Xe thiết giáp bánh hơi Pháp VAB. Ảnh South Front
Theo ông Lecornu, quân đội Ukraine sẽ có lợi thế trên chiến trường khi sử dụng những xe bọc thép này chiến đấu chống lại các lực lượng quân đội Nga và dân quân Donbass.
Ông nói: "Để di chuyển nhanh trong các khu vực chiến sự dưới hỏa lực của quân Nga, các đơn vị quân Ukraine cần có xe thiết giáp. … Pháp sẽ cung cấp một số lượng đáng kể xe VAB, trang bị vũ khí".
VAB là viết tắt của "Véhicule de l'Avant Blindé" (Xe bọc thép chiến trường), xe thiết giáp bánh hơi do công ty Pháp Panhard và Tập đoàn Saviem/Renault phát triển với cấu hình 4 × 4 và 6 × 6 bánh hơi trong giai đoạn từ năm 1972 đến năm 1973.
Mẫu thiết giáp đang có trong biên chế của Quân đội Pháp là 4X4 VAB VTT, "Véhicule Transport de Troupe" (Thiết giáp vận chuyển bộ binh), kíp xe 3 người bao gồm trưởng xe, pháo thủ và lái xe, khoang hành khách chở 10 binh sĩ đầy đủ trang bị.
VAB lắp đặt động cơ diesel tăng áp 6 xi-lanh thẳng hàng làm mát bằng nước Renault MIDS 06-20-45, công suất 220 mã lực khi đạt tốc độ quay 2.200 vòng/phút. Tốc độ đường bộ tối đa 92 km/h với dự trữ hành trình tối đa 1.000 km. Xe có vỏ thiết giáp hàn đồng chất, chống được hỏa lực vũ khí bộ binh và mảnh bom đạn.
Đây thực tế là những xe thiết giáp đã lỗi thời, quân đội Pháp hiện đang thay thế những chiếc VAB APC lão hóa bằng Griffon, xe bọc thép bánh hơi 6 × 6 thế hệ mới. Việc viện trợ xe thiết giáp VAB cho quân đội Ukraine thực tế là sự chuyển loại vũ khí trang bị, các xe thiết giáp thay vì bị thanh lý sẽ được chuyển đến Ukraine.
Pháp đã bắt đầu đưa các xe VAB APC đến Ukraine. 4 ngày trước tuyên bố của ông Lecornu, một đoàn xe thiết giáp VAB APC Pháp xuất hiện ở Slovakia, đang hướng về Ukraine.
Đồng thời, Bộ trưởng Lecornu cũng xác nhận với tờ La Parisien, Pháp sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine thêm 6 pháo tự hành CAESAR 155 mm ngoài 12 khẩu pháo được chuyển giao.
Pháo tự hành CAESAR là loại lựu pháo 155mm do nhà sản xuất vũ khí Nexter Systems sản xuất trên khung gầm xe vận tải 6 x 6 bánh hơi. Lựu pháo có tốc độ bắn 6 phát/ phút, tầm bắn 42 km khi sử dụng đạn ERFB (đạn tăng tầm) và 55 km khi sử dụng đạn hỗ trợ động cơ đẩy tên lửa.
Pháp, tương tự như Mỹ và các quốc gia NATO, tin tưởng rằng viện trợ quân sự của phương Tây sẽ làm suy kiệt quân đội Nga và buộc Moscow phải nhận một thất bại.
Nhưng quân đội Ukraine đang gặp khó khăn do vũ khí theo chuẩn NATO, đại đa số đã lỗi thời, công tác hậu cần kỹ thuật phức tạp do có quá nhiều chủng loại khác nhau, công tác huấn luyện đào tạo làm chủ vũ khí cũng phức tạp do đều phải học lại từ đầu, khiến hiệu quả tác chiến rất thấp.
Những khó khăn phức tạp này làm giảm đáng kể hiệu suất chiến đấu của quân đội Ukraine, gây khó khăn trong các hoạt động tác chiến thực tế và khiến các quân nhân Ukraine thực sự mất lòng tin trên chiến trường.