Phản ứng của Mỹ trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận trung đoàn S-400 thứ hai của Nga

Thu Hằng |

Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 16/8 đã có phản ứng được cho là 'nhẹ nhàng' trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch nhận lô hàng thứ hai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Phản ứng của Mỹ trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận trung đoàn S-400 thứ hai của Nga - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga được trưng bày tại Công viên Kubinka Patriot, ngoại ô Moskva, ngày 22/8/2017. Ảnh: /Getty Images

Thổ Nhĩ Kỳ đã mua các hệ thống S-400 do Nga sản xuất từ năm 2017, khiến mối quan hệ của họ với Mỹ rơi vào khủng hoảng. Kết quả là chính quyền Tổng thống Trump khi đó đã trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích hỗn hợp F-35 và sau đó trừng phạt tổ chức công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà lãnh đạo nước này. Mỹ lo ngại hệ thống radar mạnh mẽ của S-400 sẽ cho phép Nga do thám máy bay chiến đấu tiên tiến F-35.

Theo theo trang Defensenews, phản ứng của Mỹ vào ngày 16/8 tương đối nhẹ nhàng. Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không can dự thêm vào lĩnh vực quốc phòng của Nga.

Ông Price cho rằng, cuộc xung đột phi lý tại Ukraine "khiến điều quan trọng hơn bao giờ hết là tất cả các quốc gia tránh giao dịch với lĩnh vực quốc phòng của Nga".

"Chúng tôi sẽ phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi không nắm được bất kỳ diễn biến mới nào về vấn đề này", người phát ngôn trên nói thêm.

Ông Price từ chối giải thích liệu lô hàng S-400 mới mà Ankara có kế hoạch tiếp nhận có khiến chính quyền Tổng thống Biden xem xét lại kế hoạch bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Trước đó, hãng thông tấn Nga TASS cùng ngày 16/8 đưa tin Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng cung một "trung đoàn" S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ. TASS dẫn thông tin từ người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang, Dmitry Shugayev.

Ông Shugayev nói với TASS rằng thỏa thuận mới với Ankara sẽ cho phép một số thành phần của hệ thống được chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên các nguồn tin quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của Nga rằng họ đã ký một hợp đồng bổ sung, lưu ý rằng lô S-400 thứ hai là một phần của thỏa thuận ban đầu.

Các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ nói với Defense News rằng có thể có một thỏa thuận với Nga để sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ một số thành phần của S-400 cho trung đoàn thứ hai.

Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này từ Defensenews.

Phản ứng của Mỹ trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận trung đoàn S-400 thứ hai của Nga - Ảnh 2.

Các thành phần của hệ thống S-40 được Nga chuyển giao cho Ankara vào tháng 7/2019. Ảnh: AP/Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Nỗ lực giữ cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ giữa phương Tây và Nga đã trở nên phức tạp hơn kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Dấu hiệu mạnh nhất về sự tan băng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xuất hiện vào cuối tháng 6 khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Reccep Tayyip Erdogan từ chối phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã lên tiếng ủng hộ việc bán chiến đấu cơ F-16 cho Ankara tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6.

Tuần này, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, một phái đoàn từ Ankara đã đến Mỹ để tham dự vòng đàm phán kỹ thuật thứ tư với Washington về một thỏa thuận tiềm tàng cung cấp tiêm kích F-16.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua 40 máy bay chiến đấu Lockheed Martin Block 70 F-16 trị giá 6 tỷ USD. Ankara cũng đang tìm kiếm một khoản riêng trị giá 400 triệu USD để nâng cấp các máy bay phản lực F-16 hiện tại của họ với tên lửa, radar và thiết bị điện tử mới.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez đã đe dọa sẽ chặn việc bán F-16 vì Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sở hữu S-400, vi phạm không phận Hy Lạp và vùng biển CH Síp ở đông Địa Trung Hải, cùng với các cuộc tấn công đang diễn ra nhằm vào các chiến binh do Mỹ hậu thuẫn ở đông bắc Syria.

Bất chấp căng thẳng gia tăng với các đồng minh NATO trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo được một số thiện chí ở Washington khi có những hành động ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga. Công ty Thổ Nhĩ Kỳ Bayraktar đã bán cho Ukraine máy bay không người lái thả bom, dẫn đường bằng laser TB2, mang lại những lợi thế nhất định cho Kiev trên chiến trường. Hồi tháng 6, Ukraine cho biết Bayraktar sẽ mở một nhà máy sản xuất máy bay không người lái tại nước này.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận quốc tế với Nga nhằm cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, qua đó xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Eric Edelman, cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và là quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cho biết ông tin rằng thỏa thuận S-400 giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ làm xáo trộn những nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Ông Edelman nói: "Ít nhất, điều này sẽ làm phức tạp nỗ lực của chính quyền Biden trong việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và khiến đội quân gièm pha Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng trên Đồi Capitol".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại