Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo để trau dồi kỹ năng của các phi công chiến đấu. Getty Images
Fang Guoyu, một biên đội trưởng của Không quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, được công nhận đã đạt cấp độ “Ace” (phi công ưu tú), gần đây đã bị đối thủ AI "bắn hạ" trong một cuộc không chiến mô phỏng, theo Nhật báo Giải phóng quân, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc.
Fang nói rằng trong quá trình huấn luyện ban đầu, rất dễ dàng để đánh bại đối thủ AI. Nhưng với mỗi hiệp chiến đấu, AI được cho là đã học được từ đối thủ là con người của nó. Sau một cuộc giao tranh mà Fang đã chiến thắng với một chút kỹ năng bay điêu luyện, AI đã quay lại và sử dụng chiến thuật tương tự để đánh bại anh ta.
"Nó giống như một phi công kỹ thuật số xuất sắc trong việc học hỏi, bắt chước, đánh giá và nghiên cứu", Fang nói. "Nước đi mà bạn dùng để đánh bại nó hôm nay sẽ nằm trong tay nó vào ngày mai."
Du Jianfeng, chỉ huy lữ đoàn, nói rằng AI ngày càng được tích hợp vào huấn luyện.
Nó "có kỹ năng xử lý máy bay và đưa ra các quyết định chiến thuật hoàn hảo", ông nói, mô tả đối thủ AI là một công cụ hữu ích để "mài gươm" vì nó buộc các phi công Trung Quốc phải sáng tạo hơn.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một quân đội hiện đại với khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến tranh vào giữa thế kỷ này và trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc nâng cao yếu tố tác chiến trên không, thậm chí phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm.
Nhưng thách thức và tốn thời gian hơn nhiều so với việc thu hẹp khoảng cách công nghệ là việc trau dồi kiến thức và kinh nghiệm quan trọng cần thiết để vận hành hiệu quả một lực lượng chiến đấu hiện đại.
Truyền thông Trung Quốc không đưa ra thông tin chi tiết cụ thể về trình mô phỏng, vì vậy có nhiều câu hỏi về việc liệu AI có cung cấp các khoa mục huấn luyện cần thiết cho các phi công chiến đấu với máy bay có người lái hay không.
“Nếu có, thì điều đó khá tốt”, Guy Snodgrass, cựu giảng viên chương trình đào tạo phi công ưu tú TOPGUN của Mỹ và là chuyên gia trí tuệ nhân tạo, nói với Insider.
"Nếu không, bạn thực sự chỉ đang đào tạo con người để chống lại AI, và đó có lẽ không phải là những gì họ sẽ chiến đấu trong tương lai" vì hiện tại không có máy bay chiến đấu điều khiển bằng AI mà họ cần phải chuẩn bị để chiến đấu.
Ông Snodgrass nói thêm: “Có thể có sự khác biệt giữa khả năng thực sự trong một trận không chiến hoặc không chiến với những gì AI đang thể hiện. Nếu đúng như vậy, điều này là lãng phí công sức”.
Tuy nhiên, nếu đó là một thiết bị mô phỏng huấn luyện có độ trung thực cao, nó có khả năng giúp làm giảm chi phí huấn luyện không chiến vì "bạn có thể được huấn luyện đó với mức chi phí thấp hơn nhiều so với việc thực sự đưa máy bay thật lên không trung", Snodgrass nói.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc huấn luyện chiến đấu, bao gồm cả mô phỏng, để giúp quân đội Trung Quốc khắc phục tình trạng thiếu kinh nghiệm chiến đấu, nhưng không rõ chương trình nghị sự của ông đã được thực hiện ở mức độ nào với các chương trình huấn luyện mô phỏng như những gì các phi công Không quân Trung Quốc đang làm.
Bất kể các phi công có đang học được bất cứ điều gì có giá trị hay không, việc Fang Guoyu hồi tưởng về các cuộc giao tranh với đối thủ AI của mình chứng tỏ rằng AI đã phát huy tác dụng.
“AI yêu cầu phản hồi,” Snodgrass nói. "Và đó chính xác là việc giúp đào tạo phi công, nhưng vì các phi công của bạn đang chiến đấu chống lại nó, AI đang học hỏi và nó đang trở nên giỏi hơn”.