Vụ hỗn chiến ven sông Yên: Lãnh đạo xã bao che?

Sau vụ hỗn chiến trên sông Yên ngày 7.7 khiến 3 người chết, nhiều hộ dân thôn Điền đã gửi đơn tố cáo lãnh đạo xã này đã bao che tội phạm.

Chủ tịch xã bao che

Trong đơn, người dân viết: “Từ ngày ông Đoàn Văn Sâm lên làm Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, một số người đã ngang nhiên thả luồng, phao ngăn sông cấm chợ. Trong số đó có ông Đoàn Văn Cương là em trai ông chủ tịch xã”.

Ông Đoàn Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Quảng Nham - cho rằng: “Thông tin như bà con nêu là không đúng sự thật”. Ông cho hay, mọi việc liên quan đến đơn từ của người dân đã được xã giải quyết rốt ráo. Trong danh sách 18 hộ cắm cọc đăng đáy trái phép không có tên ông Đoàn Văn Cương. Ông Sâm khẳng định: “Em tôi không cắm cọc ngăn sông trái phép”.

Tuy nhiên, ông Lê Công Toan (thôn Điền) khẳng định: “Cả xã này đều biết, không chỉ ông Cương mà em ông ta là Nhung cũng dựa bóng ông anh làm chủ tịch xã mà cắm cọc ngăn sông”. Ông Toan cho rằng, việc ông Cương không có trong danh sách 18 người vi phạm chứng tỏ ông Sâm đã bao che cho em mình.

Vụ hỗn chiến ven sông Yên: Lãnh đạo xã bao che?
Giá trị của con ngao đã khơi nguồn dẫn tới cuộc ẩu đả diễn ra sáng 7.7.2013 trên sông Yên làm 3 người mất tích.

Có bỏ lọt tội phạm?

Sau vụ hỗn chiến trên sông Yên, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 11 người là dân Quảng Nham. Theo điều tra riêng của chúng tôi, 11 người này đều là ngư dân hiền lành. Việc họ bị bắt đã gây nhiều khó khăn cho các gia đình bởi tất cả đều là lao động chính.

Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Điền) có con trai là Phạm Văn Thành. Hôm xảy ra vụ việc, Thành nhảy xuống sông tránh dao búa đối phương nhưng cũng đã bị bắt giam. Chị Nguyễn Thị Như có chồng là Trần Quốc Hùng mới đi cào ngao ngày đầu đã bị bắt, giờ chị không biết xoay xở ra sao với 2 đứa con nhỏ và cái bụng bầu 5 tháng.

Ông Lê Công Toan - người trông coi bến thuyền thôn Điền - khẳng định, trước và trong khi xảy ra vụ việc, ngư dân Quảng Nham không hề có sự chuẩn bị tổ chức đánh nhau. Khi ngư dân đang khai thác ngao thì thuyền của các đối tượng phía huyện Tĩnh Gia bất ngờ ập đến dùng hung khí tấn công.

Một số phải nhảy xuống nước thoát thân, một số khác có phản ứng tự vệ. Trong quá trình truy đuổi, thuyền phía Tĩnh Gia đâm phải bè của họ khiến 3 người đều là dân nơi khác đến, không biết bơi bị chết đuối.

Theo bà Nguyễn Thị Tình và nhiều người khác, ông Phạm Văn Long (Long bồ) đã uy hiếp ngư dân, bắt họ phải bán hải sản cho ông ta với giá rẻ. Ông ta bán lại cho đại lý, mỗi ngày kiếm lãi hàng chục triệu đồng. Bà Tình (đại lý mua lại ngao của ông Long) cho hay, ông Long là người đã thuê côn đồ và đứng sau vụ hỗn chiến ngày 7.7.

Chị Nguyễn Thị Hương bức xúc: “Sao con tôi bị bắt mà kẻ gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ?”. Trả lời PV Lao Động về việc trên, cả ông Chủ tịch xã Đoàn Văn Sâm và Trưởng CA xã Phạm Hồng Thái đều cho rằng không có cơ sở để khép tội ông Phạm Văn Long (Long bồ).

Ngư dân xã Quảng Nham đang trông chờ cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xử lý công minh vụ việc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại