Ngày 19-12, phiên xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần thẩm vấn liên quan đến việc cho vay của VietinBank.
Trong vụ án này có chín bị cáo thuộc hai phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng của VietinBank bị xét xử về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Từ đây sẽ rõ đồng tiền từ tài khoản của các khách hàng trong VietinBank đã được giải ngân vào túi của Huyền Như như thế nào.
“Chỉ cần nghe giọng Huyền Như là ok”
Tại phiên xử, Huyền Như thừa nhận đối với những trường hợp Như cầm cố thẻ tiết kiệm của nhân viên ACB và NaviBank tại Phòng giao dịch VietinBank Đinh Tiên Hoàng không đảm bảo quy định của ngân hàng này.
Các bị cáo đồng nghiệp của Như phải ra tòa là do khi đề xuất cho vay, ký duyệt đề xuất cho vay, duyệt cho vay và giải ngân, các bị cáo đã bỏ qua các bước quy trình hồ sơ nghiệp vụ.
Theo đó, các bị cáo này đã thực hiện các khâu khi không có mặt người vay, không có mặt người bảo lãnh để làm thủ tục ký tên vào hồ sơ cho vay, hồ sơ bảo lãnh của người có tài sản bảo lãnh, đối chiếu CMND của những người này.
Điển hình như Đoàn Lê Du (trưởng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, bị tòa sơ thẩm phạt 17 năm tù) nói mình không cố ý phạm tội. Nhưng Du xác nhận biết cái sai của bị cáo là giải ngân nhưng không gặp khách hàng.
Lý giải, Du nói: “Do Huyền Như là đồng nghiệp nên tạo lòng tin với bị cáo”. Du nói biết rõ các khách hàng này đều là của Như. Thẩm phán đặt câu hỏi: “Biết sai mà vẫn làm thì cố ý hay vô ý?”. Du ngập ngừng: “Dạ cố ý ạ!”.
Từ ngày 13-5-2011 đến tháng 10-2011, khi được Huyền Như đặt vấn đề giải quyết cho khách hàng của Như vay tiền (bằng hình thức thế chấp 37 thẻ tiết kiệm mang tên 12 nhân viên của ACB và NaviBank) mà khách hàng không có mặt, Du đã chỉ đạo nhân viên lập 51 hồ sơ tín dụng đứng tên 16 cá nhân, vay tổng cộng 240 tỉ đồng.
Ban đầu Du kêu oan đổ lỗi cho các nhân viên NaviBank và ACB. Khi HĐXX công bố bút lục là bản tường trình của Du cho thấy chỉ cần nghe điện thoại, nhận ra giọng của Huyền Như nói: “Cưng, tất toán đi, sắp bị phong tỏa rồi đấy” là Du thực hiện các hợp đồng dù không có mặt khách hàng, không trình CMND.
Từ đó, tòa khẳng định Du biết rõ và chắc chắn khoản nào cần tất toán dù việc làm này là sai quy trình và vi phạm quy định cho vay. Cuối cùng Du thay đổi kháng cáo là xin giảm án.
“Sếp bảo làm theo ý chị Như”
Tại tòa, Du còn “bật mí” thêm việc cho vay này không tự ý làm mà đã báo cáo lãnh đạo VietinBank Chi nhánh TP.HCM, các lãnh đạo chi nhánh đều biết rõ những khoản vay bất hợp pháp từ điểm giao dịch của Như chuyển sang.
Đáng chú ý, trong phần thẩm vấn, luật sư của bị cáo Trần Thanh Thanh (trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP.HCM, bị tòa sơ thẩm phạt 10 năm tù) tiết lộ tình tiết quan trọng.
Khi Thanh vừa được bổ nhiệm chức vụ trên được một ngày, Như muốn thực hiện việc vay vốn tại đây đã không cần liên hệ trực tiếp với Thanh. Để đề nghị, Như thông qua một sếp trên gọi xuống “yêu cầu” Thanh thực hiện.
Còn theo án sơ thẩm, Thanh đã chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay và người có tài sản bảo lãnh.
Như dùng thẻ tiết kiệm của một nhân viên ACB đem thế chấp vay tiền tại đây, ký giả chữ ký của người vay và người có tài sản bảo lãnh, chiếm đoạt 25 tỉ đồng.
Bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên phó Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank Chi nhánh TP.HCM, bị tòa sơ thẩm phạt 11 năm tù) kháng cáo kêu oan.
Tuy nhiên, các bị cáo khác cho rằng khi Tiên ký giải ngân thì có hồ sơ không có chữ ký của khách hàng và cả sáu hồ sơ vay đều không có chữ ký của người bảo lãnh. Sau khi giải ngân xong thì đưa cho Như ký hoàn tất hồ sơ vay.