Mỹ chỉ "lo bò trắng răng", Thổ Nhĩ Kỳ "có cho tiền" cũng không muốn tích hợp S-400 vào mạng lưới NATO?

Mạnh Kiên |

Tuyên bố S-400 sẽ không tích hợp vào mạng lưới phòng không NATO được coi là một sự nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Tuy nhiên, việc hệ thống phòng không Nga hoạt động độc lập mới được coi là có lợi hơn cho Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ chọc giận Mỹ khi mua thêm S-400?

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều xác nhận đang xem xét một thỏa thuận mua thêm hệ thống phòng không S-400 bất chấp nguy cơ trừng phạt của Mỹ, theo truyền thông Nga. Thông tin được đưa ra giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sắp có một thỏa hiệp với Mỹ.

Ngày 26/11, Tổng giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, ông Alexander Mikheev cho biết, Moscow hy vọng sẽ ký một thỏa thuận bán thêm hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian nửa đầu năm tới.

Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng công khai khả năng mua thêm S-400 của Nga, khi nói rằng nước này cần nhiều hệ thống phòng không hơn.

Ông Cavusoglu cũng nhắc lại những phát biểu trước đó của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc Ankara có thể cân nhắc mua cả hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.

Nói với tờ Kommersant, một số chuyên gia quân sự Nga tin rằng, trong tình hình hiện tại, Ankara đang sử dụng những lời hoa mỹ để giành được lợi ích tốt nhất.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn S-400 hoạt động độc lập?

Các chuyên gia kết luận, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar về việc tên lửa S-400 sẽ hoạt động độc lập, không được tích hợp vào mạng lưới phòng không NATO là biểu hiện cho sự thỏa hiệp đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây.

Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là liệu đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự là thể hiện sự nhượng bộ để giảm căng thẳng hay không. Bởi ngay cả khi Ankara muốn tích hợp tên lửa S-400 với mạng lưới phòng không NATO, đó cũng sẽ là thách thức về mặt kỹ thuật và chính trị.

Chuyên gia quân sự Mikhail Hodarenok cho rằng việc hiệu chỉnh S-400 với các hệ thống điều khiển chiến đấu tự động của thiết bị phòng không NATO là khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thời gian và tốn chi phí.

Để đạt được sự tích hợp như vậy, các chuyên gia sẽ cần phải giải quyết các vấn đề như liên kết tần số, tương thích với thiết bị kết nối, cài đặt và mã hóa hệ thống nhận dạng mục tiêu. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà phát triển quân sự của Nga và NATO, vốn được coi là không thể về mặt chính trị.

Do đó, các yêu cầu phức tạp về kỹ thuật cũng như chi phí nói trên vốn đã hạn chế mục đích kết nối mạng lưới phòng không NATO của S-400 chứ không hẳn Thổ Nhĩ Kỳ vì nhượng bộ phương Tây mà để hệ thống phòng không Nga hoạt động độc lập.

Phòng ngừa rủi ro

Mỹ chỉ lo bò trắng răng, Thổ Nhĩ Kỳ có cho tiền cũng không muốn tích hợp S-400 vào mạng lưới NATO? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump vẫn đang cố gắng giải tỏa căng thẳng xoay quanh vấn đề S-400 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc thử nghiệm radar S-400 tại căn cứ không quân Murted của Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua - tình cờ được tổ chức đúng ngày Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga 4 năm trước - là một minh họa tiêu biểu về mối quan hệ nghịch lý trong tam giác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-NATO.

Năm 2015, sau cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga ngày 24/11 , Moscow đã nhanh chóng triển khai các tổ hợp tên lửa S-400 ở Syria - không chỉ để kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn giám sát các hành động của không quân NATO từ căn cứ Incirlik.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ vừa thử nghiệm các radar do Nga sản xuất bằng chính chiến đấu cơ F-16 Viper và F-4 Phantom của Mỹ.

Sự thay đổi trọng tâm trong việc phát triển sức mạnh phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất đáng chú ý. Năm 2012, Syria đã hạ một máy bay F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó, năng lực phòng không Syria được coi là mối đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ngày nay, Ankara lại đảo ngược mục tiêu khi giám sát mối đe dọa đến từ máy bay Mỹ bằng cách triển khai tên lửa S-400 được trang bị radar của Nga chứ không phải bất kỳ đối thủ nào khác.

Kể từ khi quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu, sự hợp tác giữa Moscow và Ankara được đánh dấu bằng một số thỏa thuận đổi chác, với thương vụ S-400 nổi bật là thỏa thuận trung tâm.

Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại chỉ ra rằng, thỏa thuận này hoàn toàn là một quyết định chính trị, bởi việc sử dụng hệ thống S-400 hạn chế về tính năng sẽ không đáp ứng khách quan những yêu cầu mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.

Đến lúc này, các nhà quan sát vẫn tin rằng, thỏa thuận mua S-400 thực tế đến từ chính cuộc đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phe đảo chính khi đó đã chống lại chính quyền Tổng thống Erdogan bằng cách sử dụng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ và máy bay trực thăng AH-1 Super Cobra để tấn công các tòa nhà chính phủ.

Do đó, thỏa thuận S-400 đã giúp Ankara tạo ra mạng lưới phòng không độc lập, phòng ngừa mâu thuẫn với Mỹ trong mọi trường hợp.

Đồng thời, Tổng thống Erdogan cũng sẽ chẳng muốn hệ thống S-400 phải hoạt động hạn chế hay bị bó buộc vào mạng lưới phòng không NATO, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước những bước đi được coi là vượt "lằn ranh đỏ" của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại