Phía sau vụ Ukraine tập kích đêm Giao thừa

Thu Thủy |

Mặc dù đêm Giao thừa năm mới 2023 đã qua được một tuần, nhưng Giao thừa năm nay chắc hẳn là một đêm đặc biệt đối với cả Nga và Ukraine. Vào ngày đầu năm mới, quân đội Ukraine tuyên bố đã “sát thương rất hiệu quả” khoảng 400 binh sĩ Nga, “đánh tan sĩ khí” của quân đội Nga.

Nơi đóng quân Nga bị trúng tên lửa HIMARS của Ukraine

Nơi đóng quân Nga bị trúng tên lửa HIMARS của Ukraine

Sự kiện mà phía Ukraine ca ngợi này chính là vụ họ dùng pháo phản lực HIMARS M-142 tập kích nơi đóng quân của một đơn vị quân Nga tại một trường dạy nghề ở thành phố Makeyevka tây bắc Donetsk vào thời điểm sau Giao thừa.

Sau vụ việc, phía Nga đã nhiều lần thay đổi số người chết, lúc đầu là 63 binh sĩ bị tử trận và số người chết được công bố mới nhất là 89.

Có một khoảng cách lớn giữa số liệu thương vong do hai bên công bố, nhưng sự kiện này vẫn là “sự kiện chết người” lớn nhất được Nga thừa nhận kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine (mà Moscow gọi là “Chiến dịch Quân sự đặc biệt”) bùng phát.

Theo truyền thông Nga, đồng thời với việc sửa đổi số liệu về số binh sĩ tử trận, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng yêu cầu Ủy ban Điều tra Nga tiến hành điều tra về vụ việc thương vong nghiêm trọng này và điều tra nguyên nhân tại sao vị trí đóng quân của Nga lại bị quân đội Ukraine khóa mục tiêu?

Kết quả điều tra cuối cùng đã chỉ ra thủ phạm chính là điện thoại di động! Quan chức Nga phụ trách cuộc điều tra thông báo rằng, mặc dù Bộ Quốc phòng Nga và Tổng chỉ huy quân đội Nga đã sớm ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động.

Nhưng do hôm đó là đêm Giao thừa, nên nhiều binh sĩ Nga mà phần lớn là tân binh đóng ở vị trí rất gần mặt trận này đã vi phạm quân lệnh, tới tấp gọi điện thoại về cho người thân; thậm chí có binh sĩ còn chụp các bức ảnh kỷ niệm tại cuộc liên hoan đón giao thừa ở trường học nơi đóng quân, sau đó đăng lên tài khoản cá nhân trên mạng xã hội.

Các tín hiệu bất thường này đã bị hệ thống tình báo của NATO và quân đội Ukraine chặn bắt, phân tích để tìm ra địa điểm chụp, sau đó quân đội Ukraine đã dùng tên lửa HIMARS tấn công địa điểm này.

6 quả đạn tên lửa đã được phóng, phía Nga chỉ đánh chặn được 2, còn 4 quả đánh trúng mục tiêu, gần như san phẳng khu trường học được đơn vị Nga dùng làm doanh trại. Vì vậy, tổn thất nặng nề của quân đội Nga lần này có liên quan đến công tác bảo mật yếu kém của quân đội Nga.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, quân đội Ukraine tuyên bố 400 “kẻ xâm lược” đã bị tiêu diệt trong hành động quân sự đêm Giao thừa, đây là “món quà năm mới” cho đối phương.

Sự việc phát triển đến giai đoạn này, rõ ràng nguyên nhân trực tiếp là các binh sĩ Nga đã không tuân thủ lệnh cấm và sử dụng điện thoại để liên lạc với các thành viên gia đình của họ một cách trái quy định, dẫn đến việc vị trí đóng quân bị lộ.

Điều đáng nói là mặc dù đây là nguyên nhân chính nhưng còn có một nguyên nhân khác liên quan đến Mỹ, đó là dịch vụ vệ tinh do Mỹ cung cấp, nếu không có dịch vụ vệ tinh do Mỹ cung cấp thì Ukraine không thể định vị được chính xác vị trí đóng quân của đơn vị Nga.

Sau xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước phương Tây đã hỗ trợ đắc lực cho Ukraine. Trong số đó, Mỹ dẫn đầu về cung cấp dịch vụ vệ tinh. Khi đó, các vệ tinh Starlink của Mỹ đã đi đầu cung cấp dịch vụ vệ tinh định vị chính xác và dẫn đường cho vũ khí của Ukraine dưới danh nghĩa “các dịch vụ dân sự”.

Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng họ đã theo dõi phát hiện được “khuynh hướng tham chiến” và có “các bằng chứng về sự tham chiến” của các vệ tinh Mỹ, điều đó có nghĩa là các vệ tinh dân sự Mỹ đã được chuyển đổi thành vệ tinh quân sự và Nga có thể nhắm coi chúng là mục tiêu tấn công một cách hợp pháp và hợp lý.

Sau khi Nga đưa ra lời đe dọa rõ ràng này, các vệ tinh Starlink không còn cung cấp dịch vụ quân sự cho Ukraine và 3.000 thiết bị trong tay quân đội Ukraine đã bị rớt mạng.

Tuy nhiên, việc các vệ tinh Starlink rút lui không ngăn cản được Mỹ cung cấp các dịch vụ quân sự vệ tinh cho Ukraine. Mấy tuần trước, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái bí mật thâm nhập vào nội địa Nga và tiến hành tập kích vào mấy sân bay máy bay ném bom chiến lược của Nga.

Sau vụ việc, Nga đã thu thập mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái Ukraine và phát hiện ra rằng nó có mang một thiết bị thu tín hiệu vệ tinh của Mỹ. Sau đó, chính phủ Nga tuyên bố rằng Mỹ đang cung cấp cho Ukraine các dịch vụ “dẫn đường vũ khí” và “định vị ném bom”, rõ ràng là đã chính thức tham chiến.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cảnh báo Mỹ rằng nếu nước này tiếp tục tham gia vào cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, không chỉ các vệ tinh của Mỹ sẽ trở thành mục tiêu bị Nga tấn công mà nước Mỹ cũng sẽ trực tiếp bị cuốn vào cuộc xung đột.

Thực tế đã chứng minh rằng Mỹ không những không nhụt chí trước lời cảnh báo của Nga mà còn tiến xa hơn trong việc cung cấp dịch vụ vệ tinh cho Ukraine.

Cần biết rằng, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Nga thời gian đầu đã tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine. Bên cạnh đó, Ukraine cũng không có mạng lưới vệ tinh mạnh nên không thể tự mình xác định các vị trí đóng quân của Nga. Vì vậy, chỉ có một sự thật, đó là Mỹ đã cung cấp dịch vụ vệ tinh quân sự cho Ukraine.

Nói thẳng ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine này mặc dù chỉ là chiến tranh cục bộ, nhưng ảnh hưởng của nó không kém bất kỳ cuộc chiến tranh quy mô lớn nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại