Việc sinh sản của con người thường bắt đầu bằng việc tinh trùng di chuyển qua tinh dịch để gặp trứng và thụ tinh. Điều đó tạo ra một hợp tử, sau đó nó có thể gắn vào thành tử cung và bắt đầu quá trình phát triển thành em bé.
Tuy nhiên, việc cấy ghép này không phải hoàn toàn là một điều mặc định. Hệ thống miễn dịch của người phụ nữ có thể từ chối trứng đã thụ tinh, coi nó như một thứ gì đó "lạ" và ngăn cản việc mang thai. Các nghiên cứu khoa học trước đây đã chỉ ra rằng tinh dịch có chứa các protein làm giảm phản ứng miễn dịch này, khuyến khích cơ thể người phụ nữ chấp nhận hợp tử và mang thai.
Nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide (Úc) đã phát hiện ra rằng hóa ra tinh trùng còn gửi các tín hiệu riêng, được thiết kế chuyên biệt để thuyết phục cơ thể người phụ nữ.
Trong thử nghiệm của nghiên cứu mới, những con chuột cái được giao phối với những con đực sản xuất tinh trùng và những con đực đã được thắt ống dẫn tinh (có nghĩa là chúng tạo ra tinh dịch mà không có tinh trùng).
Dựa trên những thay đổi trong biểu hiện của các gen khác nhau trong tử cung của con cái, các nhà nghiên cứu xác định rằng những con chuột sản xuất tinh trùng thúc đẩy khả năng chịu miễn dịch ở bạn tình mạnh hơn so với những ứng viên được thắt ống dẫn tinh.
Bằng cách đưa tinh trùng đực vào các tế bào cái trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã có thể xác nhận rằng tinh trùng chịu trách nhiệm trực tiếp cho những thay đổi này.
Vậy tại sao phát hiện này lại cực kỳ quan trọng? Bởi vô sinh là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến hàng chục triệu cặp vợ chồng trên toàn cầu và các vấn đề như sẩy thai liên tiếp, tiền sản giật hay thai chết lưu đều có liên quan đến phản ứng miễn dịch của phụ nữ trong quá trình sinh sản.
Bây giờ, khi chúng ta biết rằng tinh trùng có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch đó, các nhà nghiên cứu có thể xác định những cách mới để điều trị vô sinh - có khả năng giúp một số cặp vợ chồng thụ thai và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.