Một máy bay trực thăng Mi-17 của Nga trong cuộc tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria vào ngày 7/12/2020. Ảnh: AFP/Getty Images
Theo trang Defensenews, Philippines xác nhận đang trong quá trình hủy hợp đồng mua máy bay trực thăng vận tải do Nga chế tạo, với lý do những thay đổi trong các ưu tiên về mua sắm quân sự của nước này trước các sự kiện thế giới.
Ngày 10/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Arsenio Andolong cho biết trong một tuyên bố của hãng thông tấn quốc gia Philippines rằng chính phủ hiện đang chính thức chấm dứt hợp đồng mua 16 máy bay trực thăng Mi-17 với tập đoàn Sovtechnoexport của Nga.
Ông Andolog nói: "Bộ Quốc phòng đã chính thức chấm dứt hợp đồng với công ty Nga Sovtechnoexport LLC về việc cung cấp 16 trực thăng Mi-17 cho Không quân Philippines".
"Chúng tôi cũng đang chuẩn bị bắt đầu đối thoại ngoại giao với phía Nga về các vấn đề phát sinh từ việc hủy bỏ dự án", ông Andolong nói và cho biết thêm rằng "những thay đổi về ưu tiên cần thiết bởi các diễn biến chính trị toàn cầu đã dẫn đến việc chính quyền [Philippines] phải hủy bỏ dự án".
Ông cũng cho biết Philippines đang thực hiện các bước đi nhằm thu lại khoản thanh toán trước 48,2 triệu USD cho lô máy bay trực thăng.
Gần đây nhất là vào tháng 3, Philippines vẫn khẳng định hợp đồng mua sắm Mi-17 vẫn được tiến hành bất chấp chiến dịch quân sự của Nga đang diễn ra vào Ukraine.
Tuy nhiên, mới đây, trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/6, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delphine Lorenzana tiết lộ, ông đã hủy bỏ thỏa thuận trị giá 322,3 triệu USD với Nga. Ông cũng cho biết quyết định này được phê duyệt bởi Tổng thống khi đó là Rodrigo Duterte, cũng là người đã thông qua hợp đồng mua máy bay trực thăng Nga vào tháng 11/2021.
Theo cựu Bộ trưởng Lorenzana, hợp đồng được ký vào tháng 11/2021, với một khoản thanh toán trước cho Nga được thực hiện vào tháng 1/2022.
Trực thăng Mi-17 của Afghanistan. Ảnh: Wikimedia Commons
Hôm 26/7, hãng tin Mỹ AP dẫn lời một số quan chức cho hay, chính quyền Manila lo sợ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Washington áp đặt đối với các nước có quan hệ hợp tác với Nga, mà tấm gương nhãn tiền là việc Mỹ loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 Lightning II.
Những bên mua vũ khí của Nga có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống kẻ thù Thông qua Trừng phạt của Mỹ. Luật được thông qua vào năm 2017, nhằm ngăn cản các chính phủ hoặc tổ chức mua vũ khí cũng như khí tài quân sự và các bộ phận, linh kiện vũ khí từ các đối thủ của Mỹ như Iran, Triều Tiên và Nga.
Nếu không có Mi-17, Philippines sẽ bị thiếu hụt lớn về trực thăng vận tải hạng nặng. "Ngựa thồ siêu hạng" Mi-17 được chọn vì có cabin rộng rãi cũng như đường dốc phía sau hoặc cửa vỏ sò lớn.
Trực thăng vận tải là một thành phần quan trọng của quân đội Philippines. Đất nước này là một quần đảo bao gồm hơn 7.000 hòn đảo, thường xuyên hứng chịu thiên tai, cộng với những cuộc nổi dậy của phiến quân. Phi đội trực thăng vận tải hiện có của Philippines thường tham gia vào các hoạt động cứu trợ hay vận chuyển quân và thiết bị.
Mi-17 có tải trọng tương tự như một số loại trực thăng vận tải của phương Tây, nhưng mức giá của nó lại rất thu hút Philippines trong bối cảnh nước này đang tìm cách hiện đại hóa quân đội với ngân sách eo hẹp.
Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với Philippines vì thỏa thuận mua máy bay Nga vẫn tiếp tục được thực hiện, trong khi mối quan hệ giữa Washington với Moskva đang ngày càng xấu đi do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Washington cũng bắn tín hiệu rằng, nếu Manila quyết định hủy thỏa thuận mua máy bay Mi-17 với Moskva thì Mỹ có thể cung cấp các máy bay trực thăng vận tải có tính năng tương tự đáp ứng các nhu cầu quân sự của Philippines, ví dụ như trực thăng đa năng UH-60 Black Hawk.
Mi-17 là loại trực thăng đa năng hạng trung được chế tạo từ thời Liên Xô, sau này được Nga nâng cấp thêm nhiều lần. Phiên bản vận tải được sử dụng để vận chuyển hành khách và hàng hóa, có khả năng chuyên chở lên đến 26 hành khách và 8 tấn hàng hóa.