Điều chưa biết về phiên tòa xử vụ ma túy lớn nhất Việt Nam

Trong phiên xử, 89 bị cáo đều bị xích chân tay, nếu dịch chuyển từ chỗ ngồi lên trước vành móng ngựa để trả lời phần kiểm tra căn cước thì phải mất đến 3 - 4 ngày.

Những kỷ lục của một đại án

Đã hơn nửa năm trôi qua, những ký ức về phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Bích Ngọc và 88 bị cáo khác về tội Mua bán trái phép chất ma túy và một số tội danh khác, luôn hiện hữu trong tâm trí thẩm phán Nguyễn Văn Vương - TAND tỉnh Quảng Ninh.

Vị thẩm phán này vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm khi ông và đồng nghiệp của mình bắt đầu nhận hồ sơ vụ án vào khoảng giữa năm 2013, nhưng sau đó hồ sơ lại được hoàn trả VKSND tỉnh Quảng Ninh cho đến cuối tháng 11/2013 mới thụ lý lại. Mặc dù trước đó đã được nghe trao đổi một số thông tin về vụ án, nhưng đến khi tiếp cận hồ sơ mới thực sự thấy hết được mức độ nghiêm trọng và phức tạp, thẩm phán Nguyễn Văn Vương tâm sự.

Các bị cáo trong phiên xét xử.
Các bị cáo trong phiên xét xử.

Ông Vương cho biết, từ năm 2006, Công an tỉnh Quảng Ninh cùng Công an Trung Quốc phối hợp triệt phá đường dây mua bán ma túy qua biên giới do Nguyễn Thị Bích Ngọc cầm đầu, thường xuyên vận chuyển heroin từ Lào qua các khu vực cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), Lao Bảo (Quảng Trị) vào Việt Nam. Sau đó, đường dây này xây dựng các chân rết để đưa ma túy về Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình tiêu thụ.

Căn cứ tài liệu thu thập được, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an tỉnh Quảng Ninh) làm rõ số người này này tiêu thụ trót lọt trên 25.000 bánh heroin, 500.000 viên ma tuý tổng hợp, 40 kg ma tuý dạng tinh thể đá. Mở rộng điều tra, đến tháng 8/2013, cơ quan điều tra có đủ tài liệu chứng minh những người trong đường dây của Ngọc đã tham gia mua bán, vận chuyển 32.000 bánh heroin.

Kết thúc giai đoạn điều tra thứ nhất, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố 125 bị can, trong đó có một số người hiện đang bỏ trốn. Những kẻ buôn bán cái chết trắng này hoạt động với thủ đoạn tinh vi, tính chất, hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.

Cùng với đó, một nhóm người có sự câu kết chặt chẽ giữa người trong nước với người nước ngoài, theo đường dây vận chuyển ma tuý từ Lào qua Việt Nam sang Trung Quốc. Với bản cáo trạng dài hơn 100 trang, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã nêu rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, đặc biệt là vai trò của bà trùm Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Theo đó, trong 89 bị can VKS truy tố có đến 34 người bị đề nghị với mức án tử hình. Đây cũng là những con số kỷ lục về bị cáo ra trước vành móng ngựa và án tử hình trong một vụ án, thẩm phán Nguyễn Văn Vương cho biết.

Thành công bằng bản lĩnh và trí tuệ

Chỉ vào 2 chiếc hòm tôn to còn giữ lại trong góc phòng làm... kỷ niệm, thẩm phán Vương cho biết, khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ ngồi “ghế nóng” điều hành đại án với hàng chục kg hồ sơ tiếp nhận từ VKS, ông đã phải đề xuất cơ quan trang bị dụng cụ để cất giữ. Theo đó, ông cùng đồng nghiệp phải tận dụng thời gian ngoài giờ và cả những ngày nghỉ để làm việc. Đầu óc ai cũng căng thẳng, phải đọc đi đọc lại bút lục và đặt ra nhiều tình huống tại phiên tòa...

Để đảm an ninh, an toàn cho HĐXX và những người thực thi nhiệm vụ, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra nên hội trường xét xử lần này không phải ở tòa án mà là chiếc nhà khung rộng hơn 400 m2 được dựng lên ngay trong sân Trại tạm giam (Công an tỉnh Quảng Ninh). Theo thẩm phán Nguyễn Văn Vương, khó khăn trong công tác xét xử không chỉ là hàng chục nghìn bút lục cùng với gần 90 bị cáo, mà còn là sự ngoan cố đến lì lợm, quanh co trong khai báo, tìm mọi cách chối tội, chạy tội của hầu hết các bị cáo...

Trước khi phiên tòa diễn ra, thẩm phán Vương đã phải lên kế hoạch một cách chi tiết và khoa học cho mỗi phần việc. Ngay trong phần kiểm tra căn cước, 89 bị cáo hầu hết bị xích chân tay, nếu dịch chuyển từ chỗ ngồi lên trước vành móng ngựa để trả lời thì phải mất đến 3 - 4 ngày.

Vì vậy để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn phù hợp với quy định của pháp luật, các bị cáo được đứng tại chỗ trả lời mà không cần phải lên trước vành móng ngựa. Phần xét hỏi và tranh luận, mỗi ngày xét hỏi số lượng bị cáo bao nhiêu đều được lên kế hoạch sẵn cùng với những người liên quan và nhân chứng được triệu tập đến tòa.

Cũng theo vị thẩm phán, tại phiên tòa, các bị cáo đều khai không đúng với sự thật, chính vì vậy người chủ tọa phải dùng lý lẽ, những kinh nghiệm trong quá trình xét xử, có phương pháp xét hỏi để tìm ra sự thật của vụ án. Tuy nhiên điều đó không dễ dàng đối với những kẻ cầm đầu như Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Mạnh Hải, Trương Thị Châm Anh...

Nhiều bị cáo khi ra trước tòa một mực kêu oan, cho rằng trong quá trình bị bắt giữ cơ quan điều tra đã dùng nhục hình, bức cung. Vì vậy giữa công đường, người thẩm phán phải có phương pháp hỏi, nghệ thuật thẩm vấn, làm thế nào để các bị cáo phải nhận tội một cách khách quan, phải tâm phục khẩu phục.

Theo thẩm phán Vương, để đảm bảo khách quan, khi có bị cáo “phản cung”, thẩm phán chủ tọa phiên tòa sau đó đều có công văn đề nghị cơ quan điều tra lập tức có văn bản báo cáo, làm rõ những lời khai của bị cáo. Cùng với đó là sự tham gia của các luật sư giải thích cho bị cáo về những hành vi phạm tội của mình nên hầu hết các bị cáo sau đó đều phải thừa nhận mình đã tìm cách chối tội chứ không bị đánh đập hay ép cung. Hầu hết các bị cáo thừa nhận bị truy tố đúng người, đúng tội, chỉ xin được giảm nhẹ mức hình phạt.

Hội đồng xét xử vụ án.
Hội đồng xét xử vụ án.

Sau gần 3 tuần làm việc, ngày 20/1, HĐXX đã tuyên phạt trùm ma túy Nguyễn Thị Bích Ngọc và 29 bị cáo khác mức án cao nhất là tử hình. 13 bị cáo mức án tù chung thân, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ cảnh cáo đến 20 năm tù giam liên quan đến các tội danh Mua bán trái phép chất ma túy; Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Không tố giác tội phạm; Kinh doanh trái phép; Làm giả tài liệu của cơ quan...

Tuy nhiên việc tuyên một lúc 30 án tử hình rất có thể sẽ tạo ra trạng thái xáo trộn tâm lý cho các bị cáo và dẫn đến ảnh hưởng trật tự phiên tòa. Vì vậy khi đến phần tuyên án, thẩm phán Nguyễn Văn Vương đã chia thành 4 nhóm và lần lượt tuyên mỗi nhóm 10 bị cáo tử hình, sau đó đưa về trại giam rồi mới tuyên nhóm sau.

Ở vụ án lớn này, chắc ai cũng hình dung chủ tọa phiên tòa phải là người tai to mặt lớn, tướng mạo như Bao Công, ít ai ngờ rằng điều khiển phiên tòa lại là vị thẩm phán có dáng vẻ bề ngoài nho nhã, thư sinh. Thẩm phán Nguyễn Văn Vương cho biết, từ trước cho đến suốt thời gian diễn ra phiên tòa, có một sự lo lắng nữa là sức khỏe. Vẫn biết mình là người ít ốm đau nhưng ông vẫn phải lên kế hoạch sinh hoạt theo một chế độ riêng, không để làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt theo thẩm phán Nguyễn Văn Vương, ông luôn phải giữ được giọng nói trong những ngày mùa đông giá lạnh, đảm bảo được sự uy nghiêm mỗi lần thẩm vấn các bị cáo.

Là thẩm phán ngồi ghế nóng điều khiển phiên tòa có nhiều án tử hình, ông Vương cho biết mình quá mệt mỏi, không khác gì vừa trải qua một sự sang chấn về tinh thần nhưng đã là nhiệm vụ thì vẫn phải hoàn thành.

Song đây cũng là phiên tòa để lại trong ông những dấu ấn sâu đậm bởi chính sự mạnh mẽ, sắc sảo của mình đã điều khiển phiên tòa thành công ngoài mong đợi của lãnh đạo và anh chị em đồng nghiệp. Theo đó kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, có 40 bị cáo kháng cáo với lý do chủ yếu là xin giảm hình phạt. Cho đến phiên phúc thẩm vừa kết thúc, hầu hết các bị cáo có đơn kháng cáo hay kêu oan đều phải chịu y án.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại