Trong phần đối đáp tại tòa, luật sư Tám – người bảo vệ cho quyền lợi của Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp tục cho rằng, trong quá trình xét xử đã xuất hiện các tình tiết mới nhưng cơ quan công tố hoàn toàn chưa có ý kiến trả lời trong phần đối đáp của mình.
Theo luật sư Tám thì tại phiên tòa ngày 17/1, đại diện Ngân hàng ACB đã cung cấp “Giấy xác nhận số dư tài khoản” của ông Phạm Công Hoàng (một trong số các nhân viên được ACB ủy quyền gửi tiền tại VietinBank). Giấy này do bà Nguyễn Thị Ngân – Phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM ký tên và đóng dấu của VietinBank, có nội dung xác định đến ngày 21/12/2013 số dư tài khoản của ông Hoàng là 950 triệu đồng.
Nội dung tờ giấy cũng đề nghị ông Hoàng xác nhận số dư nêu trên và gửi lại cho VietinBank trước ngày 15/1/2014, và nếu quá thời hạn trên mà VietinBank không nhận được xác nhận của ông Hoàng thì mặc nhiên số dư trên là chính xác.
Theo vị luật sư, điều này cho thấy: “Khi cấp trên của VietinBank đang tìm cách giấu đầu thì cấp dưới (VietinBank chi nhánh TP.HCM) vẫn làm VietinBank bị hở đuôi”. Bởi trước đó trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện của VietinBank luôn cố gắng chứng minh là tiền gửi cũng như tiền vay của ACB không được chuyển vào tài khoản, không được hạch toán trong hệ thống của VietinBank, và cho rằng Như đã chiếm đoạt số tiền này.
“Chúng tôi chưa thấy đại diện VKS trong phần đối đáp có đề cập, có xem xét để làm rõ chi tiết này”, luật sư Tám thắc mắc.
Ông cũng khẳng định, giấy xác nhận nợ (xác nhận khoản tiền này trong tài khoản của VietinBank chi nhánh TP.HCM) là một chứng cứ vật chất không thể bác bỏ, từ đó suy ra “các kết luận của cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát về số tiền bị chiếm đoạt cho đến thời điểm này là hoàn toàn không chính xác”, và thực tế tiền đã vào tài khoản của VietinBank và được Ngân hàng này quản lý.
Từ “Giấy xác nhận số dư tài khoản” nêu trên, luật sư Tám tiếp tục đối đáp, theo ông thì VKS cho rằng Huyền Như đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền 718 tỉ của ACB, nhưng qua trường hợp của ông Hoàng có thể thấy VietinBank đang giữ lại 950 triệu đồng.
Số tiền Huyền Như chiếm đoạt nhỏ hơn thực tế?
Từ đó vị luật sư đặt câu hỏi: “Một người đã như thế thì với 16 người còn lại cũng ký với VietinBank cùng công thức như vậy, cùng tỉ lệ cho vay như vậy thì số tiền còn lại là bao nhiêu?”, và ông cho rằng: “Câu hỏi này hoàn toàn chưa được giải đáp”.
Cũng theo luật sư Tám thì tiền bảo đảm trong tài khoản bao giờ cũng lớn hơn khoản tiền mà VietinBank đã cho Huyền Như vay (đối với các hợp đồng tín dụng), vì vậy nếu làm một phép trừ thì các khoản chênh lệch còn lại chắc chắn sẽ còn trong tài khoản của các cá nhân ACB tại VietinBank.
“Chúng tôi nghĩ rằng Huyền Như cũng đang bị oan ức, bởi lẽ Huyền Như không lấy của VietinBank 718 tỉ đồng (…) mà số tiền VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt thấp hơn so với số tiền bị quy kết trong bản cáo trạng”, luật sư Tám lập luận.
Kết thúc phần đối đáp luật sư Tám cho biết ông thấy rất tiếc "bởi trong quá trình tham gia vụ án này chúng tôi đã đặt tới 18 câu hỏi nhưng không được trả lời”.
Ông cũng khẳng định: “Nếu tại phiên tòa này VietinBank vẫn tiếp tục không cung cấp các tài liệu, số liệu theo những câu hỏi chúng tôi đặt ra như trường hợp của ông Phạm Công Hoàng, thì chúng tôi có quyền nghi ngờ và có quyền đánh giá rằng VietinBank đang cố tình giấu diếm nhằm mục đích biển thủ các số tiền còn lại của ACB”.
VietinBank âm thầm sửa thông tin trên web?
Trong phần bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Navibank, luật sư Trương Thanh Đức đã đưa ra thông tin khiến nhiều người tham dự phiên tòa phải bất ngờ trước sự tỉ mỉ của vị luật sư này.
Theo đó vào ngày 16/1, trong phần ý kiến bảo vệ thân chủ của mình, luật sư Đức đã lấy chính lợi ích đầu tiên trong số 10 lợi ích được VietinBank đề cập tại phần “Dịch vụ tài khoản” (được ghi rõ trên website chính thức của VietinBank) là “Tiền trên tài khoản của quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn chính xác và bảo mật” để phản bác lại lập luận “ngân hàng không quản lý tài khoản của khách hàng” được đại diện Vietinbank đưa ra trước đó.
Tuy nhiên theo vị luật sư này, sau đó đoạn này đã nhanh chóng được sửa chữa thành “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”. Tức VietinBank đã thay “tài khoản của quý khách” bằng “tài khoản của doanh nghiệp”. Trước đây VietinBank cam kết “quản lý an toàn” thì bây giờ VietinBank bỏ chữ “quản lý”. VietinBank cũng bỏ từ “chính xác” tức tài khoản của doanh nghiệp chỉ có an toàn và bảo mật, điều đó có nghĩa là từ giờ trở đi không còn được “quản lý” và “chính xác” nữa”.
Ông cũng cho biết: “Tôi đã chụp lại tất cả các màn hình”.
Trong khi đó, tại phần bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc (bị chiếm đoạt 170 tỉ) sau đó, luật sư Vũ Viết Vạn Xuân lại “khuyên” VietinBank nên đổi khẩu hiệu (slogan).
* Tất cả số tiền trong bài đã được làm tròn thành số chẵn.