Phận buồn xe bọc thép “made in Vietnam”: Chỉ là mô hình

Hoàng Hải |

Ông Trần Quốc Hải cho rằng Bộ quốc phòng đã đúng khi nhận định xe bọc thép của ông Chính chỉ là mô hình, không có nhiều ý nghĩa.

Ủng hộ quyết định của Bộ Quốc phòng

Mới đây đoàn công tác của Bộ quốc phòng đã cử 3 cán bộ xuống làm việc với ông Nguyễn Đình Chính, (57 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) chủ nhân của chiếc xe bọc thép “made in Việt Nam” để đánh giá, kiểm tra các tính năng của sản phẩm này.

Sau quá trình xem xét, đoàn công tác cho rằng, xe bọc thép của ông Chính chỉ là xe mô hình, chưa có nhiều ý nghĩa thực tiễn.

Chia sẻ với Đất Việt trước thông tin này, ông Trần Quốc Hải, vua chế tạo máy móc ở tỉnh Tây Ninh cho rằng quyết định trên của Bộ Quốc phòng là có cơ sở.

“Tôi đã khẳng định với các phóng viên điều này cách đây mấy tháng rồi. Sản phẩm của ông Chính chỉ là xe mô hình thôi. Gọi như vậy cũng không hẳn đúng nữa.

Xe bọc thép là loại xe đặc thù, đòi hỏi phải có một quy trình kỹ thuật cao, chứ không thể lấy mấy tấm thép bao vòng quanh rồi nói đó là xe bọc thép. Nó phải có nguyên tắc, đặc biệt là tiêu chí rất cụ thể. Làm thì làm vậy thôi chứ xe bọc thép phức tạp hơn nhiều.

Xe bọc thép cần đáp ứng được nhu cầu thực tế, phù hợp với điều kiện ở nước ta. Nhưng xe này tôi thấy thiết kế chung chung, không phục vụ ở chiến trường nào hết”, ông Hải khẳng định.

Phận buồn xe bọc thép “made in Vietnam”: Chỉ là mô hình  - Ảnh 1.

Vua chế tạo máy móc Trần Quốc Hải cho rằng Bộ quốc phòng đã đúng khi nhận định xe bọc thép của ông Chính chỉ là mô hình, không có nhiều ý nghĩa.

Trước những ý kiến của Bộ Quốc phòng và ý kiến trái chiều của người dân trước mô hình này, ông Hải cho rằng chủ nhân chiếc xe bọc thép “made in Việt Nam” cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn, nghiêm túc, tránh đưa ra những nhận định chủ quan và tự tin.

“Xe là để phục vụ cộng đồng. Ông Chính không thể tách ra khỏi cộng đồng được, còn chuyện ông tuyên bố hoàn thiện sản phẩm, đăng ký bên Mỹ lại là chuyện khác.

Bây giờ rõ ràng, ít ra phải được Bộ Quốc phòng công nhận và được ý kiến ủng hộ của quần chúng.

Tôi cho rằng, nhiệt tình không chưa đủ, muốn làm bất cứ cái gì thì phải tìm hiểu kỹ và có kiến thức về vấn đề đó. Phải hiểu tính năng xe bọc thép là gì và mục đích mình làm ra để là gì.

Không thể làm tràn lan rồi yêu cầu các bên công nhận. Tất cả mọi chế tạo phải được xã hội công nhận và làm phục vụ cho xã hội, chứ cương quyết làm theo ý mình thì độ thành công nó không cao đâu”, ông Hải nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, lão nông Tây Ninh nhấn mạnh, cần đưa ra các thông số kỹ thuật cụ thể để dễ dàng đối chiếu, so sánh, nâng cấp cũng như hoàn thiện sản phẩm.

“Tôi nghĩ, anh Chính cần đưa ra các thông số kỹ thuật, bề ngang bao nhiêu, bề dài bao nhiêu, trang bị súng gì, mỗi loại súng chức năng, ứng dụng như thế nào, chạy được bao nhiêu km/h, vượt qua được chướng ngại vật như thế nào?

Ở bên trên cũng phải trang bị cho tốt, cho lính chỗ ngồi. Có cửa thoát khi gặp sự cố thì lính nhảy xuống.

Đặc biệt với việc chế tạo xe bọc thép thì việc trang bị kiến thức vững chắc lại vô cùng cần thiết”, ông Hải nói thêm.

Người Mỹ không dễ dãi khi đăng ký sở hữu trí tuệ

Là người trực tiếp mày mò chế tạo xe bọc thép cũng như có sản phẩm được Mỹ công nhận về sở hữu trí tuệ, ông Hải cho rằng người Mỹ làm việc rất công tâm và nghiêm túc với những sản phẩm muốn đăng ký sở hữu trí tuệ.

“Thực ra ở bên Mỹ thực tế hơn Việt Nam rất nhiều. Nếu làm được họ sẽ công nhận. Họ không nặng nề về thủ tục như chúng ta và rất trân trọng các nhà khoa học. Các nhà khoa học có tên tuổi, kinh nghiệm phải có bổn phận công nhận nhà khoa học mới. Người đi trước phải giúp đỡ người đi sau.

Bằng chứng là trực thăng của tôi được công nhận và được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật ở New York của Mỹ.

Bên cạnh đó, Nhật Bản, Australia, Singapore, Campuchia cũng đã công nhận tôi vừa là nông dân, vừa là kỹ sư trực thăng.

Ở Việt Nam, xe bọc thép của tôi thì chưa được công nhận còn các loại máy móc nông nghiệp, trực thăng đã được công nhận rồi. Xe bọc thép tôi đã chuyển giao công nghệ cho Campuchia và tập trung chuyên sâu đi nghiên cứu máy móc nông nghiệp, để tạo ra máy móc giải phóng sức lao động của con người”, ông Hải chia sẻ.

Với kinh nghiệm đã có từ những lần làm việc với các nhà khoa học Mỹ, ông Hai lúa Tây Ninh khẳng định quyết tâm đăng ký bản quyền sáng chế của ông Chính tại quốc gia này không hề dễ dàng gì.

"Ở Mỹ những việc như thế này rất dễ và cũng rất khó. Nếu chúng ta có tài thì họ sẽ công nhận. Sản phẩm thiết kế phải mang yếu tố thực tiễn và phải có tính mới.

Tiếp theo là phục vụ cho những mục đích rõ ràng. Họ không nặng về lý thuyết, nói nhiều mà đề cao tính hiệu quả. So sánh xe bọc thép của Mỹ và mô hình do anh Chính thiết kế thì họ không công nhận đâu. Tôi có kinh nghiệm rồi.

Anh Chính nói chiếc xe bọc thép vượt trội so với thế giới là hơi chủ quan và tự tin. Đấy chỉ là quan điểm riêng của cá nhân nhân anh thôi", ông Hải nhấn mạnh.

Từ những vấn đề trên, ông Hải cho rằng, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn trong nước cần phải vào cuộc, kiểm tra đánh giá và xem xét thật nghiêm túc sản phẩm do ông Chính làm ra.

"Các nhà khoa học phải đến tận nơi nhìn nhận xem sản phẩm của ông Chính yếu ở chỗ nào, làm được cái gì, chưa được gì, cần bổ sung thêm những gì. Cần phải nói hết sức cụ thể, không được nói chung chung. Từ đó cho những người đam mê chế tạo công nghệ không chuyên có thêm những kinh nghiệm", ông Hải nêu quan điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại