Huỳnh Thị Huyền Như có "người bí mật" giúp sức lừa đảo?

Là phụ nữ, nhưng Như "tung chiêu" lừa đảo, chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân. Liệu có nhân vật bí mật nào đứng sau "giúp sức"?

"Nữ quái" Huyền Như là nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi?

Luật sư đầu tiên bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như là luật sư Nguyễn Tiến Hùng (đoàn luật sư Hà Nội). Luật sư này cho rằng, đề nghị của Viện Kiểm sát đối với Như mức án chung thân và hành vi lừa đảo tinh vi là chưa thỏa đáng. Ông cho rằng, thông qua đơn yêu cầu của ngân hàng Vietinbank thì vụ án mới được điều tra và đưa ra xét xử. Trong quá trình này, Như đã thành khẩn khai báo, giao nộp các tài liệu chứng cứ, giúp cơ quan điều tra làm rõ nhiều vấn đề của vụ án.

 

 - Ảnh 1

Huỳnh Thị Huyền Như có là "nạn nhân" của vụ siêu lừa?

Không chỉ thế, trong quá trình công tác, Như là một nhân viên xuất sắc, bản thân bị cáo chưa từng có tiền án, tiền sự và đang nuôi con nhỏ. Từ điều này, luật sư đề nghị cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Cũng theo luật sư này, Viện Kiểm sát (VKS) truy tố Như hành vi làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức là chưa đúng. Bởi, chính các con dấu, hồ sơ giả là công cụ phục vụ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, không thể buộc bị cáo cùng một lúc phải chịu hai lần án vì một hành vi. Luật sư đề nghị bác bỏ truy tố làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức.

Luật sư Hùng cho rằng, trong vụ án này, tất cả bị cáo, bị hại chỉ là nạn nhân của lòng tham và sự cả tin. Nhiều bị cáo không nhận được bất kỳ lợi ích nào và không thấu hiểu được hậu quả có thể xảy ra. Các bị hại đều bị chiếm đoạt tài sản bởi lòng ham muốn thu về những khoản lợi kếch xù, sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc cơ bản nên Như mới dễ dàng qua mặt. Bên cạnh đó, Như cũng là một nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi. Phí vay và phải trả chênh lệch rất nhiều, mất vào các cá nhân cho vay nặng lãi lên đến hơn 2.600 tỷ đồng.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Ngoan (đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, Như là "siêu lừa" nhưng thực chất, phía sau vụ án, không hẳn bị cáo là người hưởng lợi. Do nợ nần, vay tín dụng đen, nhiều khi, Như phải trả lãi đến 3,7% một ngày, cao hơn mức lãi suất quy định của ngân hàng Nhà nước cùng thời điểm. Luật sư cho rằng, bị cáo đã không lường hết hành vi của mình, mô hình mình đang thực hiện sẽ gây nguy hiểm cho xã hội nên đã vi phạm pháp luật.

 - Ảnh 2

Nữ đại gia xinh đẹp Nguyễn Thiên Lý này cũng là chủ nợ của Huyền Như.

Luật sư bào chữa, trong quá trình diễn ra phiên tòa, Như đã nhận thức hành vi sai trái của mình, ăn năn hối cải. Trong quá trình điều tra vụ án, bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo giúp cơ quan công an làm rõ vụ án, nhanh chóng kết thúc hồ sơ. Luật sư nêu ra hàng loạt tình tiết giảm nhẹ của Như như nhân thân tốt, không tiền án tiền sự, trong quá trình điều tra, ngoài các tài sản của bị cáo bị kê biên, bị cáo đã tự nguyện nộp 8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả. Gia đình bị cáo có truyền thống cách mạng, cha và mẹ đều tham gia kháng chiến từ năm 1963.

Luật sư đặc biệt nhấn mạnh, hoàn cảnh bị cáo khó khăn. Khi bị bắt, bị cáo đang mang thai 5 tháng tuổi, sinh con trong trại giam. Hiện nay, con bị cáo vẫn sống chung với mẹ ở trong trại giam, tương lai cháu bé mờ mịt, thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của mẹ. Bà ngoại đã già, lại phải cưu mang hai đứa con của chị gái Như, Huỳnh Thị Mỹ Hạnh cũng là một bị cáo trong vụ án. Từ những điều trên, luật sư Ngoan đề nghị cho bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ cùng một lúc, mức án nhẹ dưới mức đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM để bị cáo có cơ hội tái hòa nhập xã hội, tự ăn năn sám hối và có cơ hội thực hiện thiên chức làm mẹ.

Có nhân vật bí mật nào đứng sau giúp sức?

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật ngoài hành lang phiên tòa, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (đoàn luật sư TP.HCM) cùng bào chữa cho Như cho rằng, mỗi ngân hàng đều có quy trình kiểm soát riêng nhưng trên thực tế, khâu quản lý và kiểm soát tín dụng của Vietinbank quá lỏng lẻo. Hay nói cách khác sơ hở của hệ thống quản trị rủi ro tại ngân hàng này chính là môi trường tạo ra các hành vi phạm tội của Như. Mọi chứng từ, và chữ ký giả vẫn dễ dàng lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều nghìn tỷ đồng đã được chuyển đi và rút ra một cách dễ dàng. Các hoạt động rút tiền của Như không gặp trở ngại nào. Luật sư cho rằng, đây mới chính là nguyên nhân chính giúp Như thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản.

Luật sư nhấn mạnh rằng HĐXX xác định yếu tố khách quan tác động đến ý thức chủ quan và hành vi phạm tội của bị cáo Như chính là công tác giám sát nội bộ của Vietinbank. Cơ cấu tổ chức bộ máy và dây chuyền hoạt động, các đại diện của các văn phòng, chi nhánh hoạt động như thế nào mà để Như có thể lũng đoạn được cả dây chuyền như thế mà cả dây chuyền nhân viên cũng không thể phát hiện ra được?

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Thoại, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại TP.HCM nhận định: "Với vốn kiến thức và kinh nghiệm cũng như uy tín bản thân, Như hoàn toàn có thể lừa đảo, chiếm đoạt được số tiền lớn. Tuy nhiên, với số tiền 5.000 tỷ thì chắc chắn phải có các cá nhân bí mật hỗ trợ cho Như. Thêm vào đó Như chỉ là một phó phòng quản lý rủi ro, một trưởng phòng giao dịch cho một chi nhánh của Vietinbank, có "ba đầu sáu tay" cũng làm sao qua mặt được tất cả các lãnh đạo cấp trên của Như tại Vietinbank? Sự minh bạch của các chứng từ, hóa đơn không thể đổ cho sự tin tưởng của uy tín cá nhân một người. Tôi cho rằng một phần trách nhiệm thuộc về lãnh đạo của ngân hàng Vietinbank tại TP.HCM, đã để thất thoát một lượng tiền quá lớn của khách hàng".

Trách nhiệm liên đới của các bên liên quan trong vụ này là quá rõ. Một đại diện VKS TP.HCM cho biết, vừa có kiến nghị khởi tố bổ sung đối với những người cho vay nặng lãi trong vụ án, khởi tố bổ sung hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Thị Tố Quyên có hành vi giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền của VIB. Đồng thời kiến nghị các cơ quan tố tụng Trung ương xem xét trách nhiệm hình sự của bà Vũ Hồng Hạnh (nguyên Giám đốc công ty chứng khoán Phương Đông), có dấu hiệu làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Hạnh là người đã ký 7 lệnh chi, dù biết đây là hành vi sai trái của Như, nhưng không ngăn cản mà còn đồng lõa để Như chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Kiến nghị khởi tố trách nhiệm hình sự lãnh đạo Vietinbank TP.Hồ Chí Minh

Ở một diễn biến khác, VKS cũng đồng thời kiến nghị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Minh Hương (Phó giám đốc Vietinbank TP.HCM và ông Trương Minh Hoàng (phó giám đốc Vietinbank TP.HCM) đã ký các hợp đồng tiền gửi cho các nhân viên của ACB và Navibank, nhưng không kiểm tra, giám sát các hợp đồng đã ký, để Huyền Như chiếm đoạt số tiền của ACB và Navibank.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại