Hầu hết khi bị bắt giữ, họ đều dấm dúi khóc, đều lấy một lý do chung để biện minh cho hành động của chính mình là vì thù đời, vì muốn những người khác cũng phải trải qua cảnh khốn khổ của mình.
Tuy nhiên, ít ai nói đến một lý do lớn hơn cả mà nhiều người đều nhận ra, đó chính là sự mê hoặc của đồng tiền được kiếm một cách nhẹ nhàng.
Nạn nhân của tình thân
Một nạn nhân của nạn buôn người kể lại chuyện bị lừa bán
Lý do để giải thích cho sự hoành hành của loại tội phạm buôn bán con người ở những huyện miền núi dường như ở đâu trên khắp các tỉnh thành của nước ta đều giống nhau. Tất cả bắt đầu từ sự thiếu hiểu biết và kinh tế khó khăn của người dân.
Đã có những sơn nữ may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình để có thể vạch trần những kẻ đã bán mình vào động quỷ, nhưng cũng có những kẻ sống lâu trong chốn ấy mà sớm có tư tưởng “sống chung với lũ” để tích lũy kinh nghiệm lừa lọc nhằm sau này có thể đưa chân theo con đường buôn bán chỉ bằng miệng lưỡi mà lời gấp bội ấy.
Điển hình cho những đối tượng kiểu này phải nhắc đến đối tượng Lữ Thị Quan (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An).
Quan cũng từng đã có vẻ đẹp tinh khiết mặn mà như đóa hoa rừng vào độ bung nở. Thế nhưng, cái đói đã sớm khiến Quan mụ mị đi theo lời dẫn dụ của những kẻ buôn người.
Trước đó, sau khi ly dị với người chồng đầu tiên ở cái tuổi mới ngoài 20, Quan bỏ đi tìm kiếm vận may rồi gặp Lữ Thị Mai là con gái của anh trai Quan đã lấy chồng ở Trung Quốc mới về thăm nhà.
Lấy lý do nghĩa tình ruột thịt, cám cảnh thân chị sớm nửa đường đứt gánh, lại một thân lang bạt chưa biết về đâu, Mai vẽ ra trước mắt Quan một tương lai sáng lạng ở Trung Quốc.
Tin tưởng Mai, Quan đồng ý theo chân cô con gái anh trai sang Trung Quốc “làm ăn” với nghề nghiệp là osin. Đặt chân đến Trung Quốc, thu nhập thấp nên Mai đành phải gá nghĩa với một người đàn ông Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi đã chán chê người chồng thứ 2 này, thì Quan mới biết việc Mai đã bán Quan cho người chồng hiện tại với giá 1,7 vạn nhân dân tệ.
Biết được sự thực đó, thay vì thù hận tìm cách thoát ra khỏi gông cùm thì Quan bắt đầu chấp nhận và làm quen với cuộc sống mới.
Sau một thời gian, nhận được sự tin tưởng của chồng, Quan được trở về thăm lại quê nhà, tại đây sau khi đã tạo cho mình vỏ bọc của một người thành đạt, có cuộc sống mơ ước ở xứ người, Quan bắt đầu đon đả mời chào những sơn nữ quê mình sang đó làm ăn.
Bằng miệng lưỡi giảo hoạt của mình, Quan đã dụ dỗ được ba sơn nữ là: Lữ Thị Hiền (SN 1993), Vi Thị Phú (SN 1990) và Lữ Thị Hà (SN 1992), tất cả đều trú tại bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh.
Khi Quan đang hí hửng đem theo 3 nạn nhân vừa mới lừa phỉnh được đến miền đất hứa, thì tổ chuyên án kịp thời giải cứu ba nạn nhân đang ngơ ngác không hiểu lý do gì.
Quan đã phải khai nhận hành vi của mình, tuy nhiên thị cũng không quên sử dụng lá chắn chính là vì hận cuộc sống bạc bẽo của mình nên mới hành động như thế. Lý do gì đi nữa, luật pháp vẫn không thể dung tha cho tội ác đã hình thành của thị.
Mẹ mìn từng là gái bán dâm
Giống như Quan, Đặng Thị Cúc trú ở xã Vinh Quang, huyện Ân Thi tỉnh Hưng yên cũng từng là nạn nhân của một vụ lừa bán phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, số phận của Cúc còn bi đát hơn Quan nhiều khi thị bị lừa bán vào một động mại dâm, bị các đối tượng ở đây biến thành nô lệ tình dục để kiếm tiền trên thân xác của những cô gái tội nghiệp.
Kẻ đã đẩy Cúc vào chốn này là tên Nguyễn Văn Dũng (trú tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) lừa bán sang Trung Quốc khi Cúc mới tròn 18 tuổi, đó là vào tháng 8/2004. Chịu chung số phận với Cúc còn có Nguyễn Thị Hiền (Bắc Giang) và Khả Thanh Mai (Hoà Bình).
3 tháng sau đó, nhân cơ hội không bị các đối tượng chăn dắt để ý, Cúc đã nhanh chóng trốn được về Việt Nam.
Gặp lại Dũng, kẻ đã lừa bán mình trước đây, thay vì báo CA để lật mặt kẻ lừa đảo, thì Cúc lại hợp tác với Dũng để lừa bán những cô gái khác theo con đường mà mình đã từng bị miễn cưỡng bắt đi.
Tháng 1/2005, Cúc trở lại quê, rồi lừa được Hoàng Thị Thêm và Phạm Thị Din để bán sang Pò Chài (Trung Quốc) lấy 8 triệu đồng.
Thấy việc kiếm tiền khá dễ dàng, Cúc càng hăng hái đi tìm người để lừa, đối tượng mà Cúc hướng tới vẫn là những em có tuổi đời nhỏ, trọng tâm là từ 14-18 tuổi. Nạn nhân tiếp theo của Cúc là em Tuyết và Hà.
Trước đó, Cúc đã phối hợp với một thanh niên tên Cường làm nghề xe ôm ở bến xe phía Nam Hà Nội lân la làm quen được với Tuyết và Hà. Lấy cớ đưa hai em lên biên giới mua sắm, ngày 3/1, Cúc đưa hai cô đến cửa khẩu Tân Thanh.
Tại đây, Cúc tiếp tục nói dối các nạn nhân là qua Phò Chài lấy tiền của người bạn (thực chất là má mì Huệ) để mua quần áo. Ngoan ngoãn nghe lời, hai cô bé đang tuổi lớn không hề hay biết mình đã bị bán cho má mì Huệ để thị “khai thác tình dục”.
Hành vi của Cúc chỉ bị phanh phui khi CATP Hà Nội nhận được đơn tố cáo của Tuyết (một nạn nhân của Cúc). Ngày 6/2, Cúc bị bắt, sau đó thị đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù về tội "Mua bán trẻ em".
Trong danh sách những má mì từng có lý lịch là nạn nhân bị lừa bán còn phải kể đến đối tượng Nguyễn Thị Dân (SN 1972, Việt Yên, Bắc Giang).
Trước đó, vào những năm 90 Nguyễn Thị Dân đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm. Sau một thời gian “sống chung với lũ” Dân đã tích lũy được một vốn liếng kha khá cả về tiền bạc lẫn độ chai lỳ, lọc lừa để mở một quán cơm bình dân.
Từ đây, Dân bắt đầu thiết lập các mối quan hệ để chuẩn bị cho mục đích chính của mình đó chính là thiết lập đường dây lừa bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc làm giá mại dâm.
Từ tháng 1/2005 đến tháng 4/2006, Dân đã thực hiện trót lọt hàng chục phi vụ mua bán phụ nữ, trẻ em với khoảng 19 người, trong đó 13 người bị Dân bán lại cho các đối tượng khác, số còn lại Dân đào tạo thêm để phục vụ cho quán cơm trá hình của mình.
Đến ngày 13/8, CA tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sau khi nhận được lời đề nghị từ phía CA Hà Nội đã thực hiện việc bắt và di lý Nguyễn Thị Dân (lúc đó thị 35 tuổi) về Việt Nam.
HĐXX đã quyết định tuyên mức án tù chung thân đối với Nguyễn Thị Dân về tội mua bán trẻ em và 20 năm về tội mua bán phụ nữ, tổng cộng hình phạt mà thị phải chịu là chung thân.
Theo PNtoday