Pháo tự hành "Thần sấm" K9 của Hàn Quốc: NATO ưa chuộng còn Triều Tiên phải dè chừng

Thùy Lâm |

Khả năng cơ động - triển khai nhanh, hỏa lực mạnh lại có giá cả tương đối hợp lý là những đặc điểm nổi trội mà hệ thống pháo tự hành K9 của Hàn Quốc đang sở hữu.

Mới đây, trong bài viết đăng tải trên Tạp chí National Interest, chuyên gia về lịch sử quân sự và an ninh Sebastien Roblin đã phân tích những tính năng nổi bật của hệ thống pháo tự hành K9 của Hàn Quốc.

Theo đánh giá của Roblin, khả năng khai hỏa nhanh, mạnh, sau đó nhanh chóng tái triển khai tới những vị trí bắn mới để tránh bị đối phương phản kích là những tính năng đặc biệt khiến K9 được NATO ưa chuộng còn Triều Tiên phải dè chừng.

Uy lực pháo tự hành "Thần Sấm" K9

Hàn Quốc thiết kế pháo tự hành K9 để hoạt động trên những khu vực miền núi gồ ghề của khu phi quân sự với Triều Tiên.

K9 nặng 52 tấn, trang bị pháo cỡ nòng155mm, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 41 km hoặc 56 km bằng đạn rocket.

Kíp chiến đấu 5 người của hệ thống pháo K9 được bảo vệ đầy đủ trước các hiểm họa hạt nhân, sinh học và hóa học xung quanh. Được bọc giáp 19mm, K9 có thể chống chọi được những loại đạn súng máy hạng nặng. Ngoài ra, K9 còn được trang bị một súng máy cỡ nòng 12.7mm giúp binh sĩ có khả năng phòng ngự tốt hơn.

Mặc dù có khối lượng nặng hơn hệ thống M109 Paladin do Mỹ chế tạo - loại đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu kể từ những năm 1960 nhưng K9 lại có tốc độ nhanh hơn (72 km/h), tỷ lệ sức mạnh so với trọng lượng cao hơn nhờ động cơ 1.000 mã lực.

K9 có tầm hoạt động khoảng 480 km, xa hơn M109 tới 40% trước khi cần phải tiếp nhiên liệu. Tuy pháo của K9 chưa đủ độ ổn định để bắn trong lúc đang di chuyển nhưng nó có thể khai hỏa chỉ trong vòng 1 phút.

Để giảm gánh nặng cho thành viên kíp chiến đấu, pháo K9 sử dụng cơ chế nạp tự động, có khả năng bắn cùng lúc 3 phát theo chế độ bắn loạt nhiều viên ở các quỹ đạo khác nhau (MRSI) chỉ trong vòng 15 giây.

Những nghiên cứu về hoạt động đã cho thấy, hệ thống pháo này nguy hiểm nhất ở thời khắc mở màn khi các mục tiêu còn chưa nhận biết được nguy cơ đối mặt với cuộc tấn công. Sau đó, hiệu quả sẽ giảm mạnh khi đối phương tìm được nơi ẩn nấp.

Bằng cách cài đặt thời gian cho các viên đạn khai hỏa chạm mục tiêu cùng lúc trước khi đối phương nhận thấy bị tấn công, K9 có khả năng gây thiệt hại lớn hơn nhiều.

"Thầm sấm" K9 có thể mang theo tới 48 đạn pháo và được tái cấp bởi các xe tiếp đạn K10 - loại phương tiện có thể tiếp thêm tới 104 viên nhờ cầu nối tự động, qua đó giúp kíp chiến đấu không bị rơi vào tình thế nguy hiểm.

Cơ động, thời gian triển khai nhanh và có chế độ MRSI, K9 thích hợp cho việc khai hỏa nhanh, mức độ sát thương mạnh rồi sau đó tái triển khai tới những vị trí mới để tránh bị đối phương phản công.

K9 thực tế đã tham chiến trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới phiên bản T155 Firtina ("Storm"), theo cấp phép sản xuất của Hàn Quốc. Những chiếc Firtina lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng công nhân người Kurd ở Iraq năm 2007.

Sau đó, hệ thống còn tham gia nhiều cuộc tấn công dữ dội nhằm vào người Kurd và phiến quân IS trên khắp khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Tuy nhiên, các tay súng IS tuyên bố đã hạ gục 3 hệ thống Firtinas tại Gaziantep bằng tên lửa chống tăng Metis vào tháng 4/2016.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu ít nhất 300 chiếc T155 và đã xuất khẩu 36 chiếc sang Azerbaijan, nơi chúng được sử dụng trong cuộc chiến với Armenia.

Pháo tự hành Thần sấm K9 của Hàn Quốc: NATO ưa chuộng còn Triều Tiên phải dè chừng - Ảnh 1.

T155 - phiên bản K9 nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ

Tại Hàn Quốc, K9 đã được thử lửa trong cuộc đấu pháo với Triều Tiên ngày 23/11/2010 trên đảo Yeonpyeong, ở cực Tây biên giới liên Triều. Khẩu đội 6 chiếc Thunder đã khai hỏa đáp trả khi Triều Tiên nã pháo sang đảo Yeonpyeong làm 2 lính thủy đánh bộ Hàn Quốc thiệt mạng và 22 người khác bị thương.

Trong vụ đấu pháo trên, tình báo Hàn Quốc ước tính có khoảng 35 - 40 người Triều Tiên đã thiệt mạng hoặc bị thương, tuy nhiên Bình Nhưỡng phủ nhận thông tin này.

Khu vực phi quân sự liên Triều luôn có nguy cơ bùng phát cuộc chiến tranh pháo binh dữ dội, do đó Hàn Quốc đang tích cực chế tạo một biến thể mới cho K9 với tháp pháo tự động, giảm kíp chiến đấu từ 5 xuống còn 2 người.

Tạo sao NATO ưa chuộng K9?

Tháng 12 năm 2017, Na-uy thông báo sẽ mua 24 khẩu pháo tự hành K9 Thunder từ công ty Hanhwa của Hàn Quốc với giá trị ước tính 215 triệu USD. Theo điều khoản bổ sung của hợp đồng, Na-uy có quyền mua bổ sung thêm 24 hệ thống pháo K9 trong tương lai.

K9 đã vượt qua đối thủ pháo tự hành nâng cấp M109 do công ty RUAG của Thụy Sỹ và Panzerhaubitze 2000 của Đức chào hàng cho Na-uy. Hợp đồng với Na-uy đánh dấu thành công mới nhất của hệ thống pháo tự hành K9 của Hàn Quốc.

Tại NATO, hệ thống này đang được Thổ Nhĩ Kỳ vận hành và sẽ sớm được vào hoạt động ở 3 quốc gia nữa cũng như Ấn Độ và Phần Lan. Riêng Hàn Quốc sẽ triển khai trên 1.200 khẩu pháo này vào năm 2019 nhằm đối phó với khí tài Triều Tiên bố trí dọc Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền.

Pháo tự hành Thần sấm K9 của Hàn Quốc: NATO ưa chuộng còn Triều Tiên phải dè chừng - Ảnh 2.

K9 Thunder tương thích với đạn 155mm theo chuẩn NATO

Các quốc gia Bắc Âu và Đông Âu cũng đang tìm cách cải thiện khả năng pháo binh của họ nhằm đối phó với với hành động mà họ cho là khiêu khích từ phía Nga trong khu vực.

Estonia, quốc gia thành viên NATO chỉ có 1,2 triệu dân đã lên kế hoạch sở hữu 12 hệ thống Thunder vào năm 2021 nhằm đối phó với quân đội Nga.

Trong khi đó, Ba Lan cũng đang phát triển một biến thể nội địa của K9 với tên gọi AHS Krab, sử dụng tháp pháo AS90M Braveheart của Anh. Warsaw có kế hoạch sở hữu 5 trung đoàn với tổng cộng 129 hệ thống Krab. Tháng 2/2017, Phần Lan thông báo rằng họ đã mua 48 hệ thống Thunder.

Tại Ấn Độ, 100 khẩu pháo tự hành K9 VAJRA-T chuyên dùng cho tác chiến trên môi trường sa mạc sẽ được sản xuất nội địa theo cấp phép và chuyển giao công nghệ để thay thế cho những khẩu pháo tự hành Abbot và 2S1 đã lỗi thời. VAJRA là hệ thống pháo hiện đại bổ sung đầu tiên cho lực lượng pháo tự hành của Ấn Độ.

Những quốc gia có biên giới tiếp giáp với các kẻ thù tiềm ẩn, pháo binh được xem là một lựa chọn đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh, hiệu quả và giá rẻ. Những cải tiến công nghệ hiện nay cho phép các hệ thống pháo đạt được tầm hoạt động xa hơn và chính xác hơn so với trước kia.

Cùng với mức giá tương đối hợp lý, điều này có thể giải thích tại sao hệ thống pháo tối tân K9 của Hàn Quốc đang ngày càng được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại