Tuyên án “bầu Kiên”: Băn khoăn mức án dành cho các bị cáo

Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, mà có đến 5 bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn so với đề nghị trước khi kết thúc phiên tòa?

Ngày 9/6, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án “bầu Kiên” và các đồng phạm, đồng thời công bố 2 quyết định khởi tố vụ án hình sự tại tòa…Đó là những bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, được dư luận đồng tình.

Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo trong vụ án cho thấy sự quyết tâm lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt với vụ án kinh tế, chức vụ có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên đối với mức án dành cho một số bị cáo liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên được thay đổi nhiều so với đề nghị của Viện Kiểm sát gây nhiều băn khoăn, cần được làm rõ.

30 năm tù với “bầu Kiên” - có đủ sức răn đe tội phạm ?

Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định, đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, việc tuyên các bản án không chỉ trừng phạt đối tượng phạm tội mà còn nhằm răn đe, phòng ngừa chung, nhất là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức cam go, phức tạp.

Vụ án Nguyễn Đức Kiên rất nghiêm trọng, hoạt động, hành vi phạm tội tinh vi, liên quan đến chính sách pháp luật quản lý tài chính, tiền tệ, trong đó có nhiều quy định luật và văn bản dưới luật. Khi xem xét, định tội trong xét xử hình sự, đối với loại án kinh tế không chỉ đơn thuần các quy định trong BLHS mà còn liên quan quy định trong các văn bản pháp luật khác nữa.

Kết quả như đã tuyên, các tội danh truy tố, xét xử là đúng pháp luật.

Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã kết thúc, bức tranh rõ nhất có thể nhận thấy là “bầu Kiên” cùng đồng phạm đã phạm phải nhiều tội danh như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái...

Đánh giá chung, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế của đất nước và tạo dư luận xấu trong nhân dân.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng do chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn.

HĐXX xác định bị cáo Nguyễn Đức Kiên phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất, do không thành khẩn khai báo, nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo luật định.

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên; tuyên án
Phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm - Ảnh: Nam Phong

Đánh giá về vụ án, HĐXX thông qua bản án sơ thẩm khẳng định, đây là một vụ án gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế nhằm 'phục vụ cho lợi ích nhóm'. Hành vi của các bị cáo đã gây lũng đoạn thị trường tài chính trong nước. Do vậy, cần phải có bản án hết sức nghiêm minh để giáo dục, răn đe.

Luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Trường Sa, người theo dõi diễn biến toàn bộ phiên tòa phân tích: "Bản thân tôi cũng như nhiều bạn đọc khác không khỏi có những băn khoăn".

Được biết trong phần luận tội tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên mức án 30 năm tù cho cả 04 tội danh, trong khi chỉ riêng hành vi tổ chức lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đối với Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã đủ để buộc bị cáo Nguyễn Đức Kiên phải chịu hình phạt cao nhất là tù chung thân theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự.

Đồng tình với luật sư Đức, Luật sư Trần Viết Hưng cho rằng, Bộ luật hình sự đã quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, chỉ cần chiếm đoạt năm trăm triệu đồng là có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Trong trường hợp này, số tiền mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt được lên đến 264 tỷ đồng, gấp hơn năm trăm lần số tiền định khung hình phạt nêu trên, nhưng chỉ bị đề nghị mức hình phạt từ 15 đến 16 năm tù (!?).

Do vậy Nguyễn Đức Kiên không chỉ bị áp dụng tình tiết tăng nặng tại Điểm K Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự mà cần phải xem xét cả tình tiết tăng nặng khác được quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tổ chức.

Đồng thời bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, trên công đường còn thể hiện sự ngông nghênh, coi thường pháp luật. Như vậy mức án 20 năm tù dành cho Nguyễn Đức Kiên đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được tuyên rõ ràng còn có thể gây nhiều băn khoăn?

Và việc nhiều bị cáo được giảm án

Các luật sư theo dõi diễn biến phiên tòa phân tích, trong số 8 bị cáo của vụ án, có đến 5 bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn khá nhiều so với đề nghị của Viện kiểm sát.

Đó là, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969): 5 năm tù giam, giảm so với đề nghị 7 đến 8 năm tù; Trần Ngọc Thanh (SN 1952): 5 năm 6 tháng tù giam, giảm so với đề nghị 9 đến 10 năm tù; Lý Xuân Hải (SN 1965): 8 năm tù và cấm đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong 5 năm, giảm so với đề nghị từ 12 đến 14 năm tù; Trịnh Kim Quang (SN 1954): 4 năm tù giam, giảm so với mức đề nghị là 6 đến 7 năm tù; Lê Vũ Kỳ (SN 1956): 5 năm tù giam, giảm so với mức đề nghị từ 7 đến 8 năm tù.

Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, mà có đến 5 bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn so với đề nghị trước khi kết thúc phiên tòa? Thậm chí, có bị cáo mức án được đề nghị còn nhẹ hơn cả khung hình phạt đã quy định.

Nguyên tắc suy luận vô tội là cần thiết, nhưng trước tòa, công lý phải được tôn trọng, và không vì nguyên tắc ấy mà làm giảm đi sự nghiêm minh của pháp luật. Cho nên, trong trường hợp này, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cấp quản lý cao hơn để làm rõ, vì sao có đến 5 bị cáo được hưởng mức án như vừa nêu?

Kiến nghị

Việc ra quyết định mức hình phạt thích đáng đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm là nhằm bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử vụ án công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần răn đe tội phạm, giáo dục ý chức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Làm được như vậy là để đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra rất gay go, quyết liệt, phức tạp hiện nay và cũng là để thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với hoạt động tư pháp là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”,

Tuy nhiên, kết quả tuyên án chưa đáp ứng kỳ vọng về một bản án công tâm, có sức răn đe.

Các luật sư đồng tình kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tư pháp Trung ương sớm tiếp tục vào cuộc để xem xét, kiểm tra, làm rõ những vấn đề đặt ra từ bản án xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn.

Tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm đối với kẻ phạm tội, điều đó sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

>> Xem clip: Tuyên án bầu Kiên ngày 9/6/2014

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại