Họ sống hạnh phúc bên nhau đã hơn 20 năm, có hai con trai, nhà cửa đề huề. Vậy mà bỗng dưng ông Đức đem vợ ném xuống sông…
Vào khoảng 10h sáng ngày 1/6/2013, trên đường đi làm về, anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1961) trú tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhìn thấy ông Đức chở bà Hiền bằng xe máy. Đến giữa cầu Đuống thì ông dừng lại, bế bà Hiền xuống, đặt tựa vào lan can rồi bất ngờ bế bổng bà lên ném xuống sông. Hoảng hốt, bà Hiền bám chặt vào lan can cầu kêu cứu. Ông Đức liền gỡ tay vợ ra, làm bà rơi xuống sông, trôi theo dòng nước.
Sự việc xảy ra quá nhanh khiến anh Dũng và những người qua lại cầu Đuống và thời điểm đó không kịp trở tay. Tin dữ bay về phường Giang Biên làm rúng động bà con dân phố, không ai có thể ngờ được một tổ ấm khiến nhiều người mơ ước như gia đình ông Đức, bà Hiền bỗng chốc nát tan vì hành động dại dột của người chồng.
Chúng tôi trở lại phường Giang Biên vào tháng 3/2014, sau khi TAND TP mở phiên toà xét xử ông Đức. Ông bị kết án tù chung thân. Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án mà người dân trong phường vẫn chưa hết bàng hoàng.
Người đi – đau lòng người ở lại
Bà con cho biết, thời trẻ bà Hiền là một cô gái đẹp và nhanh nhẹn. Gia đình bà với nhà ông Đức là chỗ hàng xóm thân quen. So với bà Hiền, ông Đức có phần “chìm” hơn, hiền lành và ngại va chạm với mọi người. Học hết cấp 2 bà Hiền ở nhà phụ bố mẹ lo kinh tế gia đình. Ông Đức làm công nhân nhà máy xe lửa. Khi 2 người nên duyên chồng vợ, là người nhanh nhẹn tháo vát bà Hiền trở thành trụ cột gia đình, quán xuyến mọi việc. Năm 2011, ông bà xây căn nhà mới 3 tầng khang trang trên mảnh đất bên nội “cắt” cho.
Dọn vào nhà mới chưa được bao lâu thì bà Hiền bất ngờ bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Suốt hơn 2 tháng bà điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, ông Đức luôn ở bên giường bệnh chăm lo cho vợ. Qua cơn nguy cấp, bà Hiền được bác sỹ chỉ định điều trị ngoại trú. Hai con của ông bà - đứa lớn đang học nghề (cơ khí), đứa nhỏ học lớp 8 phổ thông, ít có thời gian giúp mẹ, ông Đức tiếp tục cáng đáng mọi việc: đèo vợ đi châm cứu, sắc thuốc, nấu ăn… Là người quen “chân chạy” nay phải ngồi một chỗ, bứt rứt vì bệnh tật, bà Hiền trở nên “hay nói” trong khi ông Đức vốn đã quen được vợ chăm sóc, giờ vừa phải phục vụ vợ, vừa phải chịu đựng sự khó tính của bà, cũng thành ra trở tính, hay “bật lại” mỗi khi bị vợ chỉ đạo.
Tại phiên toà, ông Đức khai, sáng 1/6/2013 vợ chồng lời qua tiếng lại với nhau và bà Hiền có những hành động muốn tự sát. Hàng xóm nghe thấy tiếng bà hờn dỗi: “Không chăm sóc được tôi thì cứ mang ra sông mà vứt”. Vừa uống vài chén rượu, hơi men bốc lên đầu, ông Đức đến bên vợ nói sẽ “giúp” bà “được chết” rồi chở bà ra cầu Sông Đuống...
Chị Nguyễn Thị Thọ - P.Chủ tịch Hội phụ nữ phường Giang Biên - Tổ trưởng tổ dân phố số 1 cho biết, ngay sau khi án mạng xảy ra, chính quyền địa phương, hội phụ nữ đã đến giúp đỡ gia đình nạn nhân vớt xác bà Hiền. Tang lễ được tổ chức ngay trong đêm 2/6.
Đến nay, không chỉ thân nhân của ông Đức, bà Hiền mà nhiều người dân trong phường vẫn mong những lời ông Đức khai trước toà: “do thiếu hiểu biết pháp luật, không làm chủ được hành động vì uống rượu, nên “giúp" vợ “được chết” là sự thật, để ông có cơ hội được xem xét giảm án. Nhưng, ông Đức không thể thoát khỏi sự phán xét của pháp luật với tội danh Giết người.
Theo luật gia Nguyễn Thị Thăng - P.Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội luật gia TP. HN, “Mọi công dân buộc phải có ý thức về việc không được tước đoạt tính mạng của người khác, dù đó chỉ là hành động “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” - (Điều 101 – BLHS). Quyền sống của con người là bất khả xâm phạm. Pháp luật Hình sự của VN dành tới 29 điều (từ điều 93 đến điều 122) để quy định về việc xử lý các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, trong đó tội Giết người được định khung với hình phạt rất nặng - đến mức tù chung thân hoặc tử hình. Lý do “vì uống rượu, không làm chủ được bản thân” ông Đức nêu ra không giúp ông gỡ được tội lỗi. Điều 16 - BLHS quy định, “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu… thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Trong vụ án này, có thời khắc ông Đức có cơ hội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Điều 19 - BLHS - “Tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”), đó là khi bà Hiền kêu cứu. Lúc đó ông hoàn toàn có thể kéo bà lên mặt cầu. Nhưng, ông Đức chẳng những “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm” (vi phạm Điều 102 – BLHS), mà còn gỡ tay bà ra khỏi lan can, khiến bà rơi xuống sông. Hành vi này được xác định là lỗi cố ý - tức là ông quyết thực hiện ý định giết vợ đến cùng. Trong khi bà Hiền đang phải sống phụ thuộc vào chồng, thì hành động này còn chứng tỏ ông Đức giết bà Hiền “vì động cơ đê hèn” nhằm trốn tránh trách nhiệm với người vợ đang đau yếu.