Vụ quan tài diễu phố: Cho bị can chép bản kiểm điểm có phạm luật?

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - “Trong 2 việc lấy lời khai và cho viết bản kiểm điểm, hiện nay luật không quy định việc nào làm trước, việc nào làm sau….”.

Ngày đầu tiên của phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án mạng xảy ra vào rạng sáng 15/3 vừa qua tại Quán Tiên, phường Hội Hợp, TP. Vĩnh Yên khiến 1 người tử vong đã diễn ra.

Đáng chú ý, trong phần xét hỏi tại phiên toà vào cuối buổi chiều 5/9, trước câu hỏi của Luật sư Lê Thị Oanh (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam, TP. Hà Nội) là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại, cả bị cáo Phùng Đắc Tú, bị cáo Nguyễn Văn Định và bị cáo Nguyễn Duy Hiệp đều cho biết bản kiểm điểm của các bị cáo đã được chép lại từ biên bản lấy lời khai của các bị cáo (khi đó là bị can) từ cán bộ điều tra ngay trước đó. Khi mới nghe thông tin này từ bị cáo Tú, nhiều người trong phòng xử đã vỗ tay. 

Bị cáo Nguyễn Duy Hiệp trước vành móng ngựa chiều ngày 5/9 (Ảnh: Tuấn Nam)
Bị cáo Nguyễn Duy Hiệp trước vành móng ngựa chiều ngày 5/9 (Ảnh: Tuấn Nam)

Lý giải về việc xét hỏi nội dung này, LS. Oanh cho biết đã thấy trong lời khai của các bị cáo đều nói anh Tuấn Anh say rượu, chửi tục rất giống nhau nên mới hỏi vậy. Trong phiên xử sáng 6/9, LS Oanh tiếp tục đề cập đến vấn đề này. 

Tuy nhiên, vị đại diện Viện Kiểm sát trả lời: "Trong quá trình hỏi cung thì thời gian và địa điểm gây án là rõ rồi. Không phải đến giờ luật sư nêu tôi mới biết việc bản tường trình, bản lấy lời khai và bản kiểm điểm giống nhau. Tôi đã yêu cầu điều tra viên báo cáo. Theo nội dung báo cáo của các điều tra viên, trong quá trình ghi lời khai, một số nội dung giống nhau, sau khi ghi lời khai thì các bị cáo đều được xem lại trước khi ký".

Từ sự việc này, không ít ý kiến cho rằng việc cho các bị cáo chép lại biên bản lấy lời khai thành bản kiểm điểm là việc làm vi phạm Luật Tố tụng hình sự.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình- Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc (Đoàn Luật Sư Hà Nội) về vấn đề này.

ThS, LS. Phạm Thanh Bình
ThS, LS. Phạm Thanh Bình

Ông Phạm Thanh Bình cho hay: “Trong 2 việc lấy lời khai và cho viết bản kiểm điểm, hiện nay luật không quy định việc nào làm trước, việc nào làm sau. Và pháp luật cũng không cấm việc mang biên bản lấy lời khai ra cho bị cáo chép làm bản kiểm điểm".

Tuy nhiên, theo ý kiến của Luật sư Phạm Thanh Bình, việc làm như vậy là không hợp logic vì thông thường các điều tra viên sẽ cho viết bản kiểm điểm trước, sau đó sẽ lấy lời khai dựa trên những thông tin từ bản kiểm điểm để làm rõ những điểm trong bản kiểm điểm chưa rõ.

“Thứ hai, việc cho chép biên bản lấy lời khai như vậy là hơi ngược và sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, tính đầy đủ, trung thực trong bản kiểm điểm viết sau này của bị cáo”, vị luật sư này nói.

Luật sư Bình cho biết thêm, khi các bị can được hỏi thì sẽ khai theo các câu hỏi của cơ quan điều tra. Còn biên bản tự kiểm điểm thì bị can muốn viết gì thì viết về tất cả những điều liên quan đến vụ án. 

"Rõ rằng việc viết bản kiểm điểm trước sẽ chủ động hơn. Còn nếu chép lại biên bản lấy lời khai vào bản kiểm điểm thì sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong thông tin mà bị can đưa vào bản kiểm điểm", ông Phạm Thanh Bình cho biết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại