Pháp lập liên minh, quân đội mạnh số 6 TG có thể tới Ukraine: Thực hư 1 nước tuyển 20 vạn binh chống Nga

Nhật Minh |

Các cuộc thảo luận đang được tiến hành. Theo RBC, Ba Lan đã lên tiếng sau khi xuất hiện thông tin nước này tuyển mộ 200.000 quân để đưa tới Ukraine.

Pháp lập liên minh đưa quân tới Ukraine

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 30/5 cho hay, Pháp đang tăng cường đàm phán với một số nước đồng minh châu Âu về kế hoạch cử huấn luyện viên tới Ukraine để hỗ trợ Kiev đào tạo binh sĩ - một lựa chọn có nguy cơ đi ngược lại "lằn ranh đỏ" mà Washington và Berlin đã đặt ra khi cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu để ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột.

Các quan chức Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron muốn thành lập một liên minh gồm các nước phương Tây sẵn lòng huấn luyện binh sĩ Ukraine ngay trên thực địa.

Ngoại trưởng Lithuania đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch của Pháp. Paris hiện đang tiến hành thêm một số cuộc thảo luận với Anh - nước có quân đội mạnh thứ 6 thế giới (theo bảng xếp hạng của Global FirePower).

Pháp lập liên minh, quân đội mạnh số 6 TG có thể tới Ukraine: Thực hư 1 nước tuyển 20 vạn binh chống Nga- Ảnh 1.

Pháp đang thúc đẩy việc đưa quân tới Ukraine. Ảnh: FT

Các quan chức Pháp tiết lộ thêm rằng, ông Macron đang dự định tuyên bố kế hoạch đưa huấn luyện viên quân sự tới Ukraine vào ngày 6/6 đúng dịp kỷ niệm cuộc đổ bộ D-Day của quân Đồng minh trong Thế chiến II. Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky và nguyên thủ một số quốc gia khác dự kiến sẽ tới Pháp để tham dự lễ kỷ niệm.

Hiện tại, một số yếu tố then chốt trong sáng kiến đưa huấn luyện viên quân sự tới Ukraine vẫn đang được thảo luận và tiến hành, ví dụ như số lượng quốc gia sẵn sàng tham gia, nhiệm vụ mà các huấn luyện viên sẽ đảm nhận là gì?

Một nhà ngoại giao cấp cao đến từ vùng Baltic cho biết, chính phủ của ông đang cố gắng có được bản tóm lược những gì Paris dự định công bố.

Theo WSJ, các cuộc thảo luận về vấn đề đưa huấn luyện viên quân sự tới Ukraine là một phần trong nỗ lực của ông Macron nhằm thay đổi quan điểm của phương Tây đối với Moscow.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden đã duy trì cách tiếp cận thận trọng đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine nhằm hạn chế những động thái mà Moscow có thể cho là "leo thang". Berlin cũng nhiều lần bác bỏ khả năng đưa quân Đức tới Ukraine.

Ông Macron muốn loại bỏ các "lằn ranh đỏ" như vậy. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, các nước đồng minh nên áp dụng lập trường "mơ hồ về mặt chiến lược" nhằm mục đích khiến Điện Kremlin phải liên tục đoán xem phương Tây sẵn sàng đi bao xa trong việc hỗ trợ Kyiv, từ đó ngăn chặn Nga.

Pháp lập liên minh, quân đội mạnh số 6 TG có thể tới Ukraine: Thực hư 1 nước tuyển 20 vạn binh chống Nga- Ảnh 3.

Ông Macron cho rằng các nước phương Tây nên áp dụng lập trường "mơ hồ về mặt chiến lược". Ảnh: WSJ

Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận nói với WSJ rằng, Pháp coi việc huấn luyện binh sĩ Ukraine "trên thực địa, ngay trên đất nước của họ (Ukraine)" vừa là bước đi hợp lý tiếp theo, vừa là một bước phá vỡ điều cấm kỵ.

Thời gian qua, công tác huấn luyện binh sĩ Ukraine đang diễn ra chậm chạp, khi các tân binh phải tới Ba Lan và Đức trong vài tuần để được huấn luyện cơ bản theo chương trình của EU trước khi chiến đấu ngoài mặt trận.

Anh cũng tiến hành huấn luyện cho binh sĩ Ukraine nhưng theo một chương trình riêng biệt. Trong khi đó, Mỹ đang huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine ngay tại Mỹ và tại châu Âu.

Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu và người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov tại Kiev vào tuần trước, Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskiy thông báo ông đã ký các văn bản cho phép huấn luyện viên quân sự của Pháp tới các trung tâm huấn luyện của Ukraine để xem cách bố trí vận hành, gặp gỡ nhân viên tại đó.

"Tôi tin rằng quyết tâm của Pháp sẽ khuyến khích các đối tác khác tham gia dự án đầy tham vọng này" - Ông Syrskiy nói.

Các quan chức Pháp cho biết, vào thời điểm đó, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra, đồng thời nói thêm rằng các giấy tờ mà ông Syrskiy trích dẫn mới chỉ được phía Ukraine ký với mục đích thiết lập các điều kiện cho bất cứ huấn luyện viên nào được cử tới Ukraine.

Ngoài việc đưa quân tới Ukraine, ông Macron còn đang thúc đẩy giới hạn trong các lĩnh vực khác. Gần đây nhất, nhà lãnh đạo này đã "mở đường" cho Ukraine sử dụng tên lửa hành trình do Pháp cung cấp để tập kích bên trong lãnh thổ Nga, nhưng với điều kiện là Kiev chỉ được tấn công vào các mục tiêu quân sự mà từ đó Moscow triển khai vũ khí bắn vào Ukraine.

Thực hư Ba Lan tuyển 200.000 quân đưa tới Ukraine

Theo hãng tin RBC (Nga), website của Cơ quan báo chí Ba Lan (PAP) đã 2 lần đăng tải cùng một tuyên bố thay mặt cho Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, trong đó cho biết, đợt huy động một phần sẽ được tổ chức tại Ba Lan vào ngày 1/7 tới.

Thông tin lần lượt xuất hiện vào 14 giờ và 14 giờ 20 phút ngày 31/5 (theo giờ địa phương).

Thông báo nêu rõ: "Vào ngày 1/7/2024, quá trình huy động quân sự một phần sẽ được công bố ở Ba Lan. 200.000 công dân Ba Lan, kể cả cựu quân nhân hay thường dân, sẽ đều bị gọi đi tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tất cả những người được huy động sẽ tới Ukraine".

Tuy nhiên sao đó PAP phủ nhận thông tin này. Người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Ba Lan Jan Grabec cũng bác bỏ thông tin về đợt điều động quân. Ông cho biết các cơ quan đặc biệt của Ba Lan đang xem xét chuyện gì xảy ra.

Pháp lập liên minh, quân đội mạnh số 6 TG có thể tới Ukraine: Thực hư 1 nước tuyển 20 vạn binh chống Nga- Ảnh 5.

Ba Lan phủ nhận thông tin tuyển mộ 200.000 quân đưa tới Ukraine. Ảnh: Defense Post

Thư ký báo chí của Bộ trưởng Điều phối tình báo Ba Lan Jacek Dobrzynski không loại trừ khả năng một cuộc tấn công mạng có thể đã được thực hiện nhằm vào PAP.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Số hóa Ba Lan Krzysztof Gawkowski đồng tình với ông Dobrzynski. Ông cho biết, chính quyền Ba Lan đang khẩn trương làm rõ các tình tiết của vụ việc: "Mọi thứ đều chỉ ra một cuộc tấn công mạng và thông tin sai lệch đã được lên kế hoạch".

Trước đó, tạp chí Spiegel của Đức ngày 26/5 cho biết,, Ba Lan và 3 nước vùng Baltic sẵn sàng đưa quân tới Ukraine nếu Nga đạt được bước đột phá chiến lược ở mặt trận miền đông.

Về phần mình, Điện Kremlin tuyên bố, sự xuất hiện của quân NATO ở Ukraine sẽ khiến xung đột giữa Nga và khối này trở nên "không thể tránh khỏi".

Trong phát biểu ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời cảnh báo: "Quân phương Tây tới Ukraine sẽ nằm trong phạm vi tiêu diệt của lực lượng vũ trang Nga. Nếu quân đội Ba Lan được cử đến Ukraine, họ sẽ không thể rời khỏi đây".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại