Philippines 'tân trang' sức mạnh bằng lô vũ khí 'khủng' của Mỹ

Đức Trí |

Philippines đã chi số tiền lên đến hàng tỉ USD để mua những vũ khí “đình đám một thời” của Washington nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội nước này.

Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Nguồn: Xinhua.

Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Nguồn: Xinhua.

Philippines đã chi số tiền lên đến hàng tỉ USD để mua những vũ khí “đình đám một thời” của Washington nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội nước này.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa mới phê duyệt việc bán máy bay chiến đấu F-16, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon (ngọn lao) và tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder cùng các thiết bị khác cho Philippines, tổng trị giá của thương vụ này là 2,9 tỉ USD.

Trong tổng số tiền của thương vụ trên, đa số sẽ dùng để mua 12 máy bay F-16, bao gồm 10 máy bay F-16C và 02 máy bay F-16D hai chỗ ngồi.

Các vũ khí khác sẽ được bán cho Philippines bao gồm hơn 10 tên lửa chống hạm Harpoon và 24 tên lửa không đối không Sidewinder. Cụ thể, Lockheed Martin sẽ cung cấp máy bay chiến đấu F-16, Boeing sẽ cung cấp tên lửa Harpoon, và tên lửa Sidewinder sẽ đến từ Raytheon.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng việc bán F-16 sẽ cho phép Philippines triển khai các máy bay chiến đấu với cơ số đạn dược chính xác để hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố ở miền Nam và cải thiện khả năng của Philippines trong việc đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai.

Mặc dù đã được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua, tuy nhiên thương vụ này vẫn cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Trong nhiều năm, Philippines được cho là có khả năng được trang bị máy bay chiến đấu F-16.

Theo hãng tin AP, năm 2018, Tổng thống Philippines Duterte coi ý tưởng này là "vô ích", tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delphine Lorenzana đã đề cập vào tháng 12/2019 rằng, F-16 là một trong hai loại máy bay chiến đấu tiềm năng đang được xem xét để mua.

Theo Philippine Daily Inquirer, vào tháng 12/2020, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines Gilbert Gapay tuyên bố, Manila có kế hoạch trang bị một máy bay chiến đấu đa năng mới vào năm 2022 và F-16 sẽ trở thành máy bay chiến đấu đa năng đầu tiên của Philippines.

Có thông tin cho rằng, trong kho của Lockheed Martin có hơn 100 máy bay chiến đấu F-16 đang tồn đọng và Mỹ đã bán chúng cho các nước khác. Các máy bay chiến đấu này có thể đã dừng phục vụ từ những năm 1970 hoặc thậm chí muộn hơn.

Theo số liệu, Không quân Philippines đã mua 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50PH từ Hàn Quốc trước đó, máy bay này được Hàn Quốc phát triển dựa trên máy bay huấn luyện tiên tiến T-50 của nước này. Hiện nó là máy bay chiến đấu phản lực duy nhất trong biên chế của Không quân Philippines.

Tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon là một trong số những loại tên lửa chống hạm mạnh nhất thế giới. Năng lực tác chiến của loại tên lửa này cực nguy hiểm khiến chúng luôn được coi là một trong những "sát thủ diệt hạm" đặc biệt nguy hiểm.

Dù ra đời đã lâu nhưng nhờ những cải tiến liên tục khiến cho loại tên lửa diệt hạm này vẫn là một trong những thứ đáng sợ nhất trên biển.

AGM-84 Harpoon được thiết kế khá linh động để có thể trang bị trên nhiều phương tiện mang phóng như tàu chiến, tàu ngầm và cả máy bay ném bom chiến lược lẫn máy bay chiến đấu.

Tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon là vũ khí tiêu chuẩn trên các tàu chiến cũng như máy bay của Mỹ. Với đầu đạn 221kg, tên lửa Harpoon có thể chẻ đôi cả tàu chiến hàng ngàn tấn.

AIM-9 Sidewinder là tên loại tên lửa tầm nhiệt, tầm tác động ngắn, gắn trên máy bay chiến đấu và gần đây trên các trực thăng chiến đấu. AIM-9 Sidewinder là tên lửa đầu tiên thực sự có công hiệu trong các cuộc chiến không-đối-không, được nhiều hãng chế tạo tên lửa khác bắt chước. Cho đến nay nhiều dạng tương tự vẫn còn được sử dụng trong các lực lượng không quân.

Tên lửa AIM-9 Sidewinder được Hải quân Mỹ nghiên cứu và phát triển vào cuối thập niên 1940 để thay thế loại AIM-4 Falcon lúc bấy giờ đang được không quân Mỹ sử dụng.

Trong những cuộc không chiến những năm 60, những tên lửa tầm nhiệt kiểu này tỏ ra là loại tên lửa hiệu quả hơn cả do những tên lửa điều khiển radar thời đó kém chính xác, chỉ cần máy bay bay thấp xuống là tên lửa điều khiển bằng radar bị rối loạn do không phân biệt được máy bay và những tín hiệu kim loại trên mặt đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại