Chuyện ít người biết về đệ tử số một của Khánh "trắng"

quoclong |

Ngoài Khánh "trắng" ra, có 4 cái tên khác được ví là tay, chân của y. Hùng "trắng" là 1 trong số 4 cái tên đó.

Trong số 4 tay chân thân cận của Khánh "trắng" thì Hùng là người được tin dùng đầu tiên, được Khánh bàn bạc nhiều chuyện "làm ăn, phát triển" của nghiệp đoàn nhất. Hùng cũng là người đã nhiều lần cứu Khánh thành công nhất.
Thập niên 90 của thế kỷ XX, Khánh "trắng" và băng nhóm tội phạm của y là nỗi ám ảnh với tiểu thương tại chợ Đồng Xuân và khu vực lân cận chợ (thuộc quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Ngoài Khánh "trắng" ra, có 4 cái tên khác được ví là tay, chân của y, cũng là nỗi kinh hoàng không kém đàn anh. Hùng "trắng" là 1 trong số 4 cái tên đó. 
Hùng "trắng" đã mãn hạn tù và mất cách đây hơn 10 năm nhưng trong tâm trí của những người bạn, người hàng xóm thân thuộc với Hùng, thì người đàn ông này có 2 con người đối lập hoàn toàn trong một con người. 
Trong một lần tôi quay lại cái chốn mà xưa kia mình từng "lần tìm" ấy, ở cuộc "trà dư tửu hậu" vô tình tại quán nước chè vỉa hè, tôi gặp một người bạn thân thiết của Hùng "trắng". Thế là anh này "dốc bầu" tâm sự về người bạn vong niên của mình. Theo anh Hòa (tên đã được thay đổi), đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất anh nói về người bạn thân của mình.
Trong băng tội phạm, Khánh là "ông trùm" nhưng ngoài đời, Khánh là đàn em đúng nghĩa của Hùng "trắng". Thấy bảo, Hùng đã khuyên can đừng làm việc gì thì hầu như Khánh đều nghe. Chỉ duy nhất, Hùng có biệt hiệu giống Khánh, đó là "trắng". Thật ra, trong con mắt của anh Hòa, Hùng đẹp trai, trắng trẻo, đậm chất trai Hà thành.
Chuyện ít người biết về đệ tử số một của Khánh "trắng" 1
Con phố này là nơi ở của Hùng "trắng" trước lúc qua đời
Từng giỡn mặt ông trùm
Anh Hòa nhớ lại: "Hai thằng lớn lên cùng một khu phố, cùng đi học từ thời còn cởi truồng và điều đặc biệt là rất thích bạn gái xinh. Chúng tôi đùa nhau đúng nghĩa với văn hóa của người Tràng An, ý nhị và thanh lịch. Ngày trai trẻ, Hùng có duyên nên nhiều bạn gái thích, thậm chí yêu. Điều đó lý giải vì sao, vợ Hùng cũng là người phụ nữ đẹp nết, đẹp người. Hùng giống với Khánh "trắng", chỉ 1 vợ và không có tính trăng hoa. Đã yêu là có thể chết vì tình yêu đó. Có 2 thứ không thay đổi trong cuộc đời Hùng đến lúc chết đó là mẹ và vợ con".
Theo anh Hòa, cuộc đời của người đàn ông gắn với tên tội phạm khét tiếng Hà thành này cũng khá lênh đênh, đầy chất trai trẻ nhưng cũng lắm nước mắt. Mẹ Hùng là người phụ nữ nhân từ, phúc hậu. Chính vì thế, Hùng đã từng thề rằng, có thể làm bất cứ điều gì để mẹ không khổ, để không bao giờ nhìn thấy mẹ khóc. Nhưng, Hùng không làm được. Ngày Hùng bị bắt, nước mắt người mẹ chảy ngược vào trong cùng với tiếng xì xào của hàng xóm. Đêm đêm, bà cùng cô con dâu cam chịu, bán nước chè vỉa hè, nuôi cháu; lấy tiền đi trại thăm nuôi con…
Được biết, trong băng nhóm, Hùng là thành viên ngang ngược nhất, có nhiều tranh cãi, thị phi nhất. Hùng thường có những quyết định khác người và tự làm theo ý của mình đến khi nào "được việc" mới thôi. Hùng ít nói nhưng đã nói là có thành viên trong băng nhóm không hiểu được, có thành viên thì hiểu theo nhiều nghĩa, xiên xẹo đủ kiểu làm cho "ông trùm" Khánh "trắng" nhiều lần "thất điên, bát đảo" vì tưởng Hùng đang lập kế hoạch "soái ngôi" của mình thật.
Trong một bữa rượu, trước khi bị bắt 1 năm, được coi là bữa rượu cuối cùng của Hùng và Khánh "trắng", trước đông đủ thành viên trong băng nhóm, Hùng chỉ mặt Khánh, vỗ ngực nói: "Tôi là trai Hà thành chính gốc, không thèm lèm nhèm mấy chuyện đàn bà bán cá ngoài chợ. Anh không thích, nói một câu". 
Thực chất, Khánh "trắng" không ưa sự ngang ngược của Hùng nhưng vẫn "trọng dụng" vì trong cái sự ngang ngược ấy là cái tâm rất chân thành. Hùng có thể chửi đàn em tới mức không thèm nhìn mặt nhưng vợ, con, cha mẹ nó ốm, Hùng vẫn đến thăm, thậm chí bảo vợ đến bệnh viện chăm sóc…
Anh Hòa, hàng xóm, vợ, con chưa bao giờ thấy Hùng cãi mẹ một câu. Về đến nhà là Hùng xắn tay áo lên, giúp mẹ, giúp vợ làm việc nhà. Mẹ gọi, bảo gì đều thưa gửi, dạ vâng đúng nếp người Hà thành cổ kính. 
Thật ra, người Hà thành cổ gọi mẹ là mợ. Hùng cũng vậy. Hùng đã từng khóc như đứa trẻ con bị đánh đau lúc mẹ ốm tưởng không qua khỏi, lúc vợ khó sinh đứa con thứ 2. Hùng khóc đến mòng cả 2 mắt nhưng mọi người lại nghĩ, Hùng thức khuya trông mẹ, trông vợ nhiều nên sưng mắt.
Giang hồ... nhát gan
Theo anh Hòa, Hùng là người có tính cách mềm dẻo, biết xử lý vấn đề khó trong những tình huống nhạy cảm. Một lần duy nhất Hùng bạt tai đàn em trong đội bốc xếp, đêm đó, anh ta không ngủ được. 
Người mà Hùng hay tâm sự, có anh Hòa, anh bạn nữa và một cô bạn gái. Người bạn gái này đang định cư ở nước ngoài. Anh Hòa nói rằng: "Đó là bộ tứ bất tử của lớp và của trường ngày ấy. Cô bạn gái xinh xắn, cả 3 thằng bạn trai cùng yêu nhưng cô ấy không yêu ai trong 3 thằng chúng tôi. Chúng tôi đối xử với nhau như anh em ruột thịt. 
Ngày Hùng mất, cô bạn từ nước ngoài về tiễn đưa. Nó khóc quá trời, nó thương mẹ và vợ Hùng nhiều lắm. Bây giờ cũng vậy, chẳng tháng nào là không gọi điện hỏi tôi, vợ, con Hùng sống ra sao, có khỏe mạnh không?".
Con người cả gan làm nhiều chuyện khác lạ như Hùng mà sợ kiến và chuột đến toát mồ hôi. Thấy bảo, trước đây, bọn đàn em ở nghiệp đoàn tức Hùng chuyện gì là bắt chuột về, thả chuột ra, cho chạy qua người (tay, chân, mặt…), thế nào, mặt Hùng cũng cắt không còn hột máu. Hùng sợ kiến đốt đến sởn da gà. 
Anh Hòa nói: "Nó (tức Hùng) tả cảm giác về nỗi khiếp sợ khi bị kiến đốt như thể có người dùng kim châm, chích trộm vào da thịt ấy. Cũng vì thế mà chưa ai nhìn thấy Hùng giết kiến, mổ con gà, cắt tiết vịt bao giờ. Hùng có một đặc điểm khác người nữa là không ăn tiết canh. Với bạn bè, người thân thì hiền khô, luôn sẵn sàng giúp đỡ trong mọi điều kiện thời tiết".
Anh Hòa bộc bạch: "Năm 1994, khi ấy, băng của Khánh "trắng" đang ở thời kỳ "đỉnh cao quyền lực ngầm" tại Hà Nội, tôi trực tiếp hỏi Hùng: "Ông dính dáng gì đến chém giết không?". Hùng thú thực, chưa dính gì và bất đắc dĩ thì mới phải chỉ đạo đàn em "va chạm" thôi. Tôi ngỡ ngàng, vì trước đó, Hùng đã phải đi trại 2 năm. Hùng giải thích, tình thế lúc đó không khác được. Hùng có mặt trong cuộc đụng độ đó, nhân chứng, nạn nhân đều khai vậy. Nhưng, nếu để cả 2 phải vào tù thì công việc ở nhà ai lo, Hùng nhận tội thay cho Khánh. Khánh ở ngoài lo toan bồi thường rồi thấy bảo dùng cả đàn em đến ép gia đình nạn nhân phải xin cho Hùng trước tòa để tòa làm căn cứ giảm nhẹ tội cho Hùng… 
Hùng nói thật rằng, đã cùng làm ăn với nhau, mình đã theo họ thì theo đến cùng. Chất trai Hà thành là thế. Hùng thừa nhận, Khánh "trắng" rất giỏi "bắt mối" trong các mối quan hệ. Thấy cần, Khánh "trắng" có thể nại ra cả trăm lý do để biến mối quan hệ đơn thuần thành thân mật một cách nhanh chóng".
Khánh "trắng" bị bắt, Hùng, Đ. "chính ủy", T. "con" và nhiều đàn em cộm cán khác của y cũng bị bắt. Mỗi đối tượng phải nhận bản án khác nhau. Theo anh Hòa, Hùng cũng là người may mắn, mãn hạn tù về nhà với mẹ, vợ con được vài năm thì mất. Cái chết của Hùng làm người thân và nhiều người bạn xót xa. Bởi họ hiểu Hùng là người như thế nào. 
Còn với dư luận, cái chết của Hùng là một sự hối lỗi, đền tội. Trong chừng mực nào đó của cuộc sống, cả hai khía cạnh trên đều đúng.
Khánh "trắng", tên thật là Dương Văn Khánh, là một nhân vật cầm đầu băng đảng xã hội đen gồm 19  tên tội phạm khét tiếng ở Hà Nội  trong những năm cuối của thế kỷ 20. Khánh sinh năm 1956 tại Hà Nội. Y bị bắt chiều 24/5/1996 tại nhà riêng ở số nhà 31/10 phố Nguyễn Thiệp, Hà Nội. Khánh phạm 4 tội là "giết người", "cướp tài sản công dân", "trốn thuế", "che giấu tội phạm", bị xử tử hình. 
Khánh đã thi hành bản án tử hình 13/10/1998, tại trường bắn  Cầu Ngà, Hà Nội.
Ngoài bản án tử hình, Khánh còn phải nộp cho Nhà nước 3,5 tỷ đồng tiền phạt, 350 triệu đồng tiền thuế, tiền án phí, tiền bồi thường cho các bị hại.
Là "ông trùm" của các tiểu thương Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhưng Khánh lại bị giang hồ Hải Phòng tạt acid vào mặt, người. Khánh bị bắt, cái gọi là nghiệp đoàn tội phạm chấm dứt.   

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại