Con ngựa chiến nhiều lần quỵ ngã
Su-24 đã lỗi thời – không phải về mặt vật chất mà là tinh thần
Chiếc Su-24 của Nga bị rơi tại Syra khi cất cánh hôm thức Ba vừa qua là một trong những "con ngựa chiến" – vũ khí chủ lực trong hoạt động chống khủng bố của Nga tại quốc qua Ả Rập này.
Chiếc máy bay được chế tạo vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn là loại máy bay ném bom tiền tuyến hàng đầu.
Mẫu Su-34 mới nhất, vốn dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn Su-24, lại được chế tạo với số lượng quá ít - chỉ hơn 100 chiếc và giá của chúng thì cũng vô cùng đắt đỏ. Chúng, cùng với Su-35, là niềm hy vọng chính của nền công nghiệp xuất khẩu máy bay Nga.
"Thú mỏ vịt" Su-34
Không thể phủ nhận "Thú mỏ vịt" Su-34 có chất lượng tốt. Chiếc máy bay ném bom thế hệ mới này thậm chí không cần máy bay chiến đấu đi kèm để bảo vệ bởi trên lý thuyết, nó có thể tham gia không chiến "ngang cơ" với F-16 hoặc F-15.
Thế nhưng, máy bay ném bom Su-24 thì không được như vậy. Chúng ta hẳn chưa quên vụ căng thẳng chính trị cách đây 2 năm, khi Su-24 bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Các phi công Nga không có lỗi vì sự việc phát triển theo hướng không ai chờ đợi và cũng không ai có thể tin được rằng phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khai hỏa trước.
Trận chiến thực sự không công bằng khi đáng ra, việc đối phó với chiếc F-16 là của Su-30 hoặc Su-35 chứ không phải Su-24.
Su-24 Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ
Trở lại với chiến trường Syria, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, thời điểm này thích hợp nhất để triển khai máy bay ném bom tại đây. Su-24 từng là mẫu máy bay tân tiến vào lúc nó ra đời, thậm chí một vài thông số kỹ chiến thuật của máy bay còn được các nhà thiết kế Sukhoi cố gắng làm cho vượt trội hơn so với đối thủ F-111.
Lấy ví dụ, Su-24 có thể tăng tốc tới tốc độ siêu âm ở độ cao thấp, trong khi đối với người Mỹ thì đây lại là vấn đề nan giải. Lợi thế của máy bay Sukhoi nằm ở hệ thống định vị và ngắm bắn PNS-24 "Puma", do đó, Su-24 có thể tấn công bằng bom và tên lửa vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả khi điều kiện thời tiết khó khăn.
Su-24 có lợi thế vượt trội nhờ khả năng tăng tốc ở độ cao thấp
Tuy nhiên, Su-24 cũng có những bất lợi, khiến truyền thông gán cho nó danh hiệu không mấy vẻ vang, là "một trong những phương tiện gây nhiều tai nạn nhất của không quân Nga" – đặc biệt vào thời điểm những năm 2000.
Ngày 30/10/2012, một chiếc Su-24 đã bị rơi ở khoảng cách 70 km từ Chelyabinsk khi đang thực hiện bài bay huấn luyện. Hậu quả là phần mũi máy bay bị rách nhưng rất may, cả hai phi công đều đã kịp thoát ra ngoài bằng ghế phóng.
Mười ngày sau, tại sân bay ở khu vực Rostov, một chiếc Su-24 khác bị trượt ra khỏi đường băng khi đang hạ cánh và bốc cháy. Các phi công cũng nhảy dù ra và sống sót.
Ngày 11/2/2015, Su-24 bị rơi khi còn cách đường băng sân bay Marinovka ở khu vực Rostov 7 km, khiến cả hai phi công thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Nga đã phải ra lệnh ngừng bay Su-24, một thời gian sau mới tiếp tục cho phép chúng cất cánh.
Tới ngày 6/7/2015, một chiếc Su-24 gặp nạn trên lãnh thổ Khabarovsk. Ngay sau khi rời đường đường băng, động cơ của chiếc máy bay đã gặp trục trặc. 2 phi công đều hy sinh – sự việc xảy ra quá nhanh, chiếc máy bay bị nghiêng đột ngột sang trái và đâm xuống đất.
F-111 của Mỹ
"Tai nạn là chuyện thường, dù nghe đáng sợ"
Theo cựu phi công lái máy bay Su-24 - Igor Sulim, nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn liên quan tới loại máy bay ném bom này có thể do lỗi hệ thống cơ khí "cụp - xòe" của cánh. Thiết kế ấy (được "vay mượn" từ chiếc F-111 của Mỹ) giúp cho máy bay có thể thay đổi hình dáng khí động linh hoạt tùy thuộc vào tốc độ bay.
Trong những năm 1960, đây là phương án rất thành công nhưng sau đó không còn thấy xuất hiện nữa. Ở thời điểm hiện tại, trong lực lượng Không quân vũ trụ Nga chỉ còn máy bay ném bom chiến lược Tu-22M và Tu-160 vẫn có thiết kế này, còn với Không quân Mỹ là chiếc B1 Lancer.
Một số chuyên gia quân sự tin rằng, thiết kế của Su-24 quá phức tạp nên kéo theo nguy cơ xảy ra sự cố cũng tăng lên.
Hệ thống cánh của Su-24 rất phức tạp
Phi công chuyên lái máy bay thử nghiệm, anh hùng Liên bang Nga - Magomed Tolboev - người đã trực tiếp bay thử Su-24 thì lại lên tiếng ủng hộ chiếc máy bay này. Ông cho rằng việc gọi Su-24 là "phương tiện tai nạn" không công bằng, sự cố có thể xảy đến với bất kỳ máy bay nào.
"Người Mỹ cũng có loại máy bay hay gặp sự cố là F-104, còn chúng tôi có Su-7B. Tôi đã từng bay trên nó, bị rơi và bị đẩy bắn ra ngoài. Bạn không thể đặt biệt danh xấu cho từng loại máy bay được. Khi đó Su-24 đã đi trước thời đại. Máy bay nào cũng đã từng có đại diện bị rơi, cả chiếc 'Phantom' (F- 4) cũng thế" – Tolboyev nói.
Động cơ Al-21F-3
Tuy vậy, viên phi công cũng thừa nhận rằng động cơ Al-21F-3 của chiếc máy bay ném bom rất phức tạp do hoạt động ở điều kiện nhiệt độ cao. Nói chung là giống như tất cả các tuabin khác do OKB A. M. Lyulki sản xuất.
"Cánh quạt bằng titan, khi cất cánh có thể xảy ra 'đám cháy titan' do bị nung nóng vì ma sát trong không khí. Việc này xảy ra cực nhanh, có khi chỉ trong 1 giây. Để phát hiện ra vấn đề, chúng tôi đã gắn các cảm biến xung quanh động cơ. Nếu có hỏa hoạn khi cất cánh thì cần phải nhảy dù ngay lập tức" - ông Tolboev chia sẻ.
Su-24 có hai động cơ
Theo ông, những gì xảy ra vào hôm thứ Ba vừa qua tại căn cứ Hmeymim là một hiện tượng bình thường, mặc dù nghe có vẻ khá đáng sợ. Có thể do động cơ bị hao mòn hoặc có dị vật rơi vào, như cát bụi - thứ mà ở Syria nhiều không đếm xuể - có tác động không khác gì giấy nhám.
"Thật đáng tiếc là các phi công đã không kịp nhảy dù ra. Việc này tốn khoảng 3 giây đồng hồ nhưng có vẻ như hoàn cảnh lúc đó đã không cho phép".
Nga còn cần tới Su-24?
Theo báo cáo từ năm 2012 của cựu Tư lệnh không quân Nga - Thượng tướng Alexander Zelin thì đến năm 2020, Su-24 sẽ được dần loại bỏ khỏi biên chế và thay thế bằng Su-34. Đại tá Gennady Zagonov – chỉ huy lực lượng không lực hải quân cũng hứa hẹn rằng tới lúc đó, Su-24 của Hạm đội Biển Biển Đen sẽ được thay bằng Su-30SM.
Thế nhưng, hồi năm ngoái, ông Zelin lại cho biết các máy bay Sukhoi sẽ "nghỉ hưu" khi chúng hoạt động hết khấu hao và cũng không đưa ra bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào. Điều này có nghĩa Su-24 vẫn sẽ còn bay ít nhất 2 năm nữa, thậm chí lâu hơn.
Su-30SM
Mặc dù trang web của nhà sản xuất Sukhoi xác định tuổi thọ của chiếc máy bay ném bom này là 25 năm nhưng theo các phi công, điều đó không có nghĩa máy bay sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Người ta sẽ chỉ thay động cơ và các trang thiết bị trên máy bay, sau đó đưa nó đi "tái đăng kiểm". Những gì còn lại của chiếc máy bay chỉ là phần thân vỏ - vốn có thể hoạt động trong 50 năm. Trường hợp này không khác gì việc chiếc B-52 của Mỹ đã bay từ năm 1959, giống như chiếc Tu-95 của Liên Xô.
Bên cạnh đó, vẫn còn một câu hỏi khác được nhiều người quan tâm – đó là liệu các phi công Nga có cần tới một chiếc máy với cấu tạo tương đối phức tạp theo các tiêu chuẩn hiện đại hay không? Trong tương lai gần thì chưa biết thế nào, nhưng tại thời điểm hiện tại, rõ ràng những mẫu máy bay như Su-24 vẫn được coi là cần thiết.