Ở trại giam, nhớ về Tết tự do

Đức Hà |

Trong ký ức của phạm nhân đang tuổi vị thành niên, cái Tết là những hình ảnh đôi nam nữ trong lễ hội ném còn, là tình cảm, tình yêu trai gái.

“Mấy hôm nay em cứ trằn trọc không ngủ được, chỉ vài ngày nữa thôi, em được ra trại rồi”, Giàng A Nam (SN 1998, quê Điện Biên) bộc bạch trong niềm vui.

Với mức án 30 tháng tù giam về tội Cướp tài sản, Nam đã 2 năm phải ăn Tết trong trại giam. Trò chuyện với phóng viên, ban đầu Nam giữ thái độ rụt rè, trả lời lý nhí.

Nam bảo: “Sự việc diễn ra lâu rồi, giờ em không còn nhớ nữa. Em biết em sai rồi”.

Có lẽ, Nam muốn quên quá khứ, cậu bé cố lảng tránh những câu hỏi liên quan đến vụ cướp tài sản xảy ra vào giữa năm 2013.

Vào tháng 6/2013, sau bữa nhậu với người bạn lớn tên Tình, khi ngà say, Tình rủ Nam đi cướp tài sản lấy tiền tiêu xài.

Với cái tính bồng bột của tuổi trẻ, lại được hơi men thúc đẩy, Nam đồng ý theo đàn anh. Cả hai chuẩn bị hai thanh gỗ cứng xông vào khu nhà trọ của học sinh.

Tình dùng gậy gỗ đánh bị hại, Nam hùa theo dùng gậy uy hiếp. Phi vụ đó, Nam và Tình cướp tiền và 4 điện thoại với tổng giá trị lên đến 4 triệu đồng.

Ngay sau đó, Tình bị bắt, đến tháng 11/2013, Nam ra đầu thú. Mức án dành cho Tình là 7 năm tù, Nam lĩnh án 30 tháng tù giam.

Tâm sự về tâm trạng của mình, Nam bảo, hơn 2 năm thụ án, em đã thấm được hành vi tội lỗi của mình gây ra.

Gia đình nghèo, bố mẹ làm nông, nhà lại đông anh em nên từ khi vào tù, chưa một lần bố mẹ Nam đủ điều kiện xuống thăm con.

“Cái thiệt lớn nhất là về tình cảm, cứ mỗi độ Tết đến, nhìn một số phạm nhân cùng phòng có người thân đến thăm, mang quà, em lại ngậm ngùi”, Nam trầm tư.

Đối với Nam, hồi ức về cái Tết rất vui. Nam kể, đêm giao thừa, em cùng gia đình bạn bè đi chúc Tết người thân, hàng xóm.

Sau ngày mùng 1, cũng là bắt đầu dịp lễ hội, Nam cùng bạn bè đến các xã bên chơi ném còn. “Vui lắm anh ạ”, Nam thốt lên khi đoạn phim ký ức cứ chầm chậm quay về.

Nam bảo, mỗi lễ hội các đôi nam nữ trong bộ đồ dân tộc sặc sỡ, Nam không có áo mới nhưng cậu ta cũng chải chuốt một bộ đồ đẹp để cùng thanh niên trong xã đi dự hội ném còn.

Mỗi hội, Nam ném còn với 2-3 cô gái. “Chúng em vừa ném còn, vừa tâm sự”. Rồi cũng chính từ những lễ hội ném còn, Nam có bạn gái.

Nam bẽn lẽn: “Bạn gái ít hơn em 1 tuổi, rất xinh”. Sau thời gian tìm hiểu, hai đứa tính chuyện lập gia đình.

“Em đã xin bố mẹ cho làm đám cưới nhưng gia đình bảo hai đứa còn trẻ, chưa thể kết hôn”, Nam kể.

Đang từ tâm trạng hứng khởi, bỗng giọng Nam chùng xuống hắn. Hai năm ở trại giam, Nam mất quá nhiều, mất mát tình cảm người thân và nhất là người bạn gái của mình.

Nam nói giọng tiếc nuối: “Chắc bây giờ cô ấy đã đi lấy chồng”.

Quay lại với cuộc sống hiện tại trong trại giam, Nam cho biết, ở đây, cậu học được rất nhiều thứ, từ ý thức kỷ luật, lao động và học làm người.

Nam cho hay, ở trại cậu không phải học chữ vì cũng đã biết đọc, biết viết, nhưng: “Em hay viết sai chính tả lắm”, Nam cười bẽn lẽn.

Giờ Nam đang tính từng giờ, từng phút để được ra trại, quay lại hòa nhập với cuộc sống xã hội.

“Dự định đầu tiên của em sau khi ra trại là tìm cho mình một việc làm, và nhất là lại được tham gia các lễ hội ném còn ở quê hương”, Nam bộc bạch.

Một cán bộ trại giam Suối Hai (Hà Nội) cho biết, đối với những phạm nhân đang ở tuổi vị thành niên, đa số hành vi của họ là bột phát, quay lại cuộc sống, lại được giáo dục về pháp luật tốt, họ sẽ hướng thiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại