Cố vấn quân sự Mỹ tới Moldova, Ukraine, Armenia và Balkan
Hãng TASS (Nga) dẫn tin từ tờ Intelligence Online (Pháp) ngày 30/5 đưa tin, Mỹ đang cử lực lượng cố vấn quân sự tới Bộ Quốc phòng Armenia, Ukraine, Moldova và các nước vùng Balkan theo đề nghị từ các quốc gia này, nhằm "đưa quân đội các nước này tương thích và phù hợp với tiêu chuẩn của Mỹ".
"Mỹ đang cử cố vấn quân sự tới Bộ Quốc phòng Ukraine, Moldova, Armenia và các nước Balkan theo yêu cầu của các bộ này. Mục tiêu là khiến cho quân đội của họ tương thích hơn với lực lượng Mỹ và tránh xa mô hình của Nga" - Intelligence Online cho hay.
Theo báo Pháp, Washington đã đứng ra "nhận trách nhiệm" hỗ trợ Bộ Quốc phòng các nước "muốn rời khỏi quỹ đạo của Moscow".
4 mặt trận nhằm vào Nga
Ukraine
Cũng trong ngày 30/5, tờ New York Times (NYT) dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, dưới sự thúc đẩy của các cố vấn và đồng minh then chốt, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủy quyền cho Ukraine tiến hành các cuộc tấn công hạn chế vào bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp. Quyết định ủy quyền này có hiệu lực ngay từ ngày 30/5.
Tờ báo Mỹ nhận định, động thái của ông Biden có thể mở ra "một chương mới" trong cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ cho phép tiến hành phản ứng quân sự hạn chế đối với pháo binh, căn cứ tên lửa và trung tâm chỉ huy bên trong lãnh thổ của một đối thủ đang nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, quyết định ủy quyền trên chỉ mở rộng tới phạm vi mà Mỹ xác định là "hành động tự vệ" để Kiev bảo vệ Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng như những khu vực xung quanh thành phố này trước các loại tên lửa, bom lượn và đạn pháo được Nga bắn qua biên giới.
Hãng thông tấn AP dẫn lời 3 quan chức Mỹ làm rõ rằng, chỉ thị của ông Biden là cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để phục vụ "mục đích phản công ở Kharkiv". Nói cách khác, Ukraine có thể dùng vũ khí Mỹ đánh trả các lực lượng Nga đang hoặc chuẩn bị tấn công họ ở Kharkiv.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ trong việc yêu cầu Ukraine không sử dụng tên lửa tầm xa, tên lửa ATACMS và các loại đạn dược khác do Mỹ cung cấp để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga vẫn không thay đổi.
Armenia
Tại Armenia, động thái của Mỹ diễn ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 18/4 cho biết, Yerevan đã đạt được các thỏa thuận quân sự-chính trị với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) ngày 5/4 năm nay.
Trong đó, nhà ngoại giao Nga cảnh báo, Armenia có thể sẽ tiến hành kế hoạch buộc lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ nước này, sau đó để lực lượng phương Tây triển khai tại các căn cứ mà Nga vốn đóng quân.
Tới ngày 9/5 vừa qua, Điện Kremlin xác nhận Nga chính thức rút lực lượng biên phòng ra khỏi các khu vực nằm dọc biên giới Armenia và Azerbaijan, từ đó càng làm dấy thêm nhiều đồn đoán về việc lực lượng Mỹ và phương Tây sắp tiến vào quốc gia Nam Caucasus.
Theo Politico, mối quan hệ giữa Moscow và Armenia đã rơi xuống mức thấp nhất lịch sử trong những năm gần đây. Yerevan đã tiến hành cuộc tập trận chung với Mỹ, cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, và thậm chí bắn tín hiệu rằng nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) "một ngày nào đó".
Moldova
Tại Moldova, theo tờ NYT, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã có chuyến công du tới Chisinau từ ngày 29/5 và gặp gỡ Tổng thống Moldova Maia Sandu. Mục đích của chuyến thăm là thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với quốc gia đang phải đối mặt với "một nước Nga thù địch".
Theo tuyên bố chung giữa hai phía, Mỹ sẽ giúp đỡ Moldova trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch từ Nga và sẽ phân bổ 50 triệu USD cho mục đích này.
"Điều này sẽ tăng cường khả năng của Moldova trong việc chống lại sự can thiệp từ Nga, tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như tiếp tục con đường hội nhập châu Âu, tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn" – Ông Blinken nói.
Balkan
Tại Balkan, theo trang tin Lenta (Nga) ngày 24/5, chính quyền Mỹ và cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập cơ chế chống "các phương thức tuyên truyền" của Nga tại Balkan.
"Chính sách này nhằm mục đích củng cố châu Âu như một đối tác chiến lược, tăng cường quản trị dân chủ và pháp quyền, đồng thời tăng cường an ninh và sự thịnh vượng của các đối tác trong khu vực. Chính sách này cũng dựa trên tinh thần bảo vệ sự toàn vẹn của không quan thông tin kỹ thuật số" – Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Cảnh cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga
Trước các động thái của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov ngày 31/5 cảnh cáo, Mỹ và các đối tác của Washington đang liên tục phá hủy cấu trúc an ninh toàn cầu và kích động xung đột vũ trang.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga, tác động tiêu cực đối với diễn biến tình hình tại các khu vực phụ trách của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO do Nga dẫn đầu và Armenia là thành viên) đều do các hoạt động phá hoại của Mỹ và đồng minh gây ra.
Ông Belousov đồng thời lưu ý rằng, Washington và các đối tác liên tục phá hủy cấu trúc an ninh thế giới để duy trì sự thống trị toàn cầu
Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 30/5 tuyên bố, các thành viên NATO kêu gọi nới lỏng quy định về vũ khí phương Tây tại Ukraine thực chất đang "kích động" Kyiv kéo dài cuộc chiến.
Dmitry Suslov – một nhà phân tích có ảnh hưởng tại Nga nhận định, Moscow nên cân nhắc một vụ nổ hạt nhân "biểu trưng" để cảnh báo phương Tây về việc cho Ukraine sử dụng tên lửa của họ trong các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Tại Moldova và Balkan, chuyên gia Nga Konstantin Kosachev bình luận rằng, động thái của Mỹ không gì khác là thao túng đường lối chính sách đối ngoại của toàn bộ khu vực.