Vụ tai nạn đường sắt ở Đông Anh: Nước mắt xót xa của người mẹ mất con

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Hôm nay, 5/7, TAND TP. Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ tai nạn đường sắt dẫn đến hậu quả 1 người tử vong hồi đầu năm 2012.

Lỗi thuộc về nhân viên đường tàu

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 4h20’ ngày 3/2/2012, anh Nguyễn Văn Thái (SN 1968, HKTT tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) lái xe du lịch loại 16 chỗ chở một nhóm khách đi tham quan. Đến điểm giao cắt đường ngang tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai (thuộc địa phận xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội), xe của anh Thái đã va chạm với đoàn tàu SP4 khiến anh này tử vong, 5 người khác bị thương.

Cơ quan điều tra xác định lỗi trong vụ việc này thuộc về Trần Huy Thư (SN 1974) và Vũ Thị Kim Oanh (SN 1976) đều trú tại Khu tập thể cung đường sắt Bắc Hồng, huyện Đông Anh, là các nhân viên gác chắn, trực tại trạm chắn đường ngang Bắc Hồng không làm tròn nhiệm vụ.

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh từ hồ sơ vụ án)
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh từ hồ sơ vụ án)

Sau khi nhập cuộc điều tra, cơ quan điều tra xác định, trước đó, Thư và Oanh được phân công trực từ 17h ngày 2/2 đến 7h ngày 3/2/2012. Trong quá trình làm việc, 2 người tự phân công trực tại chắn 1 và chắn 2. Khoảng 0h ngày 3/2/2012, Thư gọi điện cho Oanh ra thay.

Đến 4h20’ cùng ngày, trực ban ga Thạch Lỗi báo tàu SP4 đang đến ga Bắc Hồng. Oanh nhận điện lần 1 đã thực hiện hô đáp theo quy trình, rồi vào sổ trực. Khoảng 2 phút sau, Oanh nhận điện lần 2, hô đáp, ghi vào sổ nhật ký rồi ra đường ngang quan sát, bật tín hiệu báo dừng đường bộ.

Lái tàu và phụ tàu nhận được tín hiệu an toàn nên cho tàu chạy bình thường nên đã xảy ra tai nạn vì các chắn đều chưa được đóng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Sau tai nạn, Oanh điện thoại cho Thư báo tình hình và thống nhất, thời điểm xảy ra tai nạn Thư có mặt làm nhiệm vụ tại chắn 2. Thư đã đến hiện trường, đứng ở vị trí chắn 2 và ký vào tường trình do Oanh viết.

Cơ quan điều tra xác định, Oanh, Thư vi phạm kỷ luật lao động, tự ý sắp xếp trực gác chắn tàu. Thư tự ý bỏ vị trí trực gác chắn tàu, còn Oanh không thực hiện đúng quy định phải đóng chắn đường bộ trước 90 giây khi tàu đến đường ngang; làm tín hiệu báo an toàn không đúng, vi phạm về quy định tổ chức phòng vệ đường ngang.

Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 27/3/2013, TAND huyện Đông Anh kết luận, tại thời điểm ngay trước khi xảy ra vụ tai nạn, Oanh không thực hiện thao tác bấm chuông, bật đèn tín hiệu đường bộ và đóng chắn. Lúc xảy ra tai nạn, bị cáo Oanh không làm nhiệm vụ trên đường ngang mà đang ở trong nhà chắn. Còn bị cáo Thư không có mặt để làm nhiệm vụ được coi là rời bỏ nhiệm sở.

Vì các lẽ trên, TAND huyện Đông Anh tuyên phạt Trần Huy Thư 5,5 năm tù, Vũ Thị Kim Oanh 7 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”.

Sau đó, bị cáo Oanh và Thư đã có đơn kháng án đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Ngày 5/7, tại phiên xử phúc thẩm ở TAND TP. Hà Nội, sau khi nghe các bên tranh luận và căn cứ hồ sơ vụ án, HĐXX đã tuyên y án.


	Hai bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm (Ảnh: Tuấn Nam)

Hai bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm (Ảnh: Tuấn Nam)

"Bất ngờ với lời tranh luận của bị cáo"

Bên ngoài phiên toà phúc thẩm, trong khoảng thời gian HĐXX nghị án, bà Hoàng Thị Sơn (mẹ nạn nhân Nguyễn Văn Thái) nức nở khóc thương con. Bà Sơn cho rằng những ý kiến trong phần tranh luận tại phiên toà của phía bị cáo là không đúng, là oan cho con bà.

Bà Sơn vừa lau nước mắt vừa tâm sự: “Thái là người lái xe rất cẩn thận. Đã 21 năm qua, chẳng có sự việc gì xảy ra. Chỉ vì nhân viên đường tàu đã không đóng chắn mà đã dẫn đến tai nạn thảm khốc thế này".

Bà Sơn kể: “Hôm trước ngày xảy ra tai nạn, đáng lẽ, Thái nó chở một số nhà sư đi xuống Hà Nội nhưng nhà hàng xóm có việc muốn đi tham quan nên đã sang nhờ con tôi. Các vị sư cũng mở lòng từ bi mà nói với con tôi rằng cứ chở hàng xóm đi rồi mai chở các thầy xuống Hà Nội cũng được. Thế là sáng sớm 3/2/2012, con tôi chở các hàng xóm đi tham quan. Có ai ngờ lại xảy ra tai nạn như thế".

"Lúc nghe được tin báo xảy ra tai nạn, hai vợ chồng tôi như người mất hồn lao nhanh đến khu vực tai nạn. Chồng tôi nâng con tôi lên và vuốt tóc cho nó… rồi nó mất sau đó”, bà Sơn khóc nấc lên.

Trước những lời tranh luận tại phiên toà của bị cáo Oanh, bà Sơn cho rằng những lời nói đó là không đúng và vô trách nhiệm khi bị cáo Oanh cho rằng anh Thái có lỗi trong việc này và phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường dân sự.

Bà Sơn tỏ ra bất ngờ trước lời tranh luận này của bị cáo Oanh: “Trước đó, người nhà chị Oanh đã đến nhà tôi để xin gia đình tôi xin giảm án cho các bị cáo. Vì nghĩ rằng con dù sao cũng đã mất không thể cứu vãn được, lại nghĩ đến Oanh có con nhỏ nên nhà tôi đã xin giảm án. Thế mà tại phiên toà này lại nói như thế”.

Sau khi nghe HĐXX tuyên y án, bà Sơn nín lặng và ngậm ngùi cùng gia đình bước theo sau các cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải các bị cáo ra khỏi toà án.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại