trong công chúng, gây ra những nhận thức sai lầm.
Trong tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine, một hình ảnh cho thấy binh lính Ukraine "chạm trán" với binh lính Nga tại một căn cứ không quân đã được phát tán rộng rãi trên truyền thông xã hội.
Thế nhưng, sự thật là bức ảnh này ghi lại hình ảnh cuộc tấn công của Nga nhằm sáp nhập Bán đảo Crimea từ năm 2014, chứ không phải hình ảnh của cuộc xung đột hiện tại. Những hình ảnh mang tính dẫn dắt sai lệch công chúng như vậy cũng đã được cắt tách từ những hình ảnh ghi lại cuộc xung đột ở Syria và từ các trò chơi điện tử.
Việc phát hiện những tình huống giả tạo như vậy là nhờ những tổ chức điều tra như Bellingcat, tổ chức nhà báo điều tra công dân, và việc các nhà báo sử dụng thông tin tình báo nguồn mở, các nhà nghiên cứu và những người hoạt động nghiệp dư trong lĩnh vực thu thập và nghiên cứu thông tin chiến tranh.
Song nhìn chung, người dân của các nước có thể chế dân chủ có thể nắm rõ về chiến sự ở Ukraine hơn những gì mà họ biết về bất kỳ cuộc xung đột nào trước đây. Mặc dù vậy, rủi ro của những hoạt động tác nghiệp trong chiến tranh vẫn cao như những gì đã thấy trong trường hợp các nhà báo của Fox News thiệt mạng hôm 14/3 vừa qua tại làng Horenka ở phía Bắc Thủ đô Kiev.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, thông tin về chiến sự giờ đây đã được đưa đến công chúng một cách nhanh chóng hơn trước đây. Người dân không còn phải chờ đợi lâu như trước kia để có được những bằng chứng về sự tàn phá của chiến tranh.
Công việc ghi chép lịch sử của các nhà sử học giờ đây cũng đã được người dân tiếp cận nhanh chóng hơn. Hãy tưởng tượng cuộc rút quân của Anh khỏi xã Dunkirk (Pháp) trong Chiến tranh Thế giới thứ hai hồi năm 1940 có thể được mô tả như thế nào nếu cuộc rút quân này được tường thuật trực tiếp từ các bãi biển.
Hình ảnh những thi thể nằm sấp trôi nổi trên biển sẽ gây ấn tượng sâu sắc hơn nhiều so với bài phát biểu "Phép màu giải cứu" của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill được dự định phát đi.
Những hình ảnh được phát đi trực tiếp từ thành phố Dresden (Đức) trong các cuộc không kích của Không quân Hoàng gia Anh hồi tháng 2/1945 hoặc các cuộc tấn công hạt nhân vào Hiroshima và Nagasaki vào cuối năm đó có thể gây được sự cảm thông đáng kể đối với dân thường Đức và Nhật Bản.
Điều quan trọng ở đây không phải là liệu những phản ứng như vậy có khôn ngoan hơn những phản ứng thịnh hành vào thời điểm đó hay không.
Thực tế là khả năng thao túng hoặc che giấu sự thật của một trong hai bên của cuộc chiến đang bị hủy hoại bởi sự phát triển của các kỹ thuật mới vốn được sử dụng để xác minh sự thật và phanh phui sự giả dối.
Thực tế đó và tốc độ mà thông tin đã được xác minh có thể tiếp cận khán giả đồng nghĩa với việc báo chí có thể nói lên sự thật với sức mạnh mới. Các phóng viên chiến trường ngày nay có thể mong muốn đưa ra một bản thảo lịch sử đầu tiên có nội dung hoàn thiện hơn.