Phi công huyền thoại Mỹ dẫn đầu cuộc giội bom phục thù Nhật Bản

Thu Hằng |

Trước Thế chiến 2, Jimmy Doolittle đã là một nhà hàng không nổi tiếng thế giới, nhưng phải đến cuộc không kích táo bạo do ông dẫn đầu nhằm vào Tokyo để phục thù trận Trân Châu Cảng, tên tuổi Doolittle mới thực sự được khắc ghi vào lịch sử.

James “Jimmy” Harold Doolittle sinh ngày 14/9/1896 là con duy nhất của ông bà Frank và Rosa Doolittle. Lần đầu tiên cậu bé Doolittle lên một chuyến bay là tại phi trường Domiguez ở ngoại ô Los Angeles năm 1908. Cậu lập tức bị cuốn hút bởi chuyến bay và sau đó đã ra sức mày mò làm một chiếc dù lượn tự chế.

Những năm học đại học, trong lúc chàng trai trẻ Doolittle chuẩn bị nhận bằng kỹ sư tại trường Kỹ thuật thuộc Đại học California thì Thế chiến thứ nhất bùng nổ.

Anh bỏ ngang chương trình, đăng ký theo học khóa huấn luyện phi công tại Quân đoàn Thông tin. Doolittle được đào tạo tại ở San Diego và nhanh chóng được bay một mình, bay xuyên Mỹ, thành thạo các kỹ thuật nhào lộn trên không cũng như bay theo đội hình.

Doolittle nổi tiếng với những pha bay nguy hiểm và trở thành người đầu tiên thực hiện chuyến bay dưới 24 giờ từ Bờ Đông sang Bờ Tây nước Mỹ, với thời gian thực tế chỉ 21 giờ, 19 phút. Anh được trao phần thưởng Thập tự bay Xuất sắc với thành tích này.

Chiến tranh kết thúc, Doolittle trở lại trường Đại học California để hoàn thành bằng cử nhân, sau đó nghiên cứu về hàng không học tại trường MIT và nhận bằng tiến sĩ vào năm 1925.

Phi công huyền thoại Mỹ dẫn đầu cuộc giội bom phục thù Nhật Bản - Ảnh 1.

Doolittle trong cuộc thi bay Cúp Thompson năm 1932. Ảnh: Wikimedia Commons

Ngày 24/9/1929, ông trở thành phi công đầu tiên bay “mù”, tức là chỉ lệ thuộc vào các dụng cụ của mình để cất cánh, nhận biết tốc độ, hướng, vị trí và hạ cánh mà không cần chỉ dẫn từ trạm không lưu.

Cuộc đột kích Nhật Bản

Sau những chuyến thăm Đức vào năm 1937 và 1939, Doolittle hiểu rằng chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra. Từ bỏ vị trí được trả lương cao tại tập đoàn dầu khí Shell, ông trở lại Không quân Mỹ vào ngày 1/7/1940.

Ban đầu Doolittle tham gia hỗ trợ chuyển đổi ngành công nghiệp ô tô Mỹ sang sản xuất máy bay, nhưng sau vụ tấn công đẫm máu vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, Chính phủ Mỹ đã có một sứ mạng khác dành cho ông: ném bom phục thù Nhật Bản.

Sau vụ Trân Châu Cảng, người Mỹ sôi sục muốn trả thù. Tháng 1/1942, các nhà hoạch định chiến tranh đã lên một sứ mạng chung của Lục quân và Hải quân, theo đó đội máy bay ném bom sẽ xuất kích từ một tàu sân bay để tấn công các trung tâm công nghiệp Nhật Bản.

Các chiến lược gia tin tưởng, nếu cuộc đột kích thành công, nó sẽ tạo một tác động tâm lý tiêu cực sâu sắc đối với người Nhật.

Phi công huyền thoại Mỹ dẫn đầu cuộc giội bom phục thù Nhật Bản - Ảnh 2.

Doolittle dán một huy hiệu Nhật Bản lên quả bom, có nghĩa nó sẽ được ném xuống Nhật. Ảnh: Wikimedia Commons

Và Trung tá Jimmy Doolittle là người hoàn hảo để lãnh đạo một kế hoạch táo bạo như vậy.

Ban đầu tướng Henry Arnold, chỉ huy quân đoàn Không quân của Lục quân Mỹ chỉ muốn Doolittle tham gia huấn luyện các phi công trẻ vì không muốn phải hy sinh một phi công tài năng như anh. Nhưng trung tá 45 tuổi quả cảm muốn mình phải được ngồi vào ghế lái của chiếc máy bay ném bom đầu tiên đột kích Tokyo.

Tuy nhiên, vấn đề là những chiếc máy bay cảm tử sẽ xuất kích từ đâu. Loại máy bay hoạt động trên các tàu sân bay của Mỹ thời đó chỉ có thể tấn công trong phạm vi 480km.

Lực lượng cường kích lớn nhất trong khu vực là 35 chiếc B-17 đóng tại Philippines nhưng nhiều chiếc đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công chớp nhoáng của quân Nhật chỉ vài giờ sau trận Trân Châu Cảng. Chưa kể B-17 chỉ có tầm hoạt động chưa đến 1.600km, trong khi Nhật Bản lại cách đó tới 3.200km.

Lựa chọn cuối cùng được đưa ra là sử dụng máy bay ném bom tầm trung hai động cơ B-25 Mitchell cải tiến, cất cánh từ tàu sân bay. Những chiếc máy bay sẽ được tăng gấp đôi dung tích 3 thùng xăng phụ. 16 chiếc B-25 cải tiến có thể xuất kích từ tàu sân bay với độ an toàn tương đối, nhưng chúng hầu như không thể hạ cánh trở lại tàu.

Thay vào đó, các phi công Mỹ dự định đáp xuống Trung Quốc đại lục sau khi hoàn thành sứ mạng. 80 phi công đã tập luyện không ngừng trong đêm, bay ở độ cao thấp, tập các kỹ năng lẩn trốn và bay xuyên quốc gia.

Phi công huyền thoại Mỹ dẫn đầu cuộc giội bom phục thù Nhật Bản - Ảnh 3.

Máy bay do Doolittle điều khiển cất cánh từ tàu sân bay USS Hornet. Ảnh: Wikimedia Commons

Vào đầu tháng 4/1942, các máy bay ném bom được đưa lên tàu sân bay USS Hornet, và ngày 18/4 con tàu đã tới vùng biển cách Tokyo khoảng 650 hải lý.

Tuy vậy tàu USS Hornet sớm bị tàu đánh cá thực hiện nhiệm vụ cảnh giới của Nhật phát hiện. Lúc này, sứ mạng buộc phải được đẩy sớm, nếu không sẽ đẩy toàn bộ lực lượng còn lại của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và tình thế nguy hiểm.

Ngay sáng 18/4, 16 máy bay ném bom với những cái tên như Fickle Finger of Fate, TNT, Avenger, Bat out of Hell, Green Hornet và Hari Kari-er bắt đầu cất cánh nhằm hướng Nhật Bản.

Doolittle xuất phát lúc 8h20, theo sau đó 1 tiếng là 15 chiếc còn lại, cất cánh cách nhau 3-4 phút. 10 chiếc máy bay đầu tiên được giao nhiệm vụ không kích Tokyo, 6 chiếc khác tấn công các mục tiêu ở Yokohama, Kobe, Nagoya và căn cứ hải quân Yokosuka.

Hỏa lực phòng không Nhật Bản đã phản ứng nhưng không chính xác. Tất cả các máy bay B-25 đều ném bom trúng mục tiêu, ngoại trừ một quả bom thả nhầm xuống trường học. Tổng cộng 87 người Nhật đã thiệt mạng trong cuộc đột kích. Sau khi ném hết số bom mang theo, 16 chiếc B-25 bay nhanh ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản vì nhiên liệu đang cạn.

Phi công huyền thoại Mỹ dẫn đầu cuộc giội bom phục thù Nhật Bản - Ảnh 4.

Jimmy Doolittle đã trực tiếp dẫn đầu đội bay phục thù Nhật Bản. Ảnh: Wikimedia Commons

Phi đội báo thù bay thêm được vài trăm kilomét tới bờ biển Trung Quốc thì phải hạ cánh. 11 người trong số các tổ lái phải chọn giải pháp bỏ máy bay để nhảy dù vì địa hình xấu cộng với thời tiết có bão. 4 trong số các máy bay B-25 đã đâm đầu xuống đất, 3 chiếc lao xuống nước và 1 chiếc rơi xuống cánh đồng lúa.

Chỉ có duy nhất chiếc máy bay số 8 bay xa hơn, tới được vùng Vladivostok của Nga và hạ cánh an toàn. Ngoại trừ tổ bay trên chiếc số 3 và số 6 thiệt mạng, Doolittle và các đồng đội khác tiếp đất bằng dù an toàn, sau đó được người Trung Quốc giúp đỡ để trốn thoát về nước.

Phi công huyền thoại Mỹ dẫn đầu cuộc giội bom phục thù Nhật Bản - Ảnh 5.

Jimmy Doolittle và các đồng đội tại Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy vậy, mạng sống của họ đã phải trả một cái giá quá đắt. Phát xít Nhật đã điên cuồng tàn sát người dân Trùng Khánh vì đã giúp các phi công Mỹ trốn thoát. Hậu quả là 250.000 người dân bị sát hại. Doolittle sau này chia sẻ:

“Đó có lẽ là bi kịch lớn nhất trong sứ mạng này. Người Trung Quốc đã hứng chịu sự trừng phạt vì giúp đỡ chúng tôi. Những mất mát của họ luôn ám ảnh tôi”. Ông cũng cho rằng, sứ mạng đột kích là “một thất bại hoàn toàn”.

Mặc dù thành công về mặt vật chất của cuộc đột kích do Doolittle lãnh đạo không đáng kể, nhưng nó có tác động rất lớn, tích cực đến tinh thần của người Mỹ.

Ngoài ra cũng như dự kiến, nó đã tác động đến tinh thần của quân Nhật, mở đường cho chiến thắng của quân Mỹ trong trận Midway vào đầu tháng 6/1942 - tạo ra một bước ngoặt trên Mặt trận Thái Bình Dương.

Nhờ lòng dũng cảm, Doolittle đã được Tổng thống Franklin Roosevelt trao tặng Huân chương Danh dự và được thăng cấp Chuẩn tướng, vượt hai cấp. Trong thời gian còn lại của cuộc chiến, ông đảm nhiệm nhiều vị trí chỉ huy, đỉnh điểm là chỉ huy Không lực 8 với 42.000 máy bay. Ông kết thúc chiến tranh với quân hàm Trung tướng.

Phi công huyền thoại Mỹ dẫn đầu cuộc giội bom phục thù Nhật Bản - Ảnh 7.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt trao Huân chương Danh dự cho Jimmy Doolittle. Ảnh: Wikimedia Commons

Jimmy Doolittle nghỉ hưu vào ngày 10/5/1946, nhưng vẫn tiếp tục đứng đầu các ban cố vấn và hiệp hội như Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không. Ông được trao nhiều giải thưởng và vinh dự trong đó có việc được Quốc hội thăng chức lên tướng bốn sao dù đã nghỉ hưu vào năm 1985, cũng như nhận Huân chương Tự do của Tổng thống cùng năm.

Tên của Doolittle được tôn vinh tại Đại sảnh vinh danh Motorsports và Đại lộ Danh dự Hàng không vũ trụ. Ông qua đời vào ngày 27/9/1993, ở tuổi 96.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại