LTS: Những vụ án đau lòng xảy ra trong gia đình khiến người phải chết, kẻ phải đền tội nhưng những đứa con thì sống sao với một kí ức đau đớn và dữ dội từ thảm kịch ấy? Loạt bài "Những đứa trẻ sau thảm án" đã tìm về với các em để hiểu hơn về điều đó.
Đoạt mạng chồng là hành động không thể chấp nhận được và chính người đàn bà đó cũng phải chịu một bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi người đàn bà vào tù thụ án, mặc cho gia đình chồng không tha thứ, khuyên các cháu lánh xa mẹ thì hai người con vẫn một mực "sống chết" không bỏ mẹ một mình nơi trại giam.
Đoạt mạng chồng bằng 9 nhát kéo vì bị bạo hành
Bi kịch xảy ra vào sáng ngày 29/7/2012. Hôm đó, bà Minh đi chợ bán chuối, đến 12 giờ cùng ngày mới về đến nhà. Vừa thấy bóng vợ, ông H. đã buông lời chửi bới, đuổi vợ đi. Vốn đã quá quen với cảnh này nên bà Minh cố nín nhịn.
Bà bỏ cơm, trải chiếu ra nền nhà ngủ. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, ông H. tiếp tục chửi bới vợ, khiến bà Minh phải lánh sang nhà cô ruột ở gần đó. Khoảng 20 phút sau, nghe thấy có tiếng đập phá đồ đạc ở nhà mình, bà Minh tất tả chạy về.
Cảnh tượng trước mắt bà lúc đó là người chồng trong cơn điên loạn đang cầm búa đinh đập phá cây phơi quần áo ở ngoài sân, làm quần áo rơi hết xuống đất. Nhẫn nhịn nhặt đồ lên, bà Minh cố van xin chồng không đập phá nữa.
Vậy nhưng ông H. không chịu dừng tay. Rồi ông ta vào nhà, lấy chiếc đèn dầu trên bàn thờ đem ra sân, đổ dầu vào đống quần áo và châm lửa đốt.
Bao nhiêu vậy chưa đủ, người chồng vũ phu còn lao vào đánh đập vợ. Bị chồng đánh, bà Minh chỉ biết ôm bụng kêu khóc.
Và khi những nín nhịn đã đến tận cùng, đột nhiên, bà Minh chạy xuống nhà ngang, vớ chiếc kéo, vung lên đâm chồng tổng cộng 9 nhát vào ngực. Khi chồng bỏ chạy ra cổng, bà Minh vẫn tiếp tục cầm kéo đuổi theo chồng.
Thấy ông H. ngã gục, miệng vẫn không ngừng chửi bới vợ bằng những lời lẽ khó nghe, bà Minh lao đến đâm thêm nhiều nhát vào người chồng. Khi chồng gục bên vũng máu, bà Minh sực tỉnh, dừng tay, nhưng tất cả đã quá muộn.
Bà thất thểu cầm kéo đi về nhà, vứt hung khí vào đống quần áo mà chồng đốt đang cháy ở sân, rồi đến cơ quan công an đầu thú. Về phần ông H., dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng do vết thương quá nặng, bị thủng gan, mất máu cấp nên đã tử vong.
Ngày bị đưa ra xét xử tội " Giết người ", đôi mắt bà sưng mọng vì khóc. Thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, người đàn bà bất hạnh nức nở xin các con tha thứ cho tội lỗi mà mình đã gây ra.
Với nhận định, bị hại cũng có lỗi một phần, HĐXX đã tuyên phạt bà Minh mức án 7 năm tù giam.
Tình mẫu tử xóa tan ngọn lửa thù hận
Về đến đầu xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội, chúng tôi hỏi thăm địa chỉ nhà người đàn bà Đỗ Thị Minh (sinh năm 1963) năm xưa giết chồng là Nguyễn trung H. (sinh năm1958) không ai là không biết bởi sự việc này được người dân nơi đây cho rằng "nghìn năm có một".
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phượng (63 tuổi, chị gái họ của Minh) cho biết, sau khi bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về hành vi Giết người, em gái bà bị đưa vào trại giam số 5, Thanh Hóa thụ án.
Chính bà cũng không ngờ có ngày em gái lại ra tay tàn độc với chồng như vậy. Im lặng giây lát, bà Phượng lại tỏ ra thấu hiểu cho hành động của em.
"Ngày chưa xảy ra sự việc, không biết bao nhiêu lần cô ấy khóc tức tưởi, xuống nhà tôi nói rằng không thể chịu đựng thêm những trận đòn như đòn thù, chửi rủa, xúc phạm được nữa.
Rồi hai mẹ con cô ấy xin ngủ nhờ tại nhà tôi để sớm hôm sau chồng hết cơn say mới dám về rồi đùng một cái xảy ra cơ sự trên.
Ngày mới xảy ra sự việc, hai đứa con của cô ấy là Nguyễn Trung Học và Nguyễn Thị Diệu cũng hận mẹ lắm nhưng sau khi hồi tâm tỉnh lại, cả hai đều thấu hiểu, tha thứ cho mẹ.
Đến giờ, chúng nói mặc cho thiên hạ dị nghị hay họ nội lạnh nhạt, không tha thứ cho mẹ chúng thì chúng vẫn không bao giờ bỏ mẹ.
Nhất là đứa con gái, nó nói với tôi rằng "sống chết" thế nào nó cũng không bỏ mẹ vì hơn ai hết nó hiểu nguyên nhân mà mẹ nó làm như vậy bởi đã bị bố nó hành hạ, đánh đập, xúc phạm hàng trăm, nghìn lần và nhiều lần say rượu chính bố nó cũng dọa giết mẹ nó", bà Phượng kể.
Nhìn ra phía đằng xa, nơi chỉ có những đám mây mù mịt, bà Phượng kể thêm về cuộc sống của những đứa cháu mình hiện tại. Người cháu lớn của bà là Nguyễn Trung Học đã có gia đình .
Vợ Học là chị Nam. Hai vợ chồng đã có một con gái và hiện chị Nam đang mang thai đứa thứ hai. Cuộc sống của vợ chồng cũng không lấy gì làm khá giả khi vẫn sống trong ngôi nhà mái ngói cũ của bố mẹ ngày xưa được ông nội xây cho.
Người cháu thứ hai là Nguyễn Thị Diệu, hiện cũng đã lập gia đình trên Hà Đông, có một cô con gái. Cuộc sống gia đình khá giả hơn so với anh trai.
"Nhiều lần, cháu Diệu nói với tôi, trước thì giận đấy nhưng giờ sống chết gì thì cháu nó cũng không bỏ mẹ. Cháu nó vẫn thường xuyên lên thăm và tiếp tế, động viên mẹ cải tạo tốt để sớm được về với con cháu.
Còn riêng về phần Minh thì nhiều lần viết thư về nhà mẹ đẻ và viết thư cho tôi. Trong thư cô ấy cũng nói cố gắng cải tạo để về với gia đình và các con.
Cô ấy cũng nói lời xin lỗi gia đình hai bên và nói sau khi ra tù sẽ về chăm sóc, chuộc lỗi với bố chồng bằng cách chăm sóc ông cả đời", bà Phượng kể.
Trò chuyện với chúng tôi khi chồng đi làm chưa về, chị Nam – vợ Học cho biết, chuyện quá khứ đau lòng xảy ra, vợ chồng chị không muốn nhắc lại. Hiện vợ chồng chị vẫn thỉnh thoảng lên thăm mẹ mỗi khi trong nhà khi có điều kiện.