Mấy phu mộ trước đó tranh thủ chợp mắt được một lúc mới lóp ngóp bò dậy để chuẩn bị ra về. Một tên đàn em tiến lại chỗ ông Cát ngồi, chưa kịp để “vua phu mộ” nói gì, hắn đã vác đồ nghề của họ để vào cốp xe. Tên này hất hàm ra hiệu cho đám phu mộ lên xe để về nhà.
Giải mã vết đạn trên sọ Khánh “trắng”
Chiếc xe ôtô nổ máy, bỏ lại phía sau làm khói thâm sì, khét lẹt. Trời cuối đông vẫn lạnh như cắt da cắt thịt. Ngồi trong xe, bụng đói cồn cào sau một đêm làm việc vất vả, nhưng ông Cát vẫn liên tục đốt thuốc lá. Có lẽ, ông cứ miên man suy nghĩ mãi về cái “thương vụ” bốc mộ vô tiền khoáng hậu này.
Lấy hết sự cam đảm, ông bắt chuyện với hai đàn em Khánh “trắng”, như để cố xóa đi cái “bức tường vô hình” ngăn cách giữa đôi bên suốt từ đầu buổi đến giờ. “Mấy anh em đi theo anh Khánh bao lâu rồi?”- ông Cát cất lời. Tiếng nói ồm ồm của “vua phu mộ” như phá tan cái không khí âm u đến lạnh người trên xe. Nó không chỉ khiến đám phu mộ, mà cả đệ tử tên trùm giang hồ cũng ngoái lại nhìn bằng vẻ mặt bất ngờ.
Một khoảnh khắc im lặng ngắn ngủi trôi qua, rồi hai đàn em Khánh “trắng” cũng chịu mở lời. Ông Cát nhớ lại: “Lúc đó, dường như họ thoải mái hơn sau khi lo công việc cho đại ca đã hoàn tất nên mới chịu phá lệ trò chuyện với tôi. Nhưng câu trả lời của họ cũng chẳng gợi lên gì nhiều. Tôi còn nhớ một gã ngồi bên ghế phụ bảo: “Sáu năm”, rồi lại trầm ngâm”.
Dừng một chút, ông Cát tiếp: “Khi tôi hỏi đang làm nghề gì, thì người đàn ông này bảo đi buôn bán. Hình như, những con người này đã nguội máu giang hồ kể từ khi đại ca phải đền tội bằng tính mạng nơi trường bắn. Nhưng chứng kiến những gì họ làm cho Khánh “trắng” suốt đêm đông lạnh lẽo này, tôi mới thấy được cái gọi là nghĩa khí giang hồ.
Người ta bảo dân ''xã hội đen'' sống bạt mạng, vô tâm, chỉ vui vẻ với nhau khi có tiền của, song tôi thấy không hẳn như vậy. Cánh đàn em Khánh “trắng” buồn bã, thậm chí có người rơi nước mắt sau khi di cốt trùm giang hồ được đưa lên khiến tôi cũng cảm động. Tôi còn được biết, trong những cánh đệ tử đó, có người đang sống ở TPHCM cũng lặn lội ra đây từ mấy hôm trước để chuẩn bị đưa đại ca sang “nhà mới”.
Miên man suy nghĩ đến đấy, ông Cát chợt khựng lại khi nghe thấy câu hỏi ngược lại của người lái xe: “Sao trên đầu anh tôi lại có vết đạn to thế nhỉ. Chẳng lẽ khi ra pháp trường, họ ngắm bắn vào đầu?”. Hắn đặt câu hỏi rồi quay xuống nhìn ông Cát với vẻ mặt khó hiểu. Khi người này đặt câu hỏi, chính “vua phu mộ” cũng cảm thấy ngạc nhiên.
Đúng là có một cái lỗ từ thái dương trái qua phải trên chiếc sọ của trùm Khánh “trắng” thật. Tiếc là thời điểm đó, vụ bốc mộ cho Khánh “trắng” cũng là lần đầu tiên bốc mộ cho tử tù, nên “vua phu mộ” vẫn chưa để ý và không thể lý giải được.
“Sau này, khi đã bốc mộ cho rất nhiều tử tù, tôi mới biết được rằng, đó là phát đạn nhân đạo của những người thi hành án dành cho người mang án tử. Tôi đã xem một vài lần tử hình ở trường bắn nên biết điều đó.
Khi tử hình, sẽ có 7 người dàn hàng ngang đứng trước một chiếc cột. Tử tù từ trên xe ôtô được đưa xuống, dẫn thẳng đến chiếc cột bắn. Trước khi hành hình, người ta mở băng đen bịt mắt cho tù được nhìn trời đất, ánh bình minh lần cuối. Khi chiếc băng đen được bịt lại cũng là lúc 7 con người với những khẩu súng trên tay chĩa thẳng vào tử tù.
Sau hiệu lệnh, loạt đạn khô khốc nổ lên, tử tù gục đầu về phía trước. Người chỉ huy sẽ ra kiểm tra, lập biên bản hoàn thành thi hành án. Sau đó, anh ta sẽ dùng súng lục chĩa thẳng vào thái dương của tử tù rồi bắn phát súng nhân đạo. Lỗ hổng to bằng đầu ngón tay cái trên sọ Khánh “trắng” là phát súng cuối cùng đó”- ông Cát cho biết.
Ký ức về những lần trắng đêm đi bốc mộ tử tù
Ông Cát vừa chợp mắt được mấy phút thì chiếc xe đưa nhóm phu mộ về đỗ xịch trước cổng làng. Hai đàn em Khánh “trắng” chạy xuống, mở cửa và đánh thức những người trên xe dậy. “Vua phu mộ” giật mình tỉnh dậy, mới biết mình đã về đến nhà.
Một đàn em Khánh “trắng” gọi ông Cát ra chỗ khác và dúi vào tay chiếc phong bì dày cộp đựng tiền. Hắn bảo đây là tiền bồi dưỡng và công cúng “thần trùng” cho Khánh “trắng”. Ông Cát cố từ chối và nói rằng, việc cúng cũng chỉ là “nghĩa tử nghĩa tận” với người đã khuất, nhưng người này không chịu. Nhét phong bì vào tay “vua phu mộ”, hai gã giang hồ nhanh chóng lên xe rồi đi thẳng.
Lúc này, đám bốc mộ nhìn nhau với vẻ vui mừng. Họ đã an toàn về nhà như đúng lời hứa của cánh đàn em Khánh “trắng”. “Lúc ấy đã rất mệt mỏi, nhưng tôi vẫn phải vội vàng tập hợp anh em lại. Trong bữa ăn sáng diễn ra sau đó, tôi nhắc mọi người rằng đây là bí mật sống để bụng, chết mang theo, tuyệt đối không được để lộ cho bất cứ ai chuyện này- kể cả vợ con. Tôi sợ rằng, nếu để lộ ra thì cánh giang hồ sẽ quay lại để tính sổ. Chính vì thế, hơn một thập kỷ trôi qua, “phi vụ” này không hề có một người nào ngoài nhóm biết được”- ông Cát chia sẻ.
Cũng theo lời “vua phu mộ”, cái bản hợp đồng kỳ lạ ấy dường như là bước mở đầu cho những “thương vụ” bốc mộ bất ngờ sau này. Những ngày tiếp theo trôi qua, nhiều người thân của các tử tù khét tiếng từ khắp nơi tìm đến nhà ông để nhờ đi bốc mộ. Chính ông Cát cũng không thể hiểu được vì sao họ lại biết tên và tìm đến nhóm của ông.
Nói chuyện với PV, ông Cát bộc bạch: “Vốn dĩ không mê tín, nhưng những hợp đồng đến liên tiếp sau này cũng làm tôi “chột dạ”. Tại sao họ có thể biết đến mình và đổ xô đến tìm như vậy? Tại sao, sao những điều kỳ lạ ấy chỉ xảy ra sau khi chúng tôi bốc mộ cho trùm giang hồ Khánh “trắng”?
Mấy tháng trời sau đó, chúng tôi bôn ba khắp nơi chỉ chuyên đi bốc mộ cho tử tù. Nhiều khi anh em trong nhóm nói với nhau rằng, có lẽ chúng tôi làm tốt nên được trùm giang hồ đất Bắc “phù hộ”. Phải chăng, chính ông ta đã đưa đường dẫn lối cho những người thân của tử tù đến tìm anh em tôi?”.
Khi chúng tôi hỏi trong những năm tháng bốc mộ tử tù, “thương vụ” nào ám ảnh nhất- “vua phu mộ” kể rằng: Đó là ca chuyển di cốt của một tử tù lĩnh án buôn ma túy ở Thanh Hóa. Sau khi nhận được lời nhờ vả của người nhà, cánh phu mộ liền tự mình lái xe vào đó.
Sau một lúc nghỉ ngơi cùng người thân của tử tù, khoảng 10h đêm, nhóm của ông Cát được họ dẫn ra pháp trường. Đợi đúng giờ đã định trước, họ xúc đất và mở nắp quan tài. Ở dưới dòng nước sánh đặc là xác người nổi lềnh bềnh bốc ra mùi hôi đến khó chịu. Lúc này, tử tù đang mặc trên mình chiếc áo khoác dày cộp. Nhìn vào đó, ông Cát biết rằng người tử tù này bị hành hình vào mùa đông.
Đang dở tay lần mò chiếc cúc áo, bỗng nhiên ông Cát chạm phải vật gì đó cưng cứng nằm ngay trong túi của tử tù. Lúc mang lên nhìn, dưới ánh sáng nhờ nhờ của chiếc đèn ắcquy, đó là một con búpbê được đẽo bằng một viên gạch trong trại giam. Trên thân con búp bê ấy được khắc chữ “N.T.M. Tâm”. Đó là tên con gái của tử tù.
Có lẽ trước khi đi xa, ông ta đã tự tay làm búp bê tặng con nhưng không kịp gửi về nhà, nên đành nhét vào túi áo. Cô con gái tử tù này giờ đây đã lên lớp 6, hôm đó cũng có mặt. Lúc cha ra pháp trường, cô bé mới cắp sách vào lớp 1. Nhìn con búp bê của người cha quá cố, cô bé khóc nấc nghẹn ngào. Cô bé vội rửa con búp bê và cứ thế giữ khư khư cả ngày liền. Trước cảnh tượng đó, cả người thân của tử tù và nhóm phu mộ đều rơm rớm nước mắt. Có lẽ, đó là tài sản cuối cùng mà cha cô gửi tặng con gái.
Ông Cát cho biết, sau cái ngày bốc mộ cho trùm giang hồ đất Bắc, nhóm của ông cũng không thể nhớ nổi đã “sang nhà” cho biết bao nhiêu tử tù. Tuy nhiên, “phi vụ” đem di cốt Khánh “trắng” ra sông tắm và cúng “thần trùng” khiến ông thể nào quên được. Đó dường như là một dấu mốc trong cái “nghiệp” sống nhờ di cốt người chết của “vua phu mộ”. Có lẽ, cái lần bốc mộ ấy sẽ còn đeo đẳng, ánh ảnh ông Cát đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Rong ruổi cũng vì câu “nghĩa tử là nghĩa tận”
Từ những người ở Thanh Hóa, Nghệ An đến Nam Định, Thái Bình… đều tìm đến gõ cửa nhà “vua phu mộ” xin trợ giúp. Có thời gian, hôm nay ông ở Thái Nguyên, hôm sau đã rong ruổi lên Tuyên Quang, Lạng Sơn…
Ông Cát bảo, những phi vụ đến liên tiếp sau này giúp ông kiếm kha khá tiền. Tuy nhiên, việc ông xách đồ nghề, chấp nhận đi khắp nơi bốc mộ cho tử tù - ngoài chuyện tiền bạc - còn vì cái nghĩa “giống như khi siêu thoát cho Khánh “trắng”.