Hơn 100.000 người vây tòa nhà chính phủ, đòi Thủ tướng Armenia từ chức
Kênh truyền hình 1tv (Nga) đưa tin, hơn 100.000 người đã biểu tình tại trung tâm thủ đô Armenia từ tối 26/5 và kéo dài sang ngày 27/5 nhằm yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức sau khi Yerevan nhất trí trao lại quyền kiểm soát một số ngôi làng ở biên giới cho Azerbaijan.
Tính tới thời điểm hiện tại, cuộc biểu tình vẫn chưa kết thúc, thủ đô Yerevan đang hỗn loạn. Nhiều vụ xô xát với cảnh sát đã nổ ra.
Hơn 100.000 người đã tham gia biểu tình tại Armenia ngày 26/5. Nguồn: 1tv.ru
Theo hãng thông tấn AP, đây là đợt biểu tình mới nhất trong chuỗi các cuộc biểu tình bùng phát vài tuần qua, do ông Bagrat Galstanyan – một giáo sĩ cấp cao trong Giáo hội Tông đồ Armenia, đồng thời là Tổng giám mục giáo phận Tavush ở phía đông bắc Armenia dẫn đầu.
Ông Galstanyan đã khởi xướng phong trào mang tên "Tavush vì Tổ quốc" sau khi Armenia hồi tháng 4 vừa qua nhất trí trao lại quyền kiểm soát 4 ngôi làng trong khu vực cho Azerbaijan.
AP cho biết, mặc dù quyền kiểm soát các ngôi làng là vấn đề cốt lõi của phong trào này, nhưng các cuộc biểu tình đã được mở rộng để thể hiện sự phản đối với Thủ tướng Pashinyan và chính phủ Armenia hiện nay.
Những người biểu tình cho biết, họ ủng hộ ông Galstanyan trở thành Thủ tướng tiếp theo của Armenia.
Theo hãng thông tấn AFP, khu vực mà Armenia trao lại quyền kiểm soát cho Azerbaijan có tầm quan trọng chiến lược đối với Yerevan, bởi nó kiểm soát các đoạn đường cao tốc quan trọng nối tới Gruzia.
Cư dân Armenia tại các ngôi làng này cho rằng, quyết định của ông Pashinyan đã cắt đứt họ khỏi phần còn lại của đất nước, và đã đem lãnh thổ đi cho trong khi không nhận lại được gì.
Theo tờ News.am (Armenia), đám đông biểu tình đã phong tỏa đường cao tốc Yerevan-Armavir (dẫn tới Nga), Yerevan-Ashtarak (dẫn tới Iran) và các tuyến đường tại thủ đô Yerevan.
Người biểu tình vây nhà nghỉ của Thủ tướng Armenia. Nguồn: Sputnik
Theo tờ Izvestia và RIA Novosti (Nga), dòng người biểu tình còn vây tòa nhà Nội các chính phủ Armenia, tuần hành qua trung tâm thủ đô, sau đó kéo tới khu nhà nghỉ của chính phủ dành cho ông Pashinyan để yêu cầu Thủ tướng từ chức.
Tuy nhiên, ông Pashinyan hiện không có mặt tại đây. Do đó, đám đông biểu tình đã quay trở lại trung tâm thủ đô Yerevan.
Tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga) cho biết, Thủ tướng Armenia đang có chuyến công tác tại khu vực phía bắc Armenia để tìm cách khắc phục tình hình lũ lụt nặng nề.
Cảnh sát lập rào chắn ở tòa nhà Quốc hội Armenia. Nguồn: Sputnik
Nằm cách nhà nghỉ của ông Pashinyan chưa đầy 1km là tòa nhà Quốc hội Armenia. Hàng trăm cảnh sát với khiên chống sốc và xe đặc chủng đã được huy động để phong tỏa hoàn toàn các lối ra vào dẫn tới đây, nhằm ngăn chặn người biểu tình.
Theo Bộ Nội vụ Armenia, tính đến 11 giờ sáng 27/5 (theo giờ địa phương), đã có 226 người biểu tình bị bắt giữ. Phần lớn bị buộc tội chống đối người thi hành công vụ.
Hình ảnh cuộc biểu tình tại Armenia. Nguồn: Reuters
Chuyên gia cảnh báo hệ lụy khi ông Pashinyan "quay lưng với Nga"
Bình luận về cuộc biểu tình đang diễn ra tại Armenia, tờ Svobodnaya Pressa (Nga) nhận định, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan liên tục cáo buộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu không thực sự hỗ trợ Armenia trong cuộc chiến tranh vùng Karabakh với Azerbaijan, mà chỉ "giả vờ hỗ trợ". Tuy nhiên, người dân Armenia lại "nghĩ khác hoàn toàn".
Theo tờ báo, việc hơn 100.000 người kéo xuống đường yêu cầu ông Pashinyan từ chức đã cho thấy sự không hài lòng "tích tụ từ lâu" của người dân Armenia đối với chính sách của vị Thủ tướng.
Người biểu tình ở Armenia xô xát với cảnh sát. Nguồn: Sputnik
Svobodnaya Pressa dẫn lời nhà khoa học chính trị Sergei Markov nhận định: "Ông Pashinyan tin rằng Armenia sẽ luôn tìm được thứ gì đó để giao dịch với phương Tây.
Với hy vọng 'hành động quay lưng với Nga' sẽ được phương Tây bù đắp bằng các khoản tài trợ, ông Pashinyan đang cố gắng thuyết phục người dân về lợi ích của việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, trên thực tế, người Armenia có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khi người Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào, bởi trước đó Ankara đã tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng đất tại Armenia trong thời gian dài".
Theo vị chuyên gia, trên thực tế, mặc dù có nhiều chỉ trích về Nga nhưng người dân Armenia "vẫn tin tưởng rằng người Nga sẽ giúp đỡ họ và sẵn sàng hỗ trợ tài chính nếu cần".
Đối với Nga, Armenia cũng đóng vai trò quan trọng. Quốc gia này có ý nghĩa chiến lược – quân sự đối với Moscow. Bên cạnh đó, cộng đồng người Armenia có sức ảnh hưởng thuộc hàng lớn nhất ở Nga. Ông Markov cho biết, theo nhiều ước tính khác nhau, hiện có từ 2-5 triệu người dân tộc Armenia sinh sống tại Nga.
Người biểu tình tại Armenia bị cảnh sát bắt giữ
Vị chuyên gia nhận định, có vẻ quan điểm của Thủ tướng Pashinyan không còn phù hợp với người dân Armenia. Trước làn sóng biểu tình của người dân, ông Pashinyan chỉ nhìn nhận đó là "một nỗ lực khác nhằm loại bỏ nền độc lập của Armenia".
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 18/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, phương Tây đã trao cho Armenia vai trò của một công cụ "thổi bùng ngọn lửa" ở Kavkaz (hay Caucasus).
"Armenia chỉ được trao vai trò là một công cụ mà Mỹ và EU muốn lợi dụng để thổi bùng lên ngọn lửa lớn. Đây là điều mà Mỹ và toàn thể phương Tây đã học được cách làm" - bà Zakharova nói.
Theo nhà ngoại giao Nga, các nước phương Tây đang hướng tới mục tiêu phá vỡ mối quan hệ giữa Nga-Armenia trong lĩnh vực an ninh - kinh tế, đồng thời làm suy yếu các cơ chế hợp tác 2 lĩnh vực này trong khuôn khổ tổ chức CSTO và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).